ISSN-2815-5823
Việt Anh
Chủ nhật, 07h31 13/10/2024

Giá điện tăng sẽ tác động thế nào đến các hộ gia đình, doanh nghiệp?

(KDPT) - Giá điện vừa được điều chỉnh tăng lên 2.103 đồng/kWh, điều này sẽ có tác động không nhỏ đến các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp tiêu thụ số lượng điện lớn.

Chính thức công bố điều chỉnh giá điện

Chiều 11/10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức họp công bố điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. 

Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân được quyết định điều chỉnh tăng thêm 4,8% (là mức điều chỉnh tăng thuộc thẩm quyền của EVN). Như vậy, giá điện tăng từ mức 2.006,79 đồng/kWh lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).

Quyết định tăng giá điện lần này được đưa ra trong bối cảnh tình hình tài chính của EVN vẫn rất khó khăn. Năm ngoái, Tập đoàn này lỗ gần 22.000 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện. Tuy nhiên, khoản lỗ này chưa gồm 18.032 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá của hợp đồng mua bán điện treo từ 2019 đến 2023.

Giá điện tăng sẽ tác động thế nào đến các hộ gia đình, doanh nghiệp? - ảnh 1

Đây là năm thứ hai liên tiếp EVN lỗ sản xuất kinh doanh điện. Trước đó, năm 2022 "ông lớn" ngành điện cũng lỗ gần 36.300 tỷ đồng từ hoạt động này.

Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN, mức tăng lần này được tính toán trên cơ sở cân đối để đảm bảo không ảnh hưởng đời sống người dân, an sinh xã hội. "Mức tăng không ảnh hưởng lớn tới nhóm khách hàng này", ông Nam nói.

Các đối tượng nào chịu nhiều tác động khi giá điện tăng?

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá điện tăng lần này tác động đến các đối tượng khách hàng khác nhau, phụ thuộc vào mức tiêu thụ và hành vi sử dụng điện của từng nhóm. 

Hiện có hơn 17,4 triệu hộ dùng điện sinh hoạt dưới 200 kWh một tháng. Mỗi hộ trong số này phải trả thêm bình quân 13.800 đồng một tháng.

Theo chị Nguyễn Phương Lan (Sóc Sơn) cho biết do cả gia đình đi học và đi làm không có ở nhà thường xuyên nên mức tăng này không ảnh hưởng lớn. "Giá điện có lẽ sẽ nhích thêm vài chục nghìn đồng", chị Lan nói.

Tuy nhiên, với một số hộ kinh doanh cần phải sử dụng lượng điện tiêu thụ cao như khách sạn, phòng trọ... thì chi phí sẽ nhích lên kha khá. Anh Quân (Đống Đa) chủ một khách sạn trên địa bàn nói với mức giá điện mới anh dự tính mỗi tháng chi phí điện sẽ tăng thêm khoảng trên 60.000 đồng/tháng. Do cơ sở anh đang thuộc mức độ sử dụng điện bậc 5 trên 400kWh.

Tập đoàn EVN cho biết, với khách hàng kinh doanh dịch vụ (547.000 khách hàng), mỗi hộ trả thêm bình quân là 247.000 đồng. 

Còn với hộ sản xuất là 1,921 triệu khách hàng, mức tăng này sẽ làm tiền điện tăng lên 499.000 đồng/tháng; khách hàng xí nghiệp là 691.000 khách hàng, tăng thêm 91.000 đồng.

Cũng theo Phó tổng giám đốc EVN, giá điện điều chỉnh lần này sẽ khiến CPI tăng thêm khoảng 0,04%.

Doanh nghiệp khó khăn chồng chất khó khăn

Việc giá điện tăng đột ngột quả là một cú sốc đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Sự lo lắng của các doanh nghiệp là hoàn toàn có cơ sở.

Khi giá điện tăng, kéo theo chi phí sản xuất tăng vì điện năng là một yếu tố đầu vào quan trọng trong hầu hết các quá trình sản xuất. Việc giá điện tăng sẽ trực tiếp đẩy chi phí sản xuất lên cao, gây áp lực lớn lên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh với các đối thủ trong và ngoài nước, đặc biệt là khi mà thị trường đang có nhiều biến động. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đã yếu thế, sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất, có thể dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng. Để đối phó với tình hình khó khăn, nhiều doanh nghiệp có thể phải cắt giảm nhân công.

Các doanh nghiệp dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại cũng sẽ bị ảnh hưởng do phải tăng chi phí vận hành.

Theo anh Quân (Đống Đa) chủ khách sạn cho biết trước tình hình giá điện tăng, các doanh nghiệp, cơ sở cần chủ động tìm kiếm các giải pháp để thích ứng. Việc hợp tác với các cơ quan quản lý, các chuyên gia năng lượng để tìm ra những giải pháp phù hợp là rất cần thiết.

Hộ nghèo và hộ gia đình chính sách được hỗ trợ

Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội về vấn đề tiền điện hiện nay được thực hiện theo Quyết định số 28 ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. 

Theo đó, các hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện hàng tháng tương đương với lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.

Các hộ chính sách xã hội sử dụng điện không quá 50 kWh/tháng, mức hỗ trợ cũng tương đương với số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.

Mức hỗ trợ hộ nghèo hộ và hộ chính sách (áp dụng theo quyết định 2941/QĐ-BCT ngày 08/11/2023 của Bộ Công Thương) là 59.500 đồng/hộ/tháng. Nếu áp dụng theo giá mới thì mỗi hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện là khoảng 62.500 đồng/tháng./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/10/2024