Đầu tư Hải Phát (HPX): Chủ tịch liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu, người nhà lãnh đạo mua xong 20.000 cổ phiếu HPX nhưng “quên” báo cáo
Chị dâu lãnh đạo HPX “quên” báo cáo mua 20.000 cổ phiếu
Cụ thể, theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE), bà Bùi Thị Hải Yến, chị dâu thành viên HĐQT HPX đã mua vào 20.000 cổ phiếu để nâng sở hữu từ 0 lên 20.000 cổ phiếu. Giao dịch được thực hiện từ 2/12/2022-13/12/2022.
Tuy nhiên, đến ngày 9/1/2023, thông tin về giao dịch trên của bà Yến mới được công bố. Như vậy, nếu tính từ ngày kết thúc giao dịch ngày 13/12/2022 tới ngày 9/1/2023, thị trường đã trải qua 18 phiên giao dịch.
Thông tin được công bố về giao dịch mua vào 20.000 cổ phiếu HPX của bà Bùi Thị Hải Yến, chị dâu thành viên HĐQT HPX. |
Có thể thấy, theo quy định luật pháp hiện hành về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, bà Bùi Thị Hải Yến đã có dấu hiệu báo cáo kết quả giao dịch trễ hơn so với quy định.
Cụ thể, tại Điều 33 của Thông tư 96/2020/TT-BTC: Công bố thông tin của người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ có quy định “Người nội bộ của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan của các đối tượng này phải công bố thông tin, báo cáo trước và sau khi thực hiện giao dịch cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán, công ty đại chúng, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán khi giá trị giao dịch dự kiến trong ngày từ 50 triệu đồng trở lên hoặc giá trị giao dịch dự kiến trong từng tháng từ 200 triệu đồng trở lên tính theo mệnh giá hoặc theo giá phát hành gần nhất hoặc giá trị chuyển nhượng, kể cả trường hợp chuyển nhượng không thông qua hệ thống giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán.
Đối với trường hợp của bà Yến đã vi phạm điểm đ, Điều 33 của Thông tư 96/2020/TT-BTC. Cụ thể, điểm đ, Điều 33 của Thông tư 96/2020/TT-BTC quy định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn tất giao dịch (trường hợp giao dịch kết thúc trước thời hạn đăng ký) hoặc kết thúc thời hạn dự kiến giao dịch, người nội bộ và người có liên quan phải công bố thông tin về kết quả giao dịch đồng thời giải trình nguyên nhân không thực hiện được giao dịch hoặc không thực hiện hết khối lượng đăng ký (nếu có) theo mẫu quy định tại Phụ lục XV hoặc Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư này”.
Trong vòng 4 tháng trước khi bà Bùi Thị Hải Yến giao dịch, trên hệ thống công bố thông tin của HoSE không ghi nhận đăng ký giao dịch của bà Bùi Thị Hải Yến. Điều này cũng vi phạm điểm 1a, Điều 33 của Thông tư 96/2020/TT-BTC.
Cụ thể, điểm 1a, Điều 33 của Thông tư 96/2020/TT-BTC có quy định: “Trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch tối thiểu 03 ngày làm việc, người nội bộ và người có liên quan phải công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch theo mẫu quy định tại Phụ lục XIII hoặc Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này”.
Chủ tịch Hải Phát Đỗ Quý Hải và người thân liên tục bị bán giải chấp gần 68 triệu cổ phiếu HPX
Theo thông tin từ HoSE cho biết, trong phiên giao dịch ngày 5/12/2022, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát (HPX) Đỗ Quý Hải đã bị bán giải chấp 800.000 cổ phiếu HPX. Sau khi bị bán, ông Hải còn nắm giữ gần 72,1 triệu cổ phiếu HPX tương đương 23,71% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 2/11/2022, ông Hải cùng người thân trong gia đình cũng đồng loạt bán giải chấp cổ phiếu HPX. Cụ thể, ông Hải bị giải chấp gần 11,3 triệu đơn vị; ông Đỗ Quý Thành (em trai ông Hải), Phó Tổng Giám đốc của Hải Phát bị công ty chứng khoán giải chấp toàn bộ 2,3 triệu cổ phiếu đang nắm giữ. Tương tự, bà Chu Thị Lương (vợ ông Hải) bị giải chấp 31.000 cổ phiếu, giảm số lượng nắm giữ xuống còn gần 6,9 triệu cổ phiếu (2,26% vốn).
Như vậy, kể từ ngày 28/11 - 5/12/2022, ông Đỗ Quý Hải cùng người thân đã bị công ty chứng khoán buộc bán tới gần 19% lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty (tương đương giá trị khoảng hơn 500 tỷ đồng).
Đến phiên giao dịch ngày 8/12/2022 vị Chủ tịch Hải Phát tiếp tục bị công ty chứng khoán bán giải chấp gần 3,9 triệu đơn vị HPX.
Như vậy, sau phiên 8/12/2022, ông Hải còn nắm giữ gần 69,9 triệu cổ phiếu HPX, tương ứng 22,98% vốn điều lệ.
