ISSN-2815-5823

Doanh nghiệp bất động sản và bài toán trong hành trình chuyển đổi xanh

(KDPT) - Với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, xu thế chuyển đổi xanh hiện không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn, là bài toán cần có lời giải.

Chuyển đổi xanh: Doanh nghiệp bắt đầu "xanh hóa"

Theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế đã tạo tiền đề cho việc phát triển khu công nghiệp (KCN) sinh thái. Bên cạnh đó, cam kết của Chính phủ về cân bằng carbon vào năm 2050 là yếu tố thúc đẩy xu hướng xanh hóa trong sản xuất.

Tại Việt Nam, việc phát triển khu công nghiệp xanh mới chỉ ở giai đoạn đầu. Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý môi trường và phát thải, yếu tố quyết định thành công cho công cuộc xanh hóa phụ thuộc vào sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay, xuất phát từ yêu cầu của khách hàng và yêu cầu của thị trường mục tiêu, một số doanh nghiệp sản xuất bắt đầu đầu tư để "xanh hóa". Tuy vậy, đa phần các doanh nghiệp đều bối rối vì không biết phải thực hiện theo tiêu chuẩn nào, thực hiện ra sao, hiệu quả chuyển đổi xanh như thế nào. Do vậy, rất cần có thêm những chuẩn mực, hướng dẫn, khung tài chính phù hợp để sự chuyển đổi xanh được diễn ra rộng rãi và hiệu quả hơn.

Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền tại Hải Phòng. (Ảnh: Nam Cầu Kiền).
Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền tại Hải Phòng. (Ảnh: Nam Cầu Kiền).

Dữ liệu từ khảo sát của Công ty Tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL) cho thấy, 87% khách thuê bất động sản được khảo sát trên khắp Châu Á - Thái Bình Dương đang nhắm mục tiêu danh mục đầu tư được chứng nhận xanh 100% vào năm 2030, tăng từ 4% danh mục đầu tư được chứng nhận hiện nay. Tâm lý này đặc biệt rõ ràng ở các quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan, với hơn 95% khách thuê bất động sản nhắm mục tiêu 100% danh mục đầu tư được chứng nhận xanh.

Theo JLL, ngày càng nhiều công ty áp dụng các chiến lược bền vững như kiểm toán năng lượng, trang bị nội thất bền vững và hợp đồng thuê xanh để có được nơi làm việc bền vững. Hay với mảng năng lượng, 74% khách thuê dự kiến một nửa nhu cầu năng lượng sẽ được đáp ứng bởi năng lượng tái tạo, so với 9% từ các nguồn tái tạo hiện nay. Sự hợp tác giữa chủ nhà và khách thuê sẽ rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu xây dựng bền vững. Hiện tại, nhiều khách thuê bất động sản dựa vào Chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) và Hợp đồng mua bán điện (PPA) để mua sắm năng lượng tái tạo.

Tại Việt Nam, năng lượng tái tạo đang ngày càng được chú ý và triển khai rộng rãi hơn ở các khu công nghiệp, điển hình là điện mặt trời áp mái, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn điện truyền thống, cũng như đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về phát triển xanh. Đến thời điểm hiện tại, chuyển đổi xanh đã trở thành một đòi hỏi tự thân của doanh nghiệp, trở thành xu hướng tất yếu, thay vì là một lựa chọn như trước đây.

Những vướng mắc đối với doanh nghiệp muốn chuyển đổi xanh

Đến nay, nhiều vấn đề pháp lý về việc hình thành, phát triển KCN sinh thái, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái chưa được hướng dẫn cụ thể.

Việc đầu tư phát triển khu công nghiệp hiện nay đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian phát triển khá dài. Hơn nữa, khác với các loại hình bất động sản khác, tại giai đoạn phát triển dự án, rất khó xác định trước khách thuê là ai. Do đó, các nhà phát triển khu công nghiệp cần cơ chế thuận lợi để rút ngắn thời gian của giai đoạn chuẩn bị và phát triển dự án, cũng như khung tài chính có tính hỗ trợ cho việc hình thành khu công nghiệp xanh.

Hiện, chính phủ đã có những bước đi đúng đắn, kịp thời nhằm đẩy mạnh phát triển toàn ngành công nghiệp, nâng cao vị thế của Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn được nhiều nhà sản xuất lớn trên thế giới lựa chọn giữa lúc tình hình kinh tế - chính trị thế giới gặp nhiều biến động. Cụ thể, ngày 28/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2022 NĐ-CP, đề ra “phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế; đầu tư hạ tầng, thành lập, hoạt động, chính sách phát triển và quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế”.

