Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vươn ra chinh phục thế giới
Đồng hành cùng doanh nghiệp trong chuyển đổi số
Mới đây, Hội nghị lần thứ hai về Hợp tác Số toàn cầu đã được tổ chức tại Hà Nội nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng công nghệ số trên phạm vi toàn cầu, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Sự kiện này không chỉ là nền tảng để các chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi ý kiến mà còn là cơ hội để thảo luận về những vấn đề quan trọng và tạo ra những cam kết cụ thể về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ.
Ông Phan Tâm, Thứ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, chương trình này nhằm giúp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thấy rõ hơn cơ hội thách thức để chinh phục các thị trường mới, mở rộng không gian phát triển của mình. Việc các doanh nghiệp quan hệ hợp tác đầu tư ra nước ngoài nhằm làm vẻ vang trí tuệ Việt Nam, vẻ vang thương hiệu Việt Nam. Đây là một sứ mệnh hết sức vinh quanh nhưng cũng gắn liền với nhiều thách thức và rủi ro.
“Với những hiểu biết về thị trường, năng lực và thế mạnh của doanh nghiệp thì sẽ là điểm đến quan trọng để chúng ta có những bước đi chắc chắn và tự tin ra thế giới. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể tin tưởng vững chắc rằng Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam sẽ luôn sát cánh và đồng hành trong tiến trình này”, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.
Ông Tâm khẳng định, bộ ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp cận thị trường các nước, tìm kiếm đối tác; phân tích tiềm năng thị trường, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro khi đầu tư kinh doanh tại nước ngoài.
Đánh giá về dư địa cho doanh nghiệp công nghệ số đầu tư ra nước ngoài, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, bên cạnh các địa bàn đầu tư truyền thống, đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đang dần dịch chuyển sang các quốc gia phát triển như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...
Ngoài các lĩnh vực đầu tư truyền thống, đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, các ngành có hàm lượng kỹ thuật hiện đại đang có xu hướng gia tăng đáng kể.
"Trong tiến trình phát triển, vươn ra thị trường nước ngoài để cạnh tranh, chinh phục, tìm kiếm doanh thu là chiến lược phát triển mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần hướng tới. Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt hướng ngoại, khi mà dòng vốn đầu tư ra nước ngoài liên tục tăng trưởng", ông Chung nhận định.
Doanh nghiệp công nghệ số “mang tiền về đất mẹ”
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực công nghệ số, ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch Meey Group cho biết, Meey Group là một trong những doanh nghiệp công nghệ số với sứ mệnh chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản và đang hướng tới trở thành doanh nghiệp kinh doanh đa quốc gia, đặc biệt ở thị trường Châu Á.
“Chúng tôi xác định trở thành một doanh nghiệp không chỉ theo cơ chế thị trường mà còn theo cơ chế vốn, hướng tới sử dụng vốn quỹ, các nguồn vốn của các tổ chức định chế lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang hướng tới niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông hoặc NasDaq, sang năm 2025, doanh nghiệp sẽ niêm yết ở trên thị trường chứng khoán NasDaq”, ông Chung nói.
Theo ông Đặng Khánh Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao, thị trường công nghệ thế giới có rất nhiều cơ hội. Nếu phát triển năng lực phục vụ thị trường nước ngoài thì đích đến là không có giới hạn. Bởi doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không chỉ có thế mạnh về nguồn nhân lực năng động và sáng tạo mà còn có khả năng cạnh tranh về giá so với thị trường toàn cầu.
“Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới, quy mô thị trường số toàn cầu tăng trưởng hàng năm. Hiện các nước đều thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Nhiều nước tập trung vào công nghệ lõi, tạo cơ hội cho Việt Nam hợp tác trong lĩnh vực hạ nguồn”, ông Linh cho biết.
Để có thể vươn ra thị trường quốc tế, ông Linh khuyến nghị, các doanh nghiệp số Việt Nam nên tìm hiểu, nghiên cứu để hiểu sâu sắc về văn hóa, con người, hệ thống chính trị của các nước đầu tư, tiếp cận thị trường từng bước.
Cùng với đó, phải có giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, mang những thứ tốt nhất mình có ra nước ngoài cũng như phải tạo sự khác biệt để cạnh tranh và luôn thượng tôn pháp luật. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam nếu có thể hợp lực, chia sẻ kinh nghiệm, học tập doanh nghiệp đi trước là điều kiện vô cùng thuận lợi để tiếp cận thị trường thế giới.
Nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt tham gia vào hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đại diện Bộ Ngoại giao kiến nghị, Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái cho các doanh nghiệp trong nước và đang hoạt động ở nước ngoài để cùng mở rộng thị trường.
Doanh nghiệp công nghệ số cần nghiên cứu khả năng liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài, mở văn phòng đại diện đầu tư. Cùng với đó, chú trọng đến tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm, chữ tín, bảo mật thông tin. Đặc biệt, mỗi doanh nghiệp nên có nhân sự am hiểu địa bàn, ngôn ngữ bản địa tại các quốc gia để học hỏi kinh nghiệm của những doanh nghiệp lớn./.
- Tìm giải pháp trong việc ứng dụng công nghệ số tại các tòa soạn báo chí
- Gen Z năng động thời 4.0: Mạnh dạn đầu tư từ sớm, dùng công nghệ số để đạt thu nhập đáng mơ ước
- Ứng dụng công nghệ số trong việc tạo nên tòa soạn hội tụ đa phương tiện