ISSN-2815-5823

Doanh nghiệp dệt may chịu sức ép lớn trong việc "xanh hóa" sản xuất

(KDPT) - Doanh nghiệp dệt may đang đứng trước nhiều áp lực và động lực “xanh hóa”, tăng cường ứng dụng các giải pháp tiết kiệm nguyên liệu và tài nguyên.

Doanh nghiệp dệt may trong bối cảnh hiện nay

Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) cho biết: "Năm 2024, bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và không bền vững. 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành dệt may chỉ xuất khẩu được khoảng 20 tỷ USD, nhưng sau đó, những tác động bất ổn của các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh và Myanmar đã tạo thuận lợi ngắn hạn cho dệt may Việt Nam".

"Các doanh nghiệp cần tiếp tục hành động quyết liệt, nâng cao năng lực sản xuất, thực hành tiết kiệm để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành ổn định, đặc biệt là với các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu vẫn đang đối mặt với tình hình khó khăn suốt 30 tháng trở lại đây", ông Trường nhấn mạnh. 

Hồi tháng 8, trong bối cảnh quốc gia có xung đột, Hiệp hội Các nhà sản xuất và xuất khẩu may mặc Bangladesh đã yêu cầu tất cả các nhà máy ở nước này đóng cửa cho đến khi cuộc bạo loạn được kiểm soát.

Bất ổn của các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh và Myanmar đã tạo thuận lợi ngắn hạn cho dệt may Việt Nam
Bất ổn của các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh và Myanmar đã tạo thuận lợi ngắn hạn cho dệt may Việt Nam

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dẫn nguồn tin của Business Standard của Bangladesh cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Bangladesh đang phải chứng kiến số lượng đơn hàng giảm từ 25-40%. Đó là chưa kể đến giá xuất khẩu cũng đang phải chịu sự sụt giảm. Nguyên nhân là do nhu cầu sụt giảm trên thế giới. Nhập khẩu từ Tây Âu sụt giảm vì lạm phát; nhập khẩu từ Nga cũng giảm sâu. Một số doanh nghiệp, trước xuất khẩu được sang Nga giá trị hơn 1 triệu USD/tháng thì nay giảm về bằng 0.

Những bất ổn trong thời gian gần đây đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động kinh doanh của Bangladesh. Tình hình này tác động trực tiếp đến ngành dệt may, ngành chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này vào năm 2023. Trong bối cảnh đó, nhiều công ty chứng khoán nhận định các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ phần nào được “hưởng lợi”, nếu được đón nhận những đơn hàng được dịch chuyển.

Áp lực "xanh hóa" đang đè nặng lên vai những doanh nghiệp dệt may

Bài toán sản xuất sao cho đảm bảo an toàn, thân thiện với môi trường đang cần được nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may tìm lời giải.

Chia sẻ với PV Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, ông Hà Mạnh, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 cho biết, để tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn cũng như phát triển bền vững, công ty đã lên mục tiêu và triển khai hành động cụ thể để đáp ứng các các yêu cầu pháp lý trong nước cũng như thoả mãn các yêu cầu đánh giá từ các thị trường nhập khẩu.

Ông Hà Mạnh, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 chia sẻ về những vấn đề ngành dệt may đang phải đối mặt
Ông Hà Mạnh, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 chia sẻ về những vấn đề ngành dệt may đang phải đối mặt

Tại hội nghị ngành dệt may tổ chức mới đây, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS cho biết, bên cạnh những kết quả ngành đạt được trong nhiều năm qua như kim ngạch xuất khẩu cao và tăng trưởng ổn định (trừ thời điểm dịch bệnh có sự chững lại), các doanh nghiệp trong ngành đang phải chịu sức ép cạnh tranh lớn từ các cường quốc xuất khẩu dệt may trên thế giới như Trung Quốc, Bangladesh, Campuchia...

"Chúng ta phải cạnh tranh về giá, chất lượng sản phẩm, đẳng cấp thời gian giao hàng... cạnh tranh chất lượng" ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh.

Ngành dệt may hiện nay chịu áp lực từ những thị trường nhập khẩu, họ đưa ra những quy định rất khắt khe. Ví dụ như ở Châu Âu có chiến lược dệt may bền vững. Do vậy, các doanh nghiệp Việt phải đáp ứng được hàng loạt yêu cầu của họ, từ khâu thiết kế sinh thái cho đến khâu sản xuất, tiêu dùng, thậm chí thải bỏ bền vững. Hàng tồn kho cũng phải có phương án, kế hoạch thu gom, tái chế đúng quy định để đảm bảo an toàn với môi trường.

Thị trường đang thay đổi, để thích nghi doanh nghiệp bắt buộc phải hành động. Trong đó đầu tư, đổi mới trang thiết bị công nghệ, áp dụng số hóa, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế toàn hoàn đang là ưu tiên hàng đầu.

Nhưng, bài toán đặt ra ở đây đó là chi phí.

Ông Cẩm cho rằng, là doanh nghiệp thì kinh doanh phải có lãi. Chứ không thể chạy theo xanh hoá mà mình chưa đủ điều kiện thì có khi chưa đáp ứng được các yêu cầu đó thì đã giải thể. Do vậy, doanh nghiệp phải có bước đi, lộ trình phù hợp, tính toán giữa lợi ích và chi phí thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu và phát triển bền vững.

“Lực lượng dệt may đa số sử dụng lao động ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và trình độ còn thấp. Trong khi các thị trường yêu cầu về xanh hoá, đáp ứng các tiêu chuẩn về lao động. Do đó mình phải đào tạo, trang bị kỹ năng, không chỉ là công nhân mà kể cả những người quản lý”, ông Cẩm nhận định.

Xanh hóa là yêu cầu bắt buộc, làm sớm hay muộn thì vẫn phải làm, doanh nghiệp không có lựa chọn khác được. Chi phí có thể là rào cản nhưng không thể vì thế mang ra làm lý do, các doanh nghiệp phải lên kế hoạch cụ thể, chi tiết từng bước đi, lộ trình thế nào sao cho phù hợp. Không theo kịp xu thế, chắc chắn sẽ bị đào thải khỏi cuộc đua./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/10/2024