Dù vậy, còn nhiều khía cạnh cần hoàn thiện, bổ sung để việc phát triển khu công nghiệp sinh thái được nhân rộng tại Việt Nam, chẳng hạn cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ khung pháp lý, các văn bản hướng dẫn, đo lường và đánh giá hiệu quả. Bên cạnh đó, các đơn vị phát triển bất động sản công nghiệp cũng cần thay đổi tư duy, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm và phân bổ nguồn lực, đầu tư nghiêm túc cho khía cạnh bền vững trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp còn gặp khó khăn về pháp lý do sự thiếu đồng bộ giữa các văn bản pháp luật, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến môi trường. Các doanh nghiệp mong muốn có những văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng dành riêng cho khu công nghiệp sinh thái để làm căn cứ thực hiện, vận hành. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu cơ chế hỗ trợ riêng về tiền thuê đất, vốn tín dụng… để hỗ trợ các doanh nghiệp tự tin phát triển các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái.

Về tài chính, đối với các nhà đầu tư hạ tầng KCN, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng của 1 KCN sinh thái cao hơn ít nhất 20% so với các khu công nghiệp truyền thống. Nếu không có cơ chế riêng hoặc ưu đãi tốt hơn, doanh nghiệp sẽ vẫn phải đầu tư vào KCN truyền thống, thay vì đầu tư vào KCN sinh thái, hoặc trở thành “doanh nghiệp sinh thái”.

Mặt khác, gần 2 năm vừa qua, chúng ta chưa có danh mục phân loại xanh để căn cứ vào đó, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp dựa vào đó để quyết định mình đầu tư, để tăng khả năng tiếp cập nguồn tín dụng xanh trong nước và quốc tế. Việc “xanh hoá” này, còn một rào cản nữa đó chính là quy trình thẩm định KCN sinh thái trước khi được cơ quan có thẩm quyền công nhận phải trải qua 6 Bộ ngành. Điều này rất mất thời gian, làm lỡ đi cơ hội của doanh nghiệp.

Một số ý kiến, giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp

Theo ông Hoàng Tuấn Anh - Tổng Giám đốc công ty CP Shinec, để giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững kinh tế tuần hoàn, cần phải quan tâm xây dựng khung khổ pháp lý riêng áp dụng cho các trường hợp thành lập mới, hoặc áp dụng cho trường hợp chuyển đổi KCN cũ, truyền thống thành KCN sinh thái. Trong đó, cần có các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan, các ưu đãi cho KCN sinh thái.

Ông Hoàng Tuấn Anh - Tổng Giám đốc công ty CP Shinec chia sẻ về giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi xanh.
Ông Hoàng Tuấn Anh - Tổng Giám đốc công ty CP Shinec chia sẻ về giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi xanh.

Cũng cần sớm có luật về KCN, trong đó những quy định về KCN sinh thái cần được quy định rõ ràng thì mới thúc đẩy được doanh nghiệp đầu tư xây dựng KCN sinh thái mới, đồng thời thúc đẩy các địa phương chuyển đổi các KCN truyền thống thành KCN sinh thái.

Về phía các doanh nghiệp và các nhà đầu tư, phải quan tâm nhiều hơn đến KCN sinh thái. KCN sinh thái là xu hướng tất yếu. Nhà nước có luật, có chính sách, có ưu đãi và doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm thực hiện và thúc đẩy.

Chính bản thân Shinec trong quá trình xây dựng KCN sinh thái Nam Cầu Kiền cũng đang gặp phải một số khó khăn như vậy. Tuy nhiên, với vai trò là một doanh nghiệp Việt, Shinec luôn tâm niệm bảo vệ môi trường tự nhiên và đồng hành cùng Chính phủ trên hành trình ứng phó biến đổi khí hậu là một trong những mục tiêu phát triển hàng đầu của chúng tôi. Shinec tự hào là chủ đầu tư của Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền - Khu công nghiệp được xây dựng theo mô hình sinh thái, ứng dụng Kinh tế tuần hoàn đầu tiên tại Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu và tiêu chí của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 và Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Shinec đã đạt thêm 1 bước tiến xa hơn trong việc xây dựng KCN sinh thái khi đã tích hợp ESG vào đính hướng phát triển của KCN sinh thái Nam Cầu Kiền. KCN Nam Cầu Kiền được chuyển đổi từ KCN tổng hợp sang KCN sinh thái từ rất sớm. Và để KCN Nam Cầu Kiền được phát triển bền vững là KCN sinh thái, chúng tôi đã mời PwC là 1 trong 4 đơn vị kiểm toán lớn nhất thế giới lập Báo cáo ESG.

"Sau báo cáo ESG này, Shinec đã thuê đơn vị tư vấn để thực hiện kiểm kê khí nhà kính, chuẩn bị cho việc tham gia vào thị trường tín chỉ Carbon", ông Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/07/2024