Doanh nghiệp muốn thành công trong lĩnh vực AI cần nhưng yếu tố gì?
Doanh nghiệp trong thời đại AI lên ngôi
Chuyển đổi số là một lựa chọn chiến lược, nhân tố sống còn cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số. Do đó, lãnh đạo các doanh nghiệp cần có nhận thức đúng đắn, đầy đủ, chiến lược dài hạn cho quá trình chuyển đổi số trong mọi hoạt động, từ quản trị kinh doanh đến sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tác động to lớn và lợi ích của chuyển đổi sổ mang lại cho các doanh nghiệp là điều đã được khẳng định. Đây là xu thế tất yếu, từng bước làm thay đổi phương thức sản xuất của loài người.Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì chủ doanh nghiệp phải tiên phong thay đổi mạnh mẽ nhận thức, tư duy và hành động; mạnh dạn số hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh thành những việc đo, đếm, tính toán và đánh giá được.
Tại hội thảo "Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới: Doanh nghiệp phải làm gì" diễn ra mới đây, ông Lê Hồng Việt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH FPT Smart Cloud chia sẻ, theo báo cáo gần đây nhất của Google & Bain Co., nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Quy mô và số lượng giao dịch tăng vọt của nền kinh tế số tạo ra số lượng dữ liệu khổng lồ, điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần có một nền tảng linh hoạt để lưu trữ, xử lý dữ liệu, một công cụ mạnh mẽ để khai thác dữ liệu. Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những lời giải hàng đầu để giải quyết bài toán này.
Không có một chiến lược AI nào có thể phù hợp với tất cả các quốc gia hay nền kinh tế cũng như cho mỗi doanh nghiệp, nhưng công thức cơ bản để thành công là chủ động đầu tư vào cơ sở hạ tầng đám mây, nghiên cứu ứng dụng AI, cũng như phát triển dữ liệu. Vì vậy, cần nắm được xu hướng mất đi, xu hướng hình thành ngành, lĩnh vực mới do AI tác động; cần xác định những khâu, những quy trình có thể ứng dụng AI để tăng năng lực cạnh tranh, giảm giá thành; khả năng khởi nghiệp (startup) với AI; lan tỏa lợi ích AI, thúc đẩy ứng dụng AI trong doanh nghiệp, người dân, khu vực công.
Doanh nghiệp phải không ngừng cập nhật và nhanh chóng ứng dụng công nghệ số phù hợp vào tất cả các khía cạnh của hoạt động kinh doanh để cải thiện hiệu quả, đổi mới và tạo ra giá trị mới. Từ đó biến chuyển đổi số thành phương tiện nhằm tối ưu hóa quy trình kinh doanh, thúc đẩy sáng tạo, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp sản xuất cũng đang dần triển khai AI vào quản lý chuỗi cung ứng, tự động hóa quy trình sản xuất và tối ưu hóa quản lý hàng tồn kho. Một số doanh nghiệp lớn ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) như Vinamilk đã ứng dụng AI trong việc tối ưu hóa hoạt động nhà máy, đặc biệt là trong việc giám sát chất lượng sản phẩm và tự động hóa quy trình sản xuất sữa. AI giúp phân tích dữ liệu sản xuất theo thời gian thực để đưa ra các điều chỉnh kịp thời, giảm thiểu sai sót và lãng phí.
Nếu doanh nghiệp không ứng dụng AI, họ có nguy cơ sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển và tăng cường năng lực cạnh tranh do không nắm bắt kịp thời xu thế thị trường để điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tối ưu hóa nguồn lực. Chính vì thế, các doanh nghiệp rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp giúp họ tiếp cận AI với một lộ trình phù hợp và hiệu quả hơn.
Muốn thành công phải có lộ trình phát triển AI hợp lý
Theo Báo cáo Chỉ số Sẵn sàng Ứng dụng AI của Chính phủ do Oxford Insights công bố vào năm 2023, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể khi xếp hạng 59 trong tổng số 193 quốc gia, tăng 19 bậc so với năm trước đó. Mặc dù thành công này cho thấy sự tiến bộ, nhưng Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài phía trước để thực sự tận dụng được tiềm năng của AI.
Các doanh nghiệp trong nước đang dần nhận ra rằng việc triển khai AI không chỉ đơn thuần là áp dụng công nghệ mà đòi hỏi một chiến lược toàn diện và nghiêm túc.
Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của một dự án AI là sự đồng lòng từ phía lãnh đạo doanh nghiệp và lộ trình triển khai hợp lý.
Theo ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc Tư vấn FPT Digital cho biết: "Để thành công, lãnh đạo doanh nghiệp cần hiểu rõ giá trị mà AI mang lại và sẵn sàng đầu tư vào hạ tầng công nghệ cũng như nguồn nhân lực. Sự cam kết này đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra môi trường thuận lợi cho quá trình triển khai AI, từ việc điều chỉnh quy trình làm việc đến đào tạo nhân viên về kỹ năng sử dụng và quản lý AI".
Khi có những bước triển khai cụ thể, dự án sẽ giúp doanh nghiệp có thể kiểm soát rủi ro, đánh giá hiệu quả và điều chỉnh chiến lược khi cần thiết. Việc triển khai AI theo từng giai đoạn cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa nguồn lực.
Các dự án ứng dụng AI cần được triển khai theo từng bước cụ thể. Doanh nghiệp nên bắt đầu từ các dự án nhỏ và lựa chọn đối tác có kinh nghiệm để đảm bảo quá trình triển khai và ứng dụng diễn ra suôn sẻ. Doanh nghiệp nên bắt đầu từ các dự án AI nhỏ gọn, dễ quản lý, áp dụng nội bộ trước khi cung cấp trực tiếp cho khách hàng, đặc biệt nên cân nhắc các quy trình có thể được hỗ trợ bởi tự động hóa và năng lực xử lý ngôn ngữ. Dựa trên hiệu quả triển khai các dự án này, doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô triển khai. Điều này giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và dễ dàng điều chỉnh chiến lược nếu gặp khó khăn. Ông Hậu nhận định.
Đáng chú ý, việc lựa chọn đối tác công nghệ đóng vai trò quan trọng trong quá trình triển khai AI. Các đối tác có kinh nghiệm sẽ đảm bảo rằng doanh nghiệp có được giải pháp công nghệ phù hợp và hỗ trợ liên tục trong suốt quá trình triển khai và vận hành.
Tại hội nghị ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến doanh nghiệp tổ chức mới đây, ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia Việt Nam, Khối Kinh doanh, Marketing và Truyền thông, Tập đoàn Intel cho rằng, để khai thác tối đa tiềm năng của AI, Việt Nam cần tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Các khóa đào tạo ngắn hạn và trung hạn về AI đang được triển khai mạnh mẽ, không chỉ cho sinh viên mà còn cho các nguồn nhân lực có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp.
Trong những năm tới, AI sẽ tiếp tục là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam. Để đạt được vị thế hàng đầu về AI, Việt Nam cần xây dựng một nền tảng công nghệ linh hoạt, có khả năng mở rộng và phù hợp với các nhu cầu kinh doanh đa dạng.
Điều này bao gồm việc thiết lập một hệ sinh thái mở, cho phép doanh nghiệp lựa chọn các công cụ phần cứng và phần mềm phù hợp nhất với mục tiêu của họ.
Tựu chung lại, doanh nghiệp muốn thành công trong lĩnh vực AI, cần có một chiến lược toàn diện, linh hoạt và khả năng thích ứng với những thay đổi không ngừng của công nghệ AI. Chỉ khi đó, Việt Nam mới có thể tận dụng tối đa tiềm năng của AI và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững./.
- Doanh nghiệp và những yếu tố quan trọng tới hành trình xanh hóa bao bì thực phẩm
- Doanh nghiệp dệt may chịu sức ép lớn trong việc "xanh hóa" sản xuất