ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ sáu, 07h17 25/10/2024

Cẩn thận "tiền mất, tật mang" khi bị cuốn vào những chiêu trò trên sàn thương mại điện tử Temu

(KDPT) - Sàn thương mại điện tử Temu đang "gây bão" trong những ngày gần đây khi liên tục tung nhiều chiêu thức hấp dẫn để câu khách và đẩy mạnh tiếp thị.

Sàn thương mại điện tử Temu: Giá rẻ đến mức khó tin

Temu là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, được thành lập bởi PDD Holdings (Trung Quốc) - nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay. Temu mở tính năng bán hàng tại Việt Nam và chạy quảng cáo rầm rộ đến người dùng thời gian gần đây.

Điểm nổi bật của Temu so với các sàn thương mại điện tử khác là giá sản phẩm rất rẻ so với các sàn khác và chỉ bằng một nửa so với các mặt hàng trong nước.

Lấy ví dụ như Meet More là một doanh nghiệp sản xuất cà phê có 30-40% doanh thu từ kênh thương mại điện tử. Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng giám đốc Công ty Meet More cho biết, một hộp cà phê của Meet More giá 85.000 đồng, thêm phí vận chuyển, lên tới 105.000 đồng. Nhưng hàng Trung Quốc tương tự rẻ hơn, lại được miễn phí giao hàng. "Để cạnh tranh, chúng tôi buộc phải giảm giá, nhưng càng hạ càng không có lợi nhuận", ông nói.

Điều đáng chú ý là nhiều mặt hàng rao bán trên Temu có giá rất rẻ, có sản phẩm được giảm giá 2-3 lần so với gia thành, hoặc được khuyến mại tới 90%. Ví dụ sản phẩm ủng đi mưa bằng cao su chống nước có giá bán giảm chỉ còn 24.530 đồng so với giá gốc là 109.340 đồng.

Cẩn thận

Theo lý giải của các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, sở dĩ hàng trên sàn Temu giá thấp là do Temu đã áp dụng một loại hình kinh doanh không giống với truyền thống, cũng rất khác với các sàn thương mại điện tử khác là mô hình M2C.

Hiểu một cách đơn giản, đây là mô hình kinh doanh loại bỏ khâu trung gian như nhà nhập khẩu và nhà phân phối, bán lẻ, quảng cáo. Hàng hóa đi thẳng từ các nhà sản xuất Trung Quốc đến tay người tiêu dùng nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí từ các khâu trung gian. Những khâu này có khi chiếm đến 80% giá thành một sản phẩm.

Bên cạnh đó, dù mới ra mắt nhưng Temu rất hào phóng "tri ân" cho người tham gia giới thiệu sàn đến người khác. Với mỗi người giới thiệu thành công và mua hàng, số tiền có thể nhận được lên tới 150.000 đồng/người kèm hoa hồng từ đơn hàng. Bằng việc phát triển ngày càng nhanh và mạnh, Temu chẳng mấy chốc đã nổi đình đám tại Việt Nam sau chưa đầy 1 tháng xuất hiện.

Người tiêu dùng cần cẩn trọng với những "chiêu trò"

Temu nhanh chóng thu hút người tiêu dùng Việt nhờ cung cấp các sản phẩm có giá rẻ ở nhiều danh mục, từ đồ điện tử đến đồ gia dụng, thời trang… 

Trên các diễn đàn, nhiều tài khoản có chung những thắc mắc như: "Tại sao Temu lại rẻ như vậy?", “Chất lượng hàng hóa ra sao?”, “Liệu đó có phải là nền tảng hợp pháp hay không?”, “Đây có phải là trang lừa đảo hay không?". Thậm chí 1 tài khoản tên Đ.H.M còn cảnh báo: "Cẩn thận không tiền mất, tật mang..."

