ISSN-2815-5823

"Đặt cược" vào phát hành cổ phiếu để lấy 1.500 tỷ đồng trả nợ: Kế hoạch của Hải Phát Invest có dễ thành công?

(KDPT) - Trong bối cảnh quỹ tiền mặt hạn chế, hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, khó có khả năng tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng hay phát hành được trái phiếu, để giải quyết bài toán dòng tiền trả nợ và đầu tư dự án Đầu tư Hải Phát buộc phải “đặt cược” vào kế hoạch phát hành cổ phiếu.

Chào bán 152 triệu cổ phiếu với giá cao gấp rưỡi trên sàn để lấy tiền trả nợ

Ngày 5/6, Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát - Invest, mã: HPX) vừa thông qua kế hoạch chào bán 152,08 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1.000:500, tương ứng cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu được quyền mua thêm 500 cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu - cao hơn gần 48% so với thị giá đóng cửa phiên ngày 5/6 của cổ phiếu HPX là 6.760 đồng/cổ phiếu.

Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Cổ phiếu chào bán cho cổ đông sẽ được chuyển nhượng tự do. Người sở hữu quyền mua cũng có thể chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu cho người khác (một hoặc nhiều người) theo thỏa thuận. Quyền mua chỉ được chuyển nhượng 1 lần trong thời gian quy định. Người nhận chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu không được chuyển nhượng cho người thứ ba.

Số tiền 1.520 tỷ đồng dự kiến huy động được từ đợt chào bán, Đầu tư Hải Phát dự kiến dùng 1.410,5 tỷ đồng để thanh toán gốc và lãi các khoản nợ trái phiếu (mã trái phiếu HPX122018, HPXH2123008, HPXH2124009 và trái phiếu HPXH2125007); còn lại 110,3 tỷ đồng sẽ được dùng để thanh toán gốc và lãi của khoản nợ vay tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt - chi nhánh Hà Nội.

Về thứ tự ưu tiên sử dụng vốn, Đầu tư Hải Phát cho biết, trong trường hợp công ty không chào bán hết cổ phiếu dẫn đến số tiền thu được từ đợt chào bán không đủ để sử dụng cho phương án trên, công ty sẽ ưu tiên thanh toán gốc và lãi của các khoản nợ trái phiếu đến hạn trước. Nếu còn dư sẽ thanh toán gốc và lãi của khoản vay của công ty tại ngân hàng Bảo Việt.

Đồng thời, Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty sẽ bổ sung nguồn vốn thiếu hụt từ nguồn vốn tự có hoặc huy động từ các nguồn khác bên ngoài (vay; phát hành trái phiếu; vay tổ chức, cá nhân khác...).

Trong trường hợp thời gian triển khai đợt chào bán cổ phiếu thực tế kéo dài hơn dự kiến dẫn đến công ty phải huy động các nguồn vốn khác từ bên ngoài để thanh toán trước cho các nghĩa vụ đến hạn của trái phiếu và nợ vay ngân hàng theo kế hoạch, HĐQT công ty sẽ sử dụng số tiền thực tế thu được từ đợt chào bán cổ phiếu để thanh toán bù đắp cho các nguồn vốn khác từ bên ngoài mà công ty đã huy động để thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn do không kịp hoàn thành đợt chào bán theo tiến độ sử dụng vốn thực tế.

Phương án sử dụng vốn từ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của HPX.
Phương án sử dụng vốn từ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của HPX.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Hải Phát Invest đã trình cổ đông thông qua phương án phát hành 307,2 triệu cổ phiếu với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá trên 3.072 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ công ty sẽ tăng từ gần 3.042 tỷ đồng lên gần 6.115 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2024-2025.

Cụ thể, Đầu tư Hải Phát dự kiến phát hành 152 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện quyền dự kiến là 2:1. Số tiền thu được từ đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu 1.520 tỷ đồng, dự kiến sẽ được dùng để thanh toán các trái phiếu đã hát hành của công ty (bao gồm gốc và lãi), và/hoặc các khoản nợ của công ty (bao gồm gốc và lãi). Thời gian sử dụng vốn dự kiến từ năm 2024 đến năm 2025.