Cùng trong phiên giao dịch ngày 8/12/2022, ông Đỗ Quý Đường – em trai ông Hải cũng bị công ty chứng khoán buộc bán 200 nghìn cổ phiếu HPX, giảm lượng sở hữu về còn chưa tới 524 nghìn đơn vị, tương ứng 0,17% vốn.
Hoạt động bán giải chấp của công ty chứng khoán đối với gia đình Chủ tịch Hải Phát vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Cụ thể, đến ngày 23/12/2022 ông Đỗ Quý Hải tiếp tục bị bán giải chấp hơn 1,72 triệu cổ phiếu HPX. Với thị giá HPX phiên 23/12 là 5,100 đồng/cp, ước tính thương vụ trị giá khoảng 8,8 tỷ đồng, qua đó hạ tỷ lệ sở hữu của Chủ tịch HPX xuống còn 22.32% - gần 67,9 triệu cổ phiếu.
Thông tin được công bố về việc ông Đỗ Quý Hải bị bán giải chấp hơn 1,72 triệu cổ phiếu HPX vào ngày 23/12/2022. |
Đáng chú ý, trước đó, ông Đỗ Quý Hải đã đăng ký bán 10 triệu cổ phiếu và đồng thời em trai ông Đỗ Quý Hải là ông Đỗ Quý Đường đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu HPX để nâng sở hữu từ 0,17% lên 3,46% vốn điều lệ. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 27/12/2022 đến ngày 24/1/2023.
Như vậy, Chủ tịch HPX chưa kịp bán ra đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp trước.
Có thể thấy, kể từ ngày 28/11 đến ngày 23/12, gia đình ông Đỗ Quý Hải bị bán giải chấp khoảng 67.927.828 cổ phiếu HPX, tương đương 22,3% vốn điều lệ tại Đầu tư Hải Phát.
Quỹ lớn nhất Dragon Capital thoái sạch vốn tại HPX
Trong phiên giao dịch 30/11/2022, cổ phiếu HPX của Đầu tư Hải Phát ghi nhận thanh khoản kỷ lục với hơn 165 triệu cổ phiếu được sang tay. Trong đó, gần 27 triệu cổ phiếu được xác nhận đến từ quỹ lớn nhất của Dragon Capital - Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL).
Theo báo cáo được công bố, VEIL đã bán ra hơn 26.5 triệu cp HPX, tương đương 8.73% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Hải Phát, trong phiên 30/11. Sau giao dịch, VEIL chính thức thoái sạch vốn và không còn là cổ đông của HPX.
Chiếu theo giá chốt phiên 30/11, ước tính VEIL đã thu về gần 241.6 tỷ đồng sau giao dịch.
Đồng thời, Bà Nguyễn Thị Lệ Dung, mẹ ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán: HPX) vừa có báo cáo cho biết đã bán khớp lệnh hơn 1,2 triệu cổ phiếu HPX trong giai đoạn từ ngày 8/12/2022 - 6/1/2023.
Đợt bán cổ phiếu này được bà thông báo vào ngày 2/12/2022, khi đó, bà Dung muốn bán toàn bộ cổ phiếu HPX đang sở hữu. Song, bà Dung không thực hiện hết giao dịch do không giao dịch cổ phiếu lẻ.
Tại thời điểm bà Dung đăng ký bán cổ phiếu, giá mã HPX đang trên đà lao dốc kể từ đầu tháng 11/2022, chạm mức thấp nhất kể từ khi Hải Phát niêm yết chứng khoán vào tháng 7/2018.
Diễn biến giá cổ phiếu HPX trong 3 tháng gần đây. (Nguồn: Tradingview). |
Đến cuối tháng 12/2022, Chủ tịch HĐQT Hải Phát, ông Hải đã báo cáo bán xong 10 triệu cổ phiếu HPX như đã đăng ký, ước tính thu về khoảng 45,8 - 47,1 tỷ đồng theo giá kết phiên tại mỗi phiên giao dịch. Đồng thời, ông Hải cũng đăng ký bán tiếp 8 triệu cổ phiếu HPX, dự kiến giao dịch trong khoảng từ ngày 5/1 - 3/2 tới đây.
Nếu bán hết số cổ phiếu đăng ký, số lượng cổ phiếu HPX ông Hải sở hữu sẽ giảm từ gần 57,9 triệu đơn vị còn gần 49,9 triệu đơn vị, tỷ lệ sở hữu tại Hải Phát cũng giảm từ 19% còn 16,4% vốn điều lệ công ty.
Trong bối cảnh cơ cấu sở hữu liên tiếp có nhiều biến động, ngày 6/1, công ty đã công bố kế hoạch họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường, dự kiến tổ chức trong quý I.
Nội dung họp được HĐQT Hải Phát nêu ra là thông qua chủ trương thay đổi đơn vị kiểm toán thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ. Chi tiết các tờ trình chưa được công ty công bố.