Doanh nghiệp bứt phá trong kinh doanh nhờ xu hướng "chuyển đổi kép"
Xu hướng "chuyển đổi kép"
Biến đổi khí hậu và suy giảm nguồn tài nguyên môi trường đã gây ra nhiều trở ngại cho các doanh nghiệp tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Song, điều này đã tạo ra động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mang tính bền vững.
Cùng với xu thế phát triển đó, việc kết hợp Chuyển đổi Số với Chuyển đổi Xanh hay còn gọi là chuyển đổi kép trở thành yêu cầu cấp bách đối với doanh nghiệp nhằm đảm bảo mục tiêu kinh doanh cũng như trách nhiệm xã hội.
Tại hội nghị "Công bố báo cáo thường niên Chuyển đổi Số doanh nghiệp 2023: Thúc đẩy Chuyển đổi Số, Chuyển đổi Xanh" diễn ra sáng 9/4, ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, nắm bắt được xu hướng tất yếu trên, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh “Chuyển đổi Xanh cùng với Chuyển đổi Số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh.” Trên cơ sở đó, Cục Phát triển doanh nghiệp đã cùng các chuyên gia khảo sát, phân tích và xây dựng báo cáo nhằm cung cấp thông tin và xu hướng để hỗ trợ doanh nghiệp Chuyển đổi Số đúng hướng và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Cục Phát triển doanh nghiệp đã huy động nguồn lực tài trợ từ Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua dự án USAID LinkSME; từ Chính phủ Đức thông qua dự án Trung tâm chuyển đổi số Việt Nam (DTC-VN) - GIZ và đã phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức hiệp hội, ngành nghề triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, tập trung vào nâng cao nhận thức, xây dựng cơ sở dữ liệu, các công cụ, tài liệu, nền tảng để chuyển đổi nhận thức cho doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Trong 2 năm triển khai, Chương trình đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các đối tác và sự hợp tác của các bộ, ngành, các tổ chức hiệp hội, ngành nghề triển khai nhiều hoạt động cụ thể hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi số, qua đó đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Cụ thể, đã xây dựng được Công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, các tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp ở các lĩnh vực như: sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm, logistics…; triển khai đào tạo trực tiếp về chuyển đổi số tại 40 tỉnh, thành phố trên toàn quốc cho hơn 10.000 doanh nghiệp; xây dựng và đào tạo mạng lưới hơn 100 chuyên gia tư vấn chuyển đổi số và kết nối, cử đi hỗ trợ doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số một cách bài bản.
"Toàn bộ các công cụ, các tài liệu, video đào tạo và công bố các gói hỗ trợ chuyển đổi số đã được số hóa và đăng tải 24/7 trên Cổng thông tin https://digital.business.gov.vn và phổ biến một cách rộng rãi. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng truy cập, tiếp cận các tài liệu, kiến thức, kết nối mạng lưới chuyên gia, giải pháp công nghệ số và thông tin hỗ trợ của Chính phủ về chuyển đổi số trong doanh nghiệp”, ông Trung chia sẻ.
Ấn phẩm năm nay hướng mục tiêu cung cấp các khái niệm và xu hướng của Chuyển đổi Kép diễn ra trên toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ về những tác động mà nó có thể đem tới Việt Nam. Ngoài ra, báo cáo 2023 tiếp tục công bố các số liệu thường niên về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp và những nỗ lực của Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế để thúc đẩy Chuyển đổi Số, Chuyển đổi Xanh trong năm qua.
Theo ông Trung, ấn phẩm này sẽ cung cấp “bức tranh” tổng thể và cập nhật về tình hình Chuyển đổi Số trên thế giới và tại Việt Nam, giúp doanh nghiệp có thêm nhiều góc nhìn đa chiều về xu hướng chuyển đổi kép. Đây là một xu hướng đang được các doanh nghiệp trên thế giới thực hiện trong quá trình Chuyển đổi Số.
Giải pháp hướng đến quá trình chuyển đổi xanh
Chia sẻ về định hướng và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số trong thời gian tới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, đại diện Cục Phát triển Doanh nghiệp cho biết, trong giai đoạn 2024-2025, Chương trình chuyển đối số của Bộ do Cục Phát triển doanh nghiệp trực tiếp triển khai sẽ tập trung đào tạo chuyên sâu nâng cao năng lực chuyển đổi số cho doanh nghiệp thông qua đào tạo lãnh đạo, trưởng các bộ phận quản lý doanh nghiệp, đào tạo người lao động và kỹ sư công nghệ số, đội ngũ chuyên gia tư vấn.
Cùng với đó, thực hiện tư vấn lộ trình triển khai cho doanh nghiệp, theo đó triển khai hỗ trợ tư vấn chuyển đổi số theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), mở rộng tư vấn xây dựng, triển khai lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp với mạng lưới chuyên gia tư vấn chuyển đổi số. Tăng cường hỗ trợ giải pháp chuyển đổi số, trong đó, tập trung triển khai hỗ trợ giải pháp chuyển đối số theo Luật Hỗ trợ DNNVV, hỗ trợ phổ biến, ứng dụng giải pháp mã nguồn mở mini ERP cho doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp với các giải pháp chuyển đổi số. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số tiếp cận thị trường, hoàn thiện các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn an ninh mạng, bảo mật dữ liệu.
Đặc biệt, việc chuyển đổi số sẽ hướng tới lồng ghép với mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Căn cứ vào Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đã yêu cầu có các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng xanh dựa trên chuyển đổi số, theo đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư lồng ghép, triển khai trong Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng xanh định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững.
Bà Lê Thị Quyên cũng cho biết, xu hướng chuyển đổi kép trên thế giới đang trở nên ngày càng quan trọng với các sáng kiến xoay quanh 3 trụ cột chính: Tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; Tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; Giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính.
Tại Việt Nam công nghệ số và chuyển đổi số cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự thành công của việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh.
Nói về xu hướng chuyển đổi kép, Giám đốc các dự án Phát triển Kinh tế Bền vững, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam Dennis Quennet cho biết, đây là một xu hướng quốc tế tất yếu nhằm kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số hướng tới phát triển bền vững.
“Thông qua nỗ lực hợp tác có sự tham gia của các bên liên quan từ cả khu vực công và tư nhân, tôi chắc chắn rằng mục tiêu quan trọng này sẽ từng bước được hiện thực hóa ở Việt Nam. Thay mặt Chính phủ Đức, GIZ đã và đang hỗ trợ tích cực và mạnh mẽ cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. GIZ mong muốn được tiếp tục đồng hành với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và khu vực tư nhân trong hành trình đầy thách thức nhưng cũng hứa hẹn rất nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế của đất nước”. Ông Dennis Quennet chia sẻ.
Chuyển đổi số đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên khắp thế giới và trở thành một xu hướng không thể tránh khỏi. Để trở thành một doanh nghiệp số, và để tận dụng được những cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp Việt cần trao dồi thêm kiến thức công nghệ, đổi mới trong tư duy, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý doanh nghiệp và người lao động. Kỳ vọng trong chặng đường sắp tới, các cơ quan, tổ chức, tập đoàn công nghệ lớn sẽ cùng đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp để quá trình chuyển đổi số được trơn tru, có hiệu quả tốt, mang đến nhiều giá trị cho nền kinh tế./.
- Doanh nghiệp nỗ lực chuyển đổi xanh: Xây lợi thế, vững tương lai
- Chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp: Thời cơ, thách thức và những việc cần làm