Để có chữ “An” cho những ngày Xuân
Mở đầu một năm bằng Tết, đối với tôi, Tết được gắn liền với ý niệm về mẹ. Tết là để sửa soạn làm mới. Sau này đi tu, tôi càng thấm thía và tâm đắc câu nói: “Năm mới, ta cũng mới” của thiền sư Thích Nhất Hạnh là bởi vậy. Tết, là lắng lại, là nghỉ ngơi, có mặt bên nhau và cùng chung niềm hy vọng vào ngày mai an lành, no ấm.
Quê tôi, vùng đất xứ Quảng cứ trước mỗi độ đông về, người làng lo chống bão lũ. Sau mấy tháng trời là tới phiên chống đỡ cái rét đem theo mưa thâm gió bấc. Chúng tôi lớn lên, thuở còn nhỏ ở quê chưa có lịch và đồng hồ, cũng không có tivi hay internet. Nhìn mẹ, anh em chúng tôi “biết Tết”. Tết đến gần độ nào rồi là do quan sát những việc mẹ làm. Xa hơn trước đó là khoảng chừng tháng Chạp, là lúc mẹ tôi bắt đầu bước chuẩn bị cho việc làm dưa món, bánh ít lá gai…
Tết và Mẹ, là cả một trời quê hương làm nên nỗi nhớ cho con dù muôn trùng cũng muốn tìm về để tắm mình trong đó…
Ngày nay, từ làng quê ra phố thị, Tết, người ta cũng nô nức xốn xang chuẩn bị từ cả tháng trước đó. Nhưng là chuẩn bị đào mai, chuẩn bị áo quần, chuẩn bị nhà cửa… còn những đồ ăn như bánh trái hay thậm chí cả dưa món trở nên đơn giản hơn. Làm mới, làm đẹp và người ta thong thả dạo chơi, xin chữ, xin tranh, xin lộc cho một năm mới. Có người bạn hỏi tôi rằng: “Năm mới, ngày nay người ta thường mong nhất là bình an. Họ xin chữ An về để treo trong nhà, thầy nghĩ gì về chữ An?” – Tôi hỏi lại, “An” là an thế nào?
An ở đời sống hay an ở trong tâm?
Mùa đông năm nay, trước những cơn lũ lụt không ngơi ấy là sự ra đi của mẹ tôi… Chúng ta không thể tìm cầu sự bình an ở nơi cuộc đời này.
Bản chất của sự sống vốn xoay quanh chu kỳ: sinh – trụ – dị – diệt. Tức là mọi người và mọi loài đều không nằm ngoài quy luật đó. Sinh ra, lớn lên, đổi thay (hoặc già đi, yếu đi) rồi chết. Cuộc đời là vô thường. Nhưng không chỉ có vô thường. Đức Phật dạy, cuộc đời còn là khổ và vô ngã.
Vô thường, khổ, vô ngã như ba vị thần cai quản sự vận hành của vạn pháp trong nhân gian. Đời sống của con người và muôn loài, thậm chí là cả đời sống của sự vật cũng không nằm ngoài quy luật đó. Bản chất là vô thường, là khổ, vậy thì làm gì có sự ổn định mãi? Làm gì có cái gọi là bình an ở nơi ngoài cuộc đời và sự sống. Chúng ta không thể tìm cầu bình an nơi người hay nơi cuộc đời. Chúng ta chỉ có thể có được bình an trong mảnh đất tâm, trong nội tại của tâm hồn mình.
Tôi mở đầu bài viết bằng những câu chuyện về năm mới, về Tết và về mẹ. Có thể bạn đọc cho đó là chút bình an giữa cuộc thế đổi thay… Phải, đó là những nét phác bình an nơi làng quê nghèo. Nhưng, vô thường ập đến, rồi bão lũ triền miên và mẹ tôi nay đã đi xa! Ngay cả bạn cũng thế. Nếu nay bạn đang ổn định, đang yên ấm, thì ngày nào đó, rồi mọi sự cũng sẽ có đổi thay. Chắc chắn là vậy. Tôi không nói ra những điều này để hù dọa bạn, hay để nhắc nhớ một sự thật khiến bạn bối rối và tiêu cực. Tôi chỉ muốn chia sẻ với bạn rằng, ổn định khác với bình an. Và bạn cũng đừng hỏi tôi làm thế nào để có được sự bình an. Đó là một câu hỏi ẩn chứa sự bất an và bản thân nó cũng dẫn đến bất an.
