ISSN-2815-5823

“Đìu hiu” mặt bằng nhà phố

(KDPT) - Hạ giá xuống "đáy" nhưng nhiều mặt bằng nhà phố vẫn giao dịch rất “đìu hiu”.

Khách thuê “tháo chạy” khỏi mặt bằng đất vàng

Nhiều tuyến phố sầm uất của Hà Nội trước nay vốn tấp nập người mua bán như Hàng Ngang, Cửa Nam, Ngô Thì Nhậm, Kim Mã, Cầu Giấy… giờ đây đang chịu cảnh đóng cửa hàng loạt, treo biển sang nhượng, cho thuê.

Loạt mặt bằng nhà phố luôn trong tình trạng cửa đóng then cài, treo kín biển hiệu, số điện thoại cho thuê. (Ảnh: VOV)

Là chủ nhà cho thuê trên phố Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội), anh Mạnh cho biết, mặt bằng nhà anh trước đây cho một thương hiệu thời trang quốc tế thuê. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn, nhãn hàng ế ẩm nên hết hợp đồng họ đã chuyển đi nơi khác. Gia đình anh đã đăng tin nhiều tháng nay để cho thuê cửa hàng nhưng vẫn chưa tìm được khách do giá cho thuê khá cao. Dù đã hai lần giảm giá cho thuê, điều chỉnh các điều khoản hợp đồng như giảm tiền điện nước, dịch vụ nhưng với căn nhà 3 tầng diện tích gần 100m2/sàn, giá thuê cả trăm triệu một tháng khiến các chủ kinh doanh chùn tay trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Về phía người đi thuê, chị Huệ, chủ một cửa hàng thời trang có thâm niên 3 năm trên phố Kim Mã cũng vừa phải ngậm ngùi treo biển thanh lý quần áo để trả mặt bằng, vì đã “gồng lỗ” suốt mấy tháng nay.

.Nhiều mặt bằng bỏ trống khiến cảnh tượng trở nên đìu hiu. (Ảnh: Lao động)

Chị Huệ cho biết, khách hàng giờ rất ít người đi mua trực tiếp ở cửa hàng, hầu hết khách mua online nên hàng thời trang chị bán cũng không có khách. Để phục vụ khách mua online, chị Huệ cho biết sẽ tìm một căn nhà trong ngõ để làm kho, bán hàng ship để tiết kiệm tối đa chi phí. “Tìm nhà trong ngõ rộng thuê khoảng 10 triệu 1 tháng, dễ “thở” hơn rất nhiều so với khoản tiền hơn 30 triệu đồng nếu thuê ngoài mặt phố”, chị Huệ thông tin.

Cũng đồng cảnh ngộ phải tìm cách chuyển nhượng mặt bằng hoặc chuyển loại hình kinh doanh, anh Tuấn Anh, chủ một tiệm thời trang trẻ em trên phố Cầu Giấy cũng đang loay hoay vì bán hàng ế ẩm mấy tháng nay. Hợp đồng thuê nhà vẫn còn 1 năm, nếu giờ anh trả mặt bằng anh sẽ bị phạt 3 tháng tiền nhà, anh Tuấn Anh rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, trả nhà không được mà bán tiếp mặt hàng đang ế ẩm cũng không xong. Anh Tuấn Anh cho biết, có thể anh sẽ phải thanh lý hết các mặt hàng và chuyển cửa hàng hiện tại thành spa hoặc mô hình kinh doanh khác để phục vụ khách nước ngoài, cầm cự qua giai đoạn khó khăn này. “Nếu không tìm được mô hình kinh doanh thay thế, tôi cũng phải tìm người để sang nhượng mặt bằng chứ thực sự đã quá sức”, anh Tuấn Anh cho biết.

Liên hệ với một chủ nhà đang treo biển cho thuê tại phố Giảng Võ, ông chủ này thông tin, mức thuê mặt bằng tại tuyến phố này có giá từ 20-100 triệu đồng/tháng tùy diện tích. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người tiêu dùng đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu, ít mua sắm trực tiếp mà chuyển sang mua hàng online nên khiến hàng loạt nhà phố mất đi sức hấp dẫn với khách thuê.

Khi nào mới khởi sắc?

