ISSN-2815-5823

Doanh nghiệp cần làm gì để phục hồi kinh doanh sau cơn bão lịch sử?

(KDPT) - Cơn bão số 3 tuy đã qua nhưng vẫn để lại ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp thiệt hại nặng nề và việc phục hồi sau bão là một thách thức lớn.

Các doanh nghiệp lĩnh vực Logistics "lao đao" sau bão

Theo CEL - công ty tư vấn hàng đầu chuyên về các giải pháp chuỗi cung ứng - đã phát hành báo cáo toàn diện đầu tiên, mô tả chi tiết tác động sâu sắc của bão Yagi lên chuỗi cung ứng tại miền Bắc.

Theo bà Quyên Nguyễn, Giám đốc CEL, báo cáo khảo sát được công ty thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 10/9 đến ngày 15/9/2024, với sự tham gia của 216 công ty từ các ngành: sản xuất (38,7%), bán lẻ và phân phối (15,1%); logistics và chuỗi cung ứng (26,9%)… phân tích về những gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng, tổn thất kinh tế và nỗ lực phục hồi của các doanh nghiệp.

Theo kết quả khảo sát, đối với việc ảnh hưởng đến doanh nghiệp, có 15,4% công ty bị gián đoạn nghiêm trọng, trong khi 53,6% đối diện với những chậm trễ trong vận hành nhưng kiểm soát được; chỉ 6,2% doanh nghiệp báo cáo không bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.

Việc mất điện, hư hỏng hàng hóa và sạt lở đường sá… đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng tại miền Bắc. Trong đó, ngành logistics bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 82,4% doanh nghiệp gặp gián đoạn nghiêm trọng hoặc vừa phải, tiếp theo là ngành sản xuất.

Doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Tại Yên Bái, ông Phạm Đắc Yên - giám đốc Công ty TNHH Tranh đá quý Việt Nam - cho biết thiệt hại do ngập lụt là rất lớn. Theo ông Yên, doanh nghiệp đã bắt đầu dọn dẹp nhưng ước tính phải mất khoảng một tháng hoặc hơn mới có thể hoạt động bình thường trở lại. Mặc dù nhiều đơn hàng bị chậm trễ nhưng may mắn là đa số khách hàng đều thông cảm trước tình hình thiên tai.

Doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt với tình trạng đứt gãy nguồn cung hàng hóa do nhiều xưởng chưa hoạt động lại. Công ty đang nỗ lực xử lý các đơn hàng gấp và làm việc online để khắc phục tình hình. Tình trạng mất điện khiến mọi hoạt động của doanh nghiệp bị trì trệ, hàng hóa bị hư hỏng cũng là một trong nhiều vấn đề mà đơn vị phải "vò đầu bứt tai" tìm cách giải quyết.

Doanh nghiệp ảnh hưởng nặng nề khi cơn bão số 3 càn quét. (Ảnh: HP)
Doanh nghiệp ảnh hưởng nặng nề khi cơn bão số 3 càn quét. (Ảnh: HP)

Thiệt hại to lớn của siêu bão khiến Quảng Ninh tan hoang như "chiến trường". Nhiều doanh nghiệp du lịch và nhà hàng bị thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng. Đại diện Sunworld Hạ Long cho biết khoảng 90% cây xanh trong khuôn viên công viên bị quật đổ, gãy hoặc bật gốc. Công ty đang nỗ lực thống kê thiệt hại để đưa ra phương án khắc phục. Các cơ sở ăn uống, vui chơi giải trí tại đây trong một sớm một chiều không thể phục hồi lại như trước khi cơn bão đổ bộ. Tại Quảng Ninh, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra rất nặng nề, ước tính sơ bộ toàn tỉnh thiệt hại  khoảng 23.770 tỷ đồng. 

Theo số lượng thống kê, cơn bão số 3 đi qua Quảng Ninh đã khiến 70% cây xanh đô thị bị gãy, đổ, 165 tàu, phương tiện thủy bị chìm. Hơn 102.800 nhà dân bị tốc mái, 251 nhà bị đổ sập, 4.942 nhà bị ngập, 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 7.500 ha lúa bị ngập, hơn 500.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi và gần 90.000 ha rừng bị thiệt hại. Những con số hết sức đau lòng.

Ông Nguyễn Dũng - lãnh đạo Công ty TNHH vận tải và du lịch quốc tế Kỳ Mỹ ở Quảng Ninh - cho biết hạ tầng của doanh nghiệp bị hư hại nặng nề sau bão. Do chưa có điện, họ chưa thể tiến hành sửa chữa và dự kiến phải mất khoảng 10 ngày nữa mới có thể hoạt động trở lại. 

Cần hỗ trợ doanh nghiệp vay ưu đãi để phục hồi sản xuất

Hàng vạn doanh nghiệp đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh vẫn đang chật vật khắc phục hậu quả sau bão. Mặc dù các doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng đã dần khôi phục hoạt động, tình hình ở các khu vực chịu tác động lớn vẫn rất khó khăn.

Tiến sỹ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng: "Vấn đề thứ nhất là cần cho doanh nghiệp vay ưu đãi để trả lương và đóng bảo hiểm cho người lao động từ 3-6 tháng, để ổn định tình hình. Đây là việc cần làm ngay.

Thứ hai là phải giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi trận bão số 3 này. Thứ ba là phải giảm, thậm chí là miễn tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng để họ có điều kiện phục hồi và tích lũy. Đặc biệt, cần kiểm soát không để các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có xu hướng tăng trong thời điểm hiện nay tăng mạnh, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và đời sống nhân dân", ông Nam nhận định.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng và chi nhánh tại địa phương đẩy mạnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hậu quả sau bão. Một số ngân hàng như Vietcombank, MSB và VPBank đã tiên phong công bố các chương trình giảm lãi suất vay dành cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Khách hàng có thể vay vốn với thời hạn lên đến 36 tháng, cùng nhiều hình thức vay đa dạng.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh rằng, ưu tiên hỗ trợ cần dành cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, vì đây là những đơn vị dễ bị tổn thương nhưng lại có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định kinh tế và xã hội. Những doanh nghiệp có hợp đồng tiêu thụ rõ ràng sẽ có khả năng quay trở lại sản xuất nhanh chóng và tác động tích cực đến chuỗi cung ứng. Khi họ phát triển, sự phục hồi của toàn bộ nền kinh tế sẽ được thúc đẩy theo hướng tích cực hơn.

Ngoài việc hỗ trợ tài chính, cần có các chính sách hỗ trợ khác về thị trường, vận tải và lao động để doanh nghiệp có thể khôi phục sản xuất kinh doanh một cách toàn diện. Đồng thời, cần giảm bớt các thủ tục hành chính phức tạp, đặc biệt trong việc chứng minh thiệt hại và hoàn thiện hồ sơ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tình hình khẩn cấp hiện nay.

"Ngày 10/9/2024, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 92/CĐ-TTg tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu thực hiện chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, giãn nợ ngân hàng với người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão lũ.

Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí... đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định của pháp luật;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh."



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024