Đồng thời, công ty cũng dự kiến phát hành 15,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023, tỷ lệ 5%.

Ngoài ra, doanh nghiệp dự kiến chào bán 140 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu.

Số tiền 1.400 tỷ đồng dự kiến thu được từ đợt chào bán riêng lẻ sẽ được dùng để góp vốn vào các công ty con gồm Công ty TNHH MTV Hải Phát - Bình Thuận (200 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xanh Kỳ Sơn (450 tỷ đồng), thanh toán công nợ nhà thầu thi công các dự án (200 tỷ đồng), góp vốn theo hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Huy Hoàng (150 tỷ đồng), bổ sung vốn phát triển dự án khu đô thị Mai Pha, Lạng sơn (300 tỷ đồng), thanh toán chi phí hoạt động và thuế cũng như các khoản phải nộp Nhà nước khác (100 tỷ đồng). Thời gian dự kiến giải ngân trong năm 2024-2025.

Tại đại hội, trả lời câu hỏi của cổ đông về tính khả thi của phương án phát hành cổ phiếu cao hơn thị giá trên sàn chứng khoán, ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch Hải Phát Invest cho rằng, thị trường chứng khoán sắp được nâng hạng và thị trường bất động sản đang ấm lên, cộng với việc tất toán được các khoản trái phiếu… thì việc tăng vốn của công ty sẽ khả thi.

Thách thức với kế hoạch tăng vốn

Mặc dù lãnh đạo Đầu tư Hải Phát đánh giá kế hoạch tăng vốn của công ty là khả thi. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc phát hành cổ phiếu này sẽ là không dễ, ngoại trừ 15,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023, tỷ lệ 5%; còn lại hai kế hoạch phát hành cho cổ đông hiện hữu và chào bán riêng lẻ để lấy tiền trả nợ trái phiếu và ngân hàng có thành công hay không vẫn còn nhiều dấu hỏi.

Nhất là kế hoạch chào bán riêng lẻ để góp vốn vào các công con triển khai dự án được cho là sẽ phụ thuộc nhiều vào triển vọng triển khai các dự án của Hải Phát Invest trong năm 2024.

Tại thời điểm cuối tháng 3/2024, danh mục đầu tư dở dang của Hải Phát còn tới 15 dự án. Ngoài ra, các khoản đầu tư tài chính của Hải Phát Invest vào các công ty liên doanh, liên kết và các đơn vị kinh doanh khác là 517,7 tỷ đồng. Trong đó, hai khoản đầu tư đáng chú ý là gần 56 tỷ đồng vào Công ty TNHH BT Hà Đông và 113,4 tỷ đồng vào Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) được xem là hai khoản đầu tư không thành công của Hải Phát Invest tính đến thời điểm hiện tại.

Với dự án BT Hà Đông do liên danh Hải Phát - Văn Phú làm chủ đầu tư khó khăn hiện tại là đang bị ách tắc vì phải rà soát lại hợp đồng theo yêu cầu của Bộ Tài chính và UBND TP. Hà Nội, trong khi khoản đầu tư vào Cienco 5 vướng tranh chấp liên quan đến Tập đoàn Mường Thanh tại dự án Thanh Hà B - Cienco 5, hiện vẫn chưa có hướng giải quyết.

Với khoản đầu tư kém hiệu quả vào Cienco 5, ngày 30/5 vừa qua, HĐQT Đầu tư Hải Phát đã thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương cho phép Công ty TNHH MTV Đầu tư Sapphire (công ty con của Đầu tư Hải Phát) chuyển nhượng toàn bộ hơn 8,35 triệu cổ phần, tương đương số vốn góp hơn 83,5 tỷ đồng, chiếm 14,017% vốn điều lệ của Cienco 5.

Tại đại hội vừa qua, Ban lãnh đạo Đầu tư Hải Phát cho biết, năm nay doanh nghiệp sẽ tập trung kinh doanh và triển khai các dự án trọng điểm như dự án Hải Yên - Móng Cái, dự án Phố đi bộ Bắc Giang, dự án 5A Đề Thám - Cao Bằng, dự án Mai Pha - Lạng Sơn, dự án 5 ha Phú Hài - Bình Thuận, dự án Đảo Ngọc - Hòa Bình.