Trên thực tế, việc mua hàng giá rẻ trên Temu cũng tiềm ẩn một số rủi ro. Hiện tại, Temu chưa cho phép người dùng Việt Nam sử dụng hình thức thanh toán khi nhận hàng, nghĩa là người dùng phải thanh toán ngay khi đặt hàng, sau đó mới nhận sản phẩm. Temu chỉ hỗ trợ thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc Apple/Google Pay, chưa hỗ trợ các loại ví điện tử phổ biến khác.

Chính vì không cho phép thanh toán khi nhận hàng, người dùng sẽ đối mặt với rủi ro mua hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng không đúng mô tả dù đã thanh toán từ trước. Do lượng người bán và sản phẩm trên Temu rất lớn nên sàn thương mại điện tử này không kiểm soát được chất lượng của các sản phẩm bán ra.

Bên cạnh đó cũng không loại trừ khả năng hàng giả hàng nhái "thâm nhập" vào Temu với nhiều mức giá khác nhau. Do vậy, người dùng có thể mua nhầm hàng giả, kém chất lượng mà không hay biết.

Temu đang đưa ra những ưu đãi hấp dẫn cho người dùng (Ảnh chụp màn hình)
Temu đang đưa ra những ưu đãi hấp dẫn cho người dùng (Ảnh chụp màn hình)

Khách hàng cũng nên lưu ý rằng mặc dù Temu có chính sách đổi trả sản phẩm và hoàn tiền, nhưng do đây là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, với đa số người bán đều từ Trung Quốc, nên quá trình đổi trả sản phẩm và hoàn tiền diễn ra không dễ dàng, mất nhiều thời gian.

Nhiều người dùng sau khi nhận ra mình mua hàng không đúng như mô tả, hàng giả, kém chất lượng, nhưng vì giá trị món hàng không quá lớn, lại ngại quá trình đổi trả hàng phức tạp nên đành chấp nhận mất tiền, thay vì tìm cách hoàn trả món hàng.

Bộ Công thương nói gì về những vấn đề xung quanh sàn thương mại Temu?

Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 23/10, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân - người phát ngôn Bộ Công Thương cho biết, theo Nghị định 85 của Chính phủ về thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử muốn hoạt động ở Việt Nam bắt buộc phải đăng ký.

Trước thông tin một số quốc gia đang lo ngại về sàn thương mại điện tử Temu với giá bán sản phẩm rất rẻ, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, lãnh đạo Bộ Công Thương và cá nhân ông đã giao cho Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá các tác động.

Bộ Công Thương đang triển khai Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025, giao cho Tổng cục Quản lý thị trường kiểm soát về vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng bày tỏ "thấy giật mình" vì giá sản phẩm trên Temu quá rẻ; song mức giá này liệu có ảnh hưởng đến thị trường trong nước không thì phải điều tra, nghiên cứu.

Khi được hỏi liệu trang thương mại điện tử Temu bán hàng giá rẻ có ảnh hưởng đến hàng Việt, đại diện Cục này cũng cho biết, hiện chưa có đánh giá cụ thể vì Temu mới xuất hiện tại Việt Nam.

"Việc giá hàng hóa, sản phẩm quá rẻ có ảnh hưởng đến hàng hóa sản xuất trong nước hay không cũng là vấn đề chúng tôi quan tâm. Chúng tôi sẽ theo dõi, giám sát để có thông tin tổng hợp về vấn đề này", đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho hay.

Theo số liệu của cơ quan này, thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình 25% một năm. Hơn 61 triệu người Việt mua sắm online và giá trị mua bình quân mỗi người khoảng 336 USD. Dữ liệu này cho thấy Việt Nam đang trở thành quốc gia tiềm năng với các nhà đầu tư, đặc biệt thương mại điện tử xuyên biên giới.

Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam sẽ phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Điều này nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an toàn thông tin và các quy định pháp lý liên quan.

Một số người cũng bày tỏ lo lắng về sự ảnh hưởng của sàn Temu đến sản xuất nội địa của Việt Nam, cũng như khả năng bán phá giá các mặt hàng tại thị trường trong nước./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 25/10/2024