Việc mặt bằng nhà phố ế ẩm xuất phát một phần từ hiệu quả kinh doanh giảm do hành vi người dùng thay đổi và cạnh tranh từ trung tâm thương mại. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Theo các chuyên gia, việc mặt bằng nhà phố ế ẩm xuất phát một phần từ hiệu quả kinh doanh giảm do hành vi người dùng thay đổi và cạnh tranh từ trung tâm thương mại. Thêm vào đó, những năm gần đây, thói quen mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến hơn. Hiện, mua sắm trực tuyến đang chiếm 62% trong tổng số hành vi mua sắm trong năm 2023. Trong khi đó, giá mặt bằng nhà phố cho thuê vẫn ở mức cao, nhất là tại các khu vực trung tâm.

Theo dự báo, các nhà cung cấp mặt bằng sẽ còn phải đối mặt với áp lực lớn hơn nữa trong thời gian tới khi nguồn cung tiếp tục được đẩy lên. Knight Frank Việt Nam phân tích và cho thấy, tại TP.HCM, tổng nguồn cung mặt bằng trong năm 2023 đã tăng khoảng 23%. Trong khi đó, Cushman & Wakefield dự báo thị trường bán lẻ tại Hà Nội sẽ chào đón khoảng 450.778 m2 nguồn cung đến từ các dự án như Lancaster Luminaire, Lotte Mall Hanoi, AEON Mall Giáp Bát, BRG Park Residence, Shilla Hotel và Landmark 55.

Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam

Lý giải về vấn đề nhiều mặt bằng nhà phố ế ẩm, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam phân tích có 3 lý do. Thứ nhất nằm ở vấn đề thay đổi mô hình kinh doanh của các đơn vị thuê mặt bằng. Nếu như trước đây, các mặt bằng ở vị trí đẹp, mặt phố được dùng để quảng bá thương hiệu vừa bán hàng thì nay, trước bối cảnh thị trường khó khăn, bản thân các đơn vị thuê cũng phải đa dạng hóa phương thức bán hàng, làm quen thêm với các nền tảng điện tử như Shopee, Lazada, Tiktok hay Facebook.

Lý do thứ hai theo ông Tuấn, đó là sự sụt giảm lượng khách đến từ thị trường trung tâm. Và lý do thứ ba là xu hướng mở rộng của các nhãn hàng ở thị trường tỉnh và các chuỗi cung ứng.

Ông Tuấn cho biết, các nhãn hàng thu hẹp ở các thị trường chính để chuyển đổi sang trung tâm thương mại, hoặc một số địa phương sẽ mở rộng ra vùng ven.

Chuyên gia này nhận định, trong 6 tháng đầu năm 2024, người cho thuê nhà cần phải điều chỉnh giá cho thuê theo chơ chế phù hợp hơn với nhóm khách đi thuê.

Ông Tuấn kỳ vọng, khi nền kinh tế dần hồi phục, các nhãn hàng quốc tế quay trở lại Việt Nam thì mặt bằng nhà phố sẽ có chuyển động. Bên cạnh đó, để giá thuê bớt “chát”, khiến khách “ngán ngẩm” thì bản thân chủ cho thuê và người đi thuê nên ngồi lại thương lượng, đưa ra phương án, biện pháp phù hợp trong bối cảnh tình hình mới.

Cũng đưa ra đánh giá về thị trường bán lẻ trong năm 2024, bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc cấp cao, Bộ phận Cho thuê thương mại (Savills Hà Nội) cho biết, Việt Nam đang được đánh giá là thị trường trọng điểm trong khu vực Đông Nam Á nên thị trường bán lẻ năm 2024-2025 sẽ sôi động hơn. Tuy nhiên, cùng với phân khúc khối đế bán lẻ chung cư, mặt bằng nhà phố sẽ vẫn gặp khó khăn trong việc cho thuê và giá thuê sẽ khó có thể tăng.

Bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc cấp cao, Bộ phận Cho thuê thương mại Savills Hà Nội. (Ảnh: Savills)

Trước áp lực trả mặt bằng, bà Hoàng Nguyệt Minh cho rằng, chủ các đơn vị bất động sản, nhất là nhà phố cần thay đổi để thích nghi. Theo bà Minh, các chủ nhà cần tận dụng thời gian này để hoàn thiện hạ tầng, đảm bảo về phòng cháy chữa cháy… Sau đó là đưa ra giá thuê đúng giá trị thực, thay vì đua nhau tăng giá gây khó cho khách thuê./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 30/10/2024