Tuy nhiên, ngoại trừ dự án Hải Yên 1 và Hải Yên 2 ở Móng Cái, theo lãnh đạo Hải Phát Invest là đủ điều kiện bán hàng trong thời gian tới và có thể mang lại lợi nhuận tốt cho công ty trong năm 2024-2025 thì các dự án còn lại đều đang trong quá trình triển khai và chưa có con số cụ thể về dòng tiền mang lại...

Đáng chú ý, trong danh mục các dự án triển khai trọng điểm năm 2024 của Hải Phát có dự án Đảo Ngọc - Hòa Bình. Đây là dự án mới chỉ được thông qua hồi cuối tháng 12/2023. Dự án này do Công ty TNHH Đảo Ngọc Xanh Kỳ Sơn - liên danh giữa Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xanh Kỳ Sơn và Công ty Cổ phần Tập đoàn Telin - làm chủ đầu tư. Hải Phát Invest dự kiến chi 450 tỷ đồng (từ chào bán cổ phiếu riêng lẻ) vào Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xanh Kỳ Sơn là nhằm mục đích M&A dự án này.

Dự án Đảo Ngọc - Hòa Bình có quy mô 35 ha với 350-450 căn nhà ở liền kề, nhà ở biệt thự và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tổng chi phí thực hiện dự án (chưa bao gồm tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng) là 234 tỷ đồng. Liên danh trên đã trúng thầu dự án từ năm 2018, thời gian thực hiện là 24 tháng.

Giữa tháng 6/2023, Công ty TNHH Đảo Ngọc Xanh Kỳ Sơn bị Cục Thuế tỉnh Hòa Bình công bố nợ thuế hơn 841 tỷ đồng. Đến đầu tháng 7/2023, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình đã có văn bản thông tin về hàng loạt các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện huy động vốn, giao dịch trên địa bàn tính đến quý II/2023, trong đó có dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Ngọc nói trên.

Trong danh sách nợ thuế vừa được Cục Thuế tỉnh Hòa Bình công bố mới đây, Công ty TNHH Đảo Ngọc Xanh Kỳ Sơn tiếp tục bị “réo tên” với số nợ thuế hơn 929 tỷ đồng, xếp thứ hai trong danh sách nợ thuế.

Xét về hoạt động kinh doanh, mặc dù kết quả kinh doanh trong quý I/2024 của Đầu tư Hải Phát có cải thiện so với cùng kỳ với doanh thu đạt 324 tỷ đồng, tăng 117% và lợi nhuận sau thuế gần 16 tỷ đồng, (trong khi cùng kỳ lỗ hơn 26 tỷ đồng), song mới chỉ thực hiện được trên 10% kế hoạch doanh của cả năm 2024. Năm nay, Hải Phát đề ra mục tiêu doanh thu 2.800 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ song lợi nhuận sau thuế lại giảm 22% so với thực hiện trong năm 2023, đạt 105 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/3/2024, tổng tài sản của Đầu tư Hải Phát tăng 5% so với đầu năm, lên 8.712 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 3.678 tỷ đồng, chiếm 42,2% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 2.895 tỷ đồng, chiếm 33,2% tổng tài sản...

Bên kia bảng cân đối, đến cuối quý I/2024, tiền mặt của công ty chỉ còn 71,3 tỷ đồng nhưng tổng nợ vay lên tới hơn 2.390 tỷ đồng, bằng 66,3% vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay ngắn hạn (dưới 1 năm) là 1.751 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là trên 639 tỷ đồng.

Có thể thấy, trong bối cảnh quỹ tiền mặt hạn chế, hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, khó có khả năng tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng hay phát hành được trái phiếu thì để giải quyết bài toán dòng tiền trả nợ và đầu tư dự án đang được Đầu tư Hải Phát “đặt cược” vào kế hoạch phát hành cổ phiếu. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, việc thực hiện kế hoạch này hẳn sẽ là thách thức không hề nhỏ với Hải Phát./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024