ISSN-2815-5823

Doanh nghiệp nhà ở quý III: Chưa qua cơn mê

(KDPT) - Những doanh nghiệp phát triển nhà ở lớn nhất đều chung cảnh lợi nhuận suy giảm so với cùng kỳ năm trước. Không ít doanh nghiệp chỉ có lợi nhuận “bé hạt tiêu”. Số doanh nghiệp lỗ vẫn còn khá nhiều, dẫu so với quý liền kề trước đó đã giảm bớt. Những điều này cho thấy thị trường bất động sản quý III/2023 vẫn còn hết sức khó khăn.
Dấu hỏi về mục tiêu lợi nhuận của Coteccons?

Giảm trên diện rộng

Mùa báo cáo thu nhập quý III năm nay, cái tên gây ấn tượng nhất không ai khác vẫn là Vinhomes (HoSE: VHM). Doanh nghiệp số 1 thị trường nhà ở Việt Nam này báo lãi trước thuế tới 14.206 tỷ đồng, không chỉ lớn hơn bất cứ doanh nghiệp nhà ở nào mà còn vượt trội so với toàn bộ phần còn lại của thị trường. Với 3 quý đỉnh cao (tựa như những gì đã trình diễn trong năm 2021), VHM đã có được hơn 32.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 2023.

Mặc dù chói sáng như vậy, nhưng nếu chỉ xét riêng quý III/2023, bản thân lợi nhuận trước thuế của VHM cũng suy giảm so với cùng kỳ năm trước, giảm 25%. Và đến VHM còn như vậy thì không ngạc nhiên khi các doanh nghiệp khác cũng có chung “cảnh ngộ”.

Theo như nghiên cứu, khảo sát và con số thống kê được của Tạp chí Kinh doanh và Phát triển đối với hơn 40 doanh nghiệp nhà ở tiêu biểu nhất cho thấy, suy giảm về lợi nhuận trước thuế là mẫu số chung của các đơn vị trong quý III này.

doanh nghiệp bất động sản
Thống kê 40 doanh nghiệp nhà ở tiêu biểu nhất cho thấy, suy giảm về lợi nhuận trước thuế là mẫu số chung của các đơn vị trong quý III này. (Ảnh minh hoạ: Hải Thu)

Những “ông lớn” bị suy giảm mạnh có thể kể đến như: Novaland (HoSE: NVL) giảm 34%, CEO Group (HNX: CEO) giảm 37%, Đất Xanh (HoSE: DXG) giảm 42%, Khang Điền (HoSE: KDH) giảm 47%, Văn Phú Invest (HoSE: VPI) giảm 54%, Hodeco (HoSE: HDC) giảm 56%, IDJ Việt Nam (HNX: IDJ) giảm 62%, Hà Đô (HoSE: HDG) giảm 69%, Khải Hoàn Land (HoSE: KHG) giảm 77%, Phát Đạt (HoSE: PDR) giảm 85%, Hải Phát Invest (HoSE: HPX) giảm 91%, Nam Long (HoSE: NLG) giảm 96%...

Nhiều doanh nghiệp trong số này đã ghi nhận mức lợi nhuận quý thấp nhất trong nhiều quý hoặc nhiều năm qua, ví dụ: NLG thấp nhất trong 5 quý qua, KHG thấp nhất 10 quý qua, HDC thấp thứ 2 trong 3 năm qua, HDG thấp thứ 2 trong 5 năm qua…

Thậm chí, có những doanh nghiệp thậm chí còn lỗ gộp (như Năm Bảy Bảy - HoSE: NBB) hay lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh (như Saigonres, HoSE: SGR, Danh Khôi - HoSE: NRC). Để thoát lỗ, các doanh nghiệp này hoặc trông chờ vào doanh thu tài chính (như NBB), hoặc phải dựa vào các khoản “phi kinh doanh” (như: NRC nhờ khoản bồi thường hợp đồng hay SGR là lợi nhuận khác).

Với các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng, không phải đơn vị nào cũng dựa vào “thực lực” (giảm giá vốn, chi phí). Thực tế có những đơn vị cũng trông vào doanh thu tài chính như Hoàng Huy (HoSE: TCH).

Mặt khác, có những doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận rất lớn (tính bằng lần) song giá trị tuyệt đối lại khá nhỏ, ví dụ: DIC Group (HoSE: DIG) lợi nhuận trước thuế tăng 2,2 lần nhưng chỉ đạt 22 tỷ đồng, Sudico (HoSE: SJS) tăng 3,6 lần nhưng chỉ đạt 58 tỷ đồng, Tập đoàn BGI (HNX: VC7) tăng 21 lần song chỉ đạt 23 tỷ đồng, Tập đoàn Nam Mê Kông (HNX: VC3) tăng 27 lần, nhưng chỉ đạt 38 tỷ đồng.

Khá nhiều doanh nghiệp báo lợi nhuận trước thuế ở mức “bé hạt tiêu”, chỉ vài tỷ đồng, thậm chí vài trăm triệu đồng, như: