Nhiều chuỗi phòng tập gym đột ngột đóng cửa: Vì đâu nên nỗi?
Nhiều chuỗi phòng tập gym đồng loạt đóng cửa
Gần đây, chuỗi phòng gym cao cấp Fit24 thông báo trên fanpage sẽ tạm dừng hoạt động kinh doanh từ ngày 5/10. Theo chủ fanpage chia sẻ, lý do đóng cửa được đưa ra là lý do khách quan bất khả kháng.
Trước đó, Getfit Gym & Yoga - chuỗi phòng gym có tuổi đời 14 năm cũng đóng cửa tất cả chi nhánh từ ngày 4/9 vì "những lý do bất khả kháng nằm ngoài tầm kiểm soát". Getfit hiện đã mở cửa trở lại 2/3 cơ sở, nhưng founder chuỗi này nhận định thị trường vẫn còn muôn vàn khó khăn.
Trong vòng hai năm qua, số lượng phòng tập Fitness & Gym tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM... đã giảm sút đáng kể. Nhiều cơ sở gym, đặc biệt là những phòng nhỏ lẻ, đang gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân khách hàng, thậm chí đã có thông báo tạm dừng hoạt động, dừng hoạt động.
Không những là tại Việt Nam, trên thế giới lĩnh vực này cũng đang gặp muôn vàn khó khăn. Đầu tháng 9, chuỗi phòng tập thể dục Physical Fitness and Beauty ở Hong Kong (Trung Quốc) thông báo rằng sẽ đóng cửa sau 38 năm thành lập, với lý do cần phải tái cấu trúc hoạt động kinh doanh.
Trên website của mình, phòng tập này chia sẻ: "Mặc dù môi trường kinh tế của Hong Kong đã dần cải thiện kể từ đại dịch Covid-19 cách đây 4 năm, một số chủ nhà của một số chi nhánh vẫn duy trì giá thuê cao". Physical Fitness and Beauty cho biết họ có tới 23 chi nhánh trên khắp Hong Kong, nhưng đến tháng 9 năm nay chỉ có 14 địa điểm được liệt kê. Khó khăn về tài chính, trả lương nhân viên được cho là nguyên nhân chính khiến phòng tập này đóng cửa.
Physical Fitness and Beauty không phải là chuỗi phòng tập thể hình lớn duy nhất gặp khó khăn về tài chính trong năm nay. Hồi tháng 8, ba công ty liên kết với chuỗi phòng tập thể dục nổi tiếng Pure Fitness đã bị chủ mặt bằng cáo buộc không trả tiền thuê và phí quản lý cho một chi nhánh tại Admiralty. Trong một tuyên bố, Pure cho biết họ đã có "các cuộc thảo luận với chủ nhà trong vài tháng qua" khi thúc đẩy việc xem xét lại giá thuê trong cái mà họ gọi là "chu kỳ kinh tế đầy thách thức".
Còn tại Mỹ, Blink Fitness, chuỗi phòng tập giá rẻ với mức phí thành viên hàng tháng 15-45 USD, đã nộp đơn xin phá sản vào cuối tháng 8 và cho biết có thể đóng cửa một số chi nhánh không xác định trong số 101 phòng tập của mình.
Quay trở lại Việt Nam, các “ông lớn” ngành này như California Fitness & Yoga hay Elite cũng thận trọng với quyết định mở mới phòng tập. So với hồi cuối năm 2022, số lượng chị nhánh của Elite vẫn “dậm chân tại chỗ”, trong khi, California Fitness & Yoga chỉ khai trương thêm vỏn vẹn 2 chi nhánh trong hai năm.
Khách hàng đã không còn mặn mà?
Chia sẻ về lý do “tạm” đóng cửa Fit24, ông Lê Chí Trung - Giám đốc Fit 24 cho biết, khách hàng của chuỗi chủ yếu là những người làm ăn, kinh doanh nên khi kinh tế đi xuống, họ không còn xuống tiền nhiều cho các dịch vụ tại phòng gym. Doanh thu của Fit24 vì thế mà ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một khảo sát khác về thị trường Fitness tại Việt Nam của Cốc Cốc chỉ ra, ngân sách luyện tập hàng tháng của khách hàng có thể dao động từ 300.000 đồng đến 3 triệu đồng. Do đó, các chuỗi phòng gym cao cấp không có nhiều dịch vụ gia tăng cho khách hàng khó thuyết phục người tập rút hầu bao.
Đ.V.H (28 tuổi), một hướng dẫn viên thể hình tại một phòng tập ở Hà Nội cho hay: "Hiện nay, số lượng khách hàng đăng ký tập mới tại cơ sở là cực kỳ hạn chế. Đa phần người tập của mình vẫn là những khách lâu năm. Việc có thể kéo được lượng khách mới đến tập đang rất khó khăn".
Bên cạnh đó, thị trường cũng phân ra thành nhiều phân khúc, như phòng gym của những thương hiệu lớn dành cho những người có thu nhập cao, phân khúc phòng gym dành cho sinh viên, học sinh và những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, phần lớn “miếng bánh” thị phần đa số nằm trong tay các thương hiệu cao cấp nên các phòng tập bình dân dù có quy mô lớn nhưng không chiếm tỷ lệ nhiều.
Sự cạnh tranh giữa các chuỗi, các doanh nghiệp trong ngành này còn bị chi phối theo trào lưu thể dục được thúc đẩy bởi mạng xã hội. Nhiều người giờ đây có thể lên mạng để tự tập theo những phương pháp học được trên đó, ví dụ như CrossFit và tập luyện chức năng đã trở nên phổ biến hơn vì các chuyên gia thể hình chia sẻ nhiều nội dung như vậy hơn trên mạng xã hội.
Gần đây, các môn thể thao ngoài trời như chạy bộ, pickleball cũng hút một lượng lớn người tham gia. Nổi bật là pickeball đang gây sốt thời gian gần đây với nhiều lượt tương tác.
Anh Vũ Quang Anh (Hà Nội) chia sẻ gần đây cũng do mải mê với môn thể thao pickeball mà "bỏ bê" việc đến phòng tập gym. "Đến sân chơi bóng vừa rèn luyện sức khỏe tốt mà lại có tính giải trí cao, hơn là việc căng sức, gồng mình tập theo bài mà PT đã đề ra", anh Quang Anh nói. Theo đó, người người nhà nhà đổ xô đi chơi môn thể thao này, kéo theo việc các mô hình phòng tập gym mất đi một lượng lớn người tham gia.
Hơn nữa, để duy trì lượng khách ổn định, phòng tập gym phải chạy quảng cáo khoảng 40 triệu đến 50 triệu đồng/tháng kèm giảm giá đến 30-40%. Bên cạnh đó, chủ phòng tập còn phải thường xuyên bỏ ra hàng chục đến cả trăm triệu đồng để cải tạo cơ sở vật chất, bảo trì máy móc, bổ sung tiện ích như phòng tắm, xông hơi…, thuê PT "một kèm một" giá rẻ để giữ chân khách. Chưa kể, khấu hao thiết bị hàng năm rất lớn, lên đến 15-20%, tùy thiết bị.
Với những đơn vị đầu tư phòng tập gym, giá thuê mặt bằng tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân gây “sức ép” đến tình hình hoạt động của một số doanh nghiệp thể hình.
Cụ thể, ngày càng nhiều phòng gym cung cấp dịch vụ phòng tập riêng cùng PT giá rẻ, chỉ vài triệu đồng/năm trong khi giá thuê mặt bằng tại Hà Nội ngày càng cao, điều đó gây nên sự mất cân đối chi phí nhưng không thể tăng giá quá cao vì sẽ mất khách hàng khi người dân đang thắt chặt chi tiêu.
Có thể nói, mặt bằng là một trong những nguyên nhân chính khiến các chuỗi phòng tập "lao đao" như hiện nay./.
- Bản tin kinh tế - tài chính ngày 12/10: Giá điện tăng 4,8% lên hơn 2.100 đồng/kWh
- Chuỗi cửa hàng tiện lợi nước ngoài ở Việt Nam báo lỗ trăm tỷ nhưng vẫn "đốt tiền" mở cửa hàng