Doanh nghiệp và những yếu tố quan trọng tới hành trình xanh hóa bao bì thực phẩm
Bao bì xanh: Đẩy lùi các hóa chất độc hại
Bao bì thực phẩm là một phần không thể thiếu trong ngành công nghiệp thực phẩm, vì nó không chỉ bảo vệ và bảo quản thực phẩm, mà còn tạo ra sự thu hút và nhận diện thương hiệu cho sản phẩm.
Theo Tờ AFP công bố một kết quả nghiên cứu mới đây, đã có hơn 3.600 hóa chất được sử dụng trong bao bì hoặc chế biến thực phẩm đã được phát hiện trong cơ thể con người. Khoảng 100 trong số các hóa chất này được coi là “mối quan ngại cao” đối với sức khỏe, bà Birgit Geueke, tác giả chính của nghiên cứu, đến từ Diễn đàn Bao bì thực phẩm (FPF) tại thành phố Zurich, Thụy Sĩ, cảnh báo.
Trước đó, một nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Nauy phát hiện các hóa chất gây rối loạn hệ thống nội tiết và trao đổi chất xuất hiện rất phổ biến trong bao bì thực phẩm bằng nhựa. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ mới đây cũng đã thông báo giấy gói bỏng ngô trong lò vi sóng và bao bì thức ăn nhanh có chứa “hóa chất vĩnh cửu” Per và Polyfluoroalkyl (PFA) sẽ không còn được bày bán tại nước này.
Do vậy, việc xanh hóa bao bì đang trở nên cấp thiết tại từng doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm. Xanh hóa bao bì thực phẩm là một xu hướng ngày càng phổ biến trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống, mang lại nhiều lợi ích đối với cả người tiêu dùng và hệ sinh thái.
Bao bì xanh mang đến những lợi ích to lớn
Một trong những lợi ích quan trọng nhất của việc xanh hóa bao bì thực phẩm là giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Bao bì thân thiện với môi trường giúp giảm lượng rác thải nhựa trên các bãi chôn lấp và biển, giảm thiểu sự ô nhiễm từ quá trình sản xuất và vận chuyển. Đồng thời, sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế hoặc tái sử dụng cũng giúp giảm lượng tài nguyên tự nhiên cần thiết cho việc sản xuất bao bì mới.
Ngoài ra, bao bì thân thiện với môi trường còn mang lại lợi ích sức khỏe cho người tiêu dùng. Việc sử dụng các vật liệu tự nhiên hoặc không gây hại cho sức khỏe giúp người tiêu dùng tránh được các chất hóa học độc hại có thể được thải ra từ bao bì nhựa truyền thống.
Luôn chú trọng tới sức khỏe và môi trường, chị Tú Quyên (Hà Đông) rất cẩn trọng khi lựa chọn đồ gia dụng sản xuất “xanh” hay sản phẩm tiêu dùng được đóng gói bằng bao bì giấy, những vật liệu tái chế, thân thiện môi trường. Ví dụ như khi đi mua đồ tại siêu thị, chị đã sử dụng túi giấy để đựng đồ thay vì túi nylon khó phân hủy.
Đặc biệt, khi sử dụng bao bì sinh học phân huỷ, người tiêu dùng còn có thể tham gia vào quá trình tái chế và tái sử dụng, góp phần vào việc bảo vệ môi trường và hỗ trợ chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững.
Doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng mở rộng, ngành bao bì đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sản phẩm. Theo Hiệp hội Bao bì Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 14.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành bao bì, trong đó có khoảng 9.200 doanh nghiệp tập trung vào bao bì nhựa. Đây là một lĩnh vực hấp dẫn sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước do tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển - nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Có thể thấy, nếu doanh nghiệp không xanh hóa lĩnh vực này, thì đây sẽ là mối nguy hại khôn lường đối với môi trường.
Riêng các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, mỗi ngày đang thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa nhưng tỷ lệ rất nhỏ các sản phẩm bao bì nhựa được tái chế, điều này gây ảnh hưởng lớn tới môi trường và lãng phí không nhỏ cho nền kinh tế. Người tiêu dùng hiện nay ưu tiên lựa chọn sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp tuân thủ trách nhiệm môi trường hơn, vật liệu bao bì thân thiện môi trường, dễ phân hủy.
Thông tin từ Công ty cổ phần bánh kẹo Bibica cho biết, đang giảm dần sử dụng bao bì nylon để đóng gói sản phẩm và thay bằng các loại bao bì giấy thân thiện môi trường. Với việc chuyển đổi này cho thấy hiệu quả kinh doanh cao.
Những doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm đóng chai nhựa Pet như nước uống, dầu ăn… đã chuyển sang dùng chai thủy tinh hoặc sử dụng bao bì giảm nhựa nguyên sinh. Còn doanh nghiệp bánh kẹo, mì gói, thực phẩm… chuyển sang bao bì giấy, hay vật liệu dễ tái chế thay cho bao bì nhựa khó phân hủy.
Theo chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam đã khẳng định yêu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi theo hướng bền vững, nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường.
Đây là một bước đi quan trọng để hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó các nguồn nguyên liệu và sản phẩm được tái sử dụng, tái chế và phân hủy sinh học, giảm thiểu lượng rác thải và tiết kiệm tài nguyên.
Để thực hiện mục tiêu này, các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống cần phải thay đổi chiến lược sản xuất, thiết kế và chọn lựa các loại bao bì xanh, có khả năng tái chế hoặc phân hủy sinh học, thay thế cho các bao bì nhựa truyền thống.
Các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam đã đầu tư nghiên cứu thiết kế bao bì theo hướng thuận lợi cho việc tái chế, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và ứng dụng công nghệ xanh vào sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tối đa phát sinh rác thải xấu.
“Xanh hóa” bao bì không chỉ là một xu hướng mà còn là sự chuyển đổi chiến lược của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về môi trường. Bên cạnh sản phẩm đảm bảo chất lượng, các doanh nghiệp còn đang đầu tư chi phí nhằm thay đổi thành phần của bao bì, giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, tăng tỉ lệ các nguyên liệu có thể tái chế dễ dàng, thân thiện môi trường./.
- Doanh nghiệp chuyển đổi logistics xanh cho hoạt động sản xuất công nghiệp
- Doanh nghiệp dầu khí áp dụng công nghệ mới để xanh hóa môi trường