ISSN-2815-5823

Dầu khí Thanh Hoá: Nợ gấp 7 lần vốn, tiền mặt còn vài chục triệu

(KDPT) - Báo cáo tài chính quý I/2024 của Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Thanh Hoá ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan.

Tài liệu cho thấy, hết quý đầu tiên của năm nay, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Dầu khí Thanh Hóa đạt hơn 2,5 tỷ đồng, cao hơn 12 lần so với cùng kỳ năm 2023 vỏn vẹn 198 triệu đồng. Ở chiều ngược lại, doanh thu hoạt động tài chính giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 762 triệu đồng xuống còn 318 triệu đồng.

Dầu khí Thanh Hoá: Nợ gấp 7 lần vốn, tiền mặt còn vài chục triệu. (Ảnh minh họa)
Dầu khí Thanh Hoá: Nợ gấp 7 lần vốn, tiền mặt còn vài chục triệu. (Ảnh minh họa)

Hết quý I/2024, lợi nhuận gộp của công ty ghi nhận 139 triệu đồng. Nguyên nhân do giá vốn tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2023: Quý I/2023 ghi nhận 199 triệu đồng giá vốn, trong khi đó quý đầu tiên năm nay ghi nhận con số lên tới 2,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 1,37 tỷ đồng lên 1,85 tỷ đồng.

Do đó, hết 3 tháng đầu năm, Dầu khí Thanh Hóa lỗ hơn 1,4 tỷ đồng, ảm đạm hơn nhiều so với kết quả lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong quý I/2023 (lỗ 620 triệu đồng) - mức lỗ tương đương gấp đôi.

Lý giải về kết quả kinh doanh nói trên, công ty cho hay: Do tổng doanh thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác không bù đắp được giá vốn và chi phí quản lý trong kỳ.

Một nguyên nhân khác được Dầu khí Thanh Hóa đề cập trong báo cáo giải trình gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội là do lãi suất tiền gửi trong quý I/2024 giảm mạnh so với cùng kỳ dẫn tới doanh thu hoạt động tài chính quý I/2024 giảm mạnh và chi phí quản lý trong kỳ tăng dẫn tới lợi nhuận sau thuế quý I thấp hơn cùng kỳ.

Tính đến hết quý I/2024, Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa có tổng tài sản là 594 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận 878 triệu đồng. Trong đó, tiền mặt của doanh nghiệp này chỉ còn 43,7 triệu đồng, tiền gửi ngân hàng là 863 triệu đồng. Tính đến ngày 31/3/2024, hàng tồn kho ghi nhận 90,7 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm.

Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của doanh nghiệp ghi nhận 519,3 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn ghi nhận 124,5 tỷ đồng, nợ dài hạn 394,8 tỷ đồng. Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu ghi nhận 74,8 tỷ đồng, qua đó, có thể thấy nợ phải trả của doanh nghiệp gấp khoảng 7 lần vốn chủ sở hữu.

Về lý thuyết, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (Debt to Equity Ratio - D/E) thể hiện phần trăm của vốn mà doanh nghiệp huy động từ việc vay mượn so với vốn mà công ty đã đầu tư từ cổ đông. Đây là một công cụ quan trọng để đánh giá mức độ đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine