Doanh nghiệp nỗ lực chuyển đổi xanh: Xây lợi thế, vững tương lai
Chuyển đổi xanh là yêu cầu cần thiết
Hiện nay, chuyển đổi xanh là cơ hội giúp doanh nghiệp sản xuất phát triển bền vững và hiệu quả hơn. Qua đây, các doanh nghiệp có tiếp cơ hội cận các nguồn vốn ưu đãi, tín dụng xanh.
Các doanh nghiệp có cơ hội chuyển đổi công nghệ, tạo ra sản phẩm ưu việt với giá thành hợp lý, có sức cạnh tranh sẽ tốt hơn không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà cả với doanh nghiệp nước ngoài. Chuyển đổi xanh trong ngành công nghiệp là một xu hướng quan trọng trong việc phát triển bền vững. Chuyển đổi này đòi hỏi sự chuyển đổi từ các phương pháp sản xuất truyền thống sử dụng năng lượng, tài nguyên không hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường sang các quy trình sản xuất sạch sẽ, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Vấn đề này đang trở thành xu hướng mang tính sống còn của mỗi nền kinh tế.
Phát biểu tại tọa đàm “Xây lợi thế - Vững tương lai cùng Sáng kiến ESG Việt Nam 2024” do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức vào ngày 21/3 , bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ - Phó Trưởng phòng phụ trách phòng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng, biến đổi khí hậu tác động tới đời sống xã hội, kinh tế của mọi quốc gia trên thế giới và Việt Nam không ngoại lệ.
Trước tác động này cũng như trước yêu cầu của các đối tác, các thị trường về sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng như cam kết của Chính phủ Việt Nam về phát triển bền vững… đặt ra những thách thức to lớn với cộng đồng doanh nghiệp.
Trong khi đó, Giám đốc Dự án USAID Mark Birnbaum cho biết, chuyển đổi xanh không còn là yêu cầu của tương lai mà là quá trình thực sự đang diễn ra. Gắn với hành trình chuyển đổi xanh, cộng đồng doanh nghiệp cũng đối mặt với thách thức ngày càng lớn, định nghĩa về một doanh nghiệp thành công đang có nhiều thay đổi đáng kể theo hướng toàn diện hơn.
“Thước đo truyền thống khi đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thông qua lợi nhuận tài chính giờ đây là không đủ. Thay vào đó là hướng tiếp cận toàn diện hơn đang được áp dụng rộng rãi dựa theo các yếu tố môi trường, quản trị, xã hội bên cạnh các chỉ số thông thường", ông Mark Birnbaum nói.
Theo đó, ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) là những trụ cột đo lường các yếu tố liên quan tới định hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp. Thực hành ESG cũng như các mô hình kinh doanh bền vững hiện nay là xu thế.
Theo một nghiên cứu gần đây, những doanh nghiệp có xếp hạng ESG cao hơn đạt được hiệu quả tài chính tốt hơn, thể hiện ở tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu cao hơn 35% và định giá doanh nghiệp cao hơn 20% so với các doanh nghiệp có xếp hạng ESG thấp. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt các nguyên tắc, ưu tiên áp dụng thực hành ESG để duy trì sự phát triển bền vững trong tương lai.
Ngày càng nhiều thị trường trên thế giới nhất là những thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ đều đang áp dụng các quy chuẩn sản xuất bền vững, sản xuất xanh với hàng hoá. Điều này đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp nếu muốn gia nhập các thị trường lớn, tham gia, dẫn dắt chuỗi cung ứng thì phải phát triển xanh, phát triển bền vững.
Đẩy mạnh thực hành ESG trong doanh nghiệp
Thực tiễn cho thấy, những doanh nghiệp ưu tiên phát triển bền vững về môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội và tích cực áp dụng các biện pháp quản trị doanh nghiệp có nhiều cơ hội đạt được thành công bền vững hơn.
Việc thực hành ESG trong doanh nghiệp là hướng đích cho doanh nghiệp tới thực hành phát triển bền vững để gia tăng giá trị cho hoạt động sản xuất, kinh doanh theo các cam kết về các yếu tố E- Môi trường, S- Xã hội, và G- Quản trị doanh nghiệp. Đây cũng là kênh thông tin giúp doanh nghiệp nhận diện được rủi ro và cơ hội có thể bị ảnh hưởng đến khả năng tạo ra giá trị dài hạn cho doanh nghiệp.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân chia sẻ về ESG trong doanh nghiệp. Bà Thủy cho rằng, thực hành ESG là bộ tiêu chuẩn hướng doanh nghiệp hoạt động, phát triển bền vững để gia tăng giá trị cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo các cam kết.
Với những doanh nghiệp xuất khẩu sang EU, chỉ trong vòng 2 năm, nếu không có những bước chuyển động thì dù đang trong chuỗi cung ứng cũng sẽ bị loại. Đó là rủi ro về mặt thị trường liên quan đến chữ E (môi trường).
Về mặt xã hội (S), vị này dẫn chứng, thời gian vừa qua, Đức đã ban hành luật liên quan đến chuỗi cung ứng của Đức, trong đó đặt ra nhiều tiêu chí về lao động, lao động nữ, môi trường làm việc… Như vậy, những doanh nghiệp nào đang hoặc muốn nằm trong chuỗi cung ứng, nếu không nhận diện được những quy định sẽ đối mặt với rủi ro, mất đi cơ hội.
Đối với quản trị doanh nghiệp (G) có rất nhiều mức khác nhau về sự tiến triển, năng lực, mức độ. Ở những diễn biến về mặt chính sách đã hàm chứa các yếu tố mà nếu doanh nghiệp không tuân thủ sẽ có rất nhiều rủi ro.
Đồng thời cho biết, rộng hơn đó là vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, đòi hỏi sự chung tay của nhiều quốc gia; khủng hoảng năng lượng đi kèm với các bài toán xung đột địa chính trị, địa kinh tế...
Ngoài ra, bà Ngọc Thủy cũng nhấn mạnh về áp lực liên quan đến chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số. Trật tự thế giới mới gắn với năng lực số, năng lực xanh đang dần được thiết lập. Phát triển bền vững vừa là cơ hội vừa là áp lực, doanh nghiệp có sự chủ động sẽ nắm lợi thế, nếu chậm chân sẽ có những rủi ro. Phát triển bền vững vừa là cơ hội vừa là áp lực với doanh nghiệp. Kết hợp ESG để tối ưu cơ hội, tối thiểu thách thức. Các doanh nghiệp không thể ngồi yên một chỗ và chờ đợi, cần hành động ngay từ bây giờ vời lòng quyết tâm cao độ./.
- Giải pháp giảm phát thải, chuyển đổi xanh hướng đến nền sản xuất bền vững
- 6 giải pháp phát triển công trình xanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng
- Chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp: Thời cơ, thách thức và những việc cần làm