Vô thường, khổ, vô ngã được ví như những vị thần đảm nhiệm sự xoay vần của vạn pháp và bể khổ của cuộc đời là vẻ đẹp kỳ diệu, vẻ đẹp màu nhiệm của đời sống.
Cuộc đời có được, có mất, có hơn, có thua. Cuộc đời cũng có sóng gió, có ghét ghen, có dối trá, có ích kỷ. Đó là cách vận hành của tạo hóa. Vậy thì “An” là an gì? Là an ở trong tâm. Thuận thiên lập mệnh. Nói như thiền sư Viên Minh khi nhắc lại lời dạy của đức Phật: sống là “tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha”. Làm được điều đó, thì bình an có mặt. Tâm biết tùy duyên, ấy là tâm thường an ổn. “An” trong lòng, vững chãi mà không cần xin hay tìm cầu ở đâu nữa.
Cuộc đời vô thường, vậy cứ để nó vô thường chứ không cần khởi lên ý muốn nó sẽ có gì đó “thường”, sẽ ổn định, yên ấm, yêu thương và đủ đầy mãi. Trong cái vô thường ấy, chỉ cần mình quan sát, hiểu thấu và từ đó thấy ra được những bài học cần thiết cho mình, thì ngay đó, mình có bình an.
Đôi khi, con người ta cần cảm thấy mình cô đơn như một chiếc lá rơi vào trong thinh lặng. Nhưng, cô đơn ấy cũng như muối mặn gừng cay. Người ta cũng cần đến những ngang trái, mất mát và đổi thay trong đời, như những thanh ngâm bồ hòn… như là thuốc đắng thì giã tật!
Nỗi cô đơn thinh lặng và sẽ trở nên dịu ngọt nếu mình quan sát và thương nó như thương đứa trẻ ngày nào còn được mẹ dành cho trái bắp đầu mùa nóng hổi. Đứa trẻ ấy ở trong mình, là mình. Những được mất và trắc trở cùng sóng gió trong đời có mặt cũng là để mình học được những bài học mà trở nên rộng lòng, nên vị tha và thấu đáo trước khổ đau trong cõi nhân sinh. Những lòng tốt, những yêu thương có rồi đi qua là để mình chân cứng đá mềm, trưởng thành lên khi rời khỏi sự chở che bảo bọc. Tất thảy mọi nhân duyên đến và đi trong đời giúp mình hiểu và biết học lẽ khiêm cung và lòng biết ơn với cuộc đời.
Tạo hóa sinh ra con người với thân nhiệt cao và trái tim ấm. Càng nhiều tuổi, thân nhiệt càng thấp hơn. Nhưng đó chính là bởi, người ta cần sống bằng lòng nhiệt thành, bằng trải nghiệm, bằng những vững vàng mà giữ lấy ngọn lửa yêu thương trong tâm hồn. Một tâm hồn vô ngã, vị tha, biết thuận pháp mà tùy duyên hành xử. Viết đến đây, tôi lại nhớ tới lời của một người mẹ dặn con: “Trong miệng có đức, trong mắt có người, trong tâm có lòng yêu thương và trong hành xử có lương thiện”.
Cuộc đời vốn là vô thường, khổ và vô ngã và điều đó là duy nhất không đổi thay. Bởi vậy, không có chữ “An” nào đi xin mà có được. Chỉ có tâm hồn mình, có biết sống tùy duyên mà vị tha, vô ngã hay không thôi.
Chỉ có điều, bạn nhớ nhé, chữ “An” là một chữ mà mỗi người có thể tự viết tặng cho những tháng ngày của mình về sau, mà không cần bất kỳ một giấy mực, một thầy đồ nào cả.
ĐẠI ĐỨC THÍCH TÂM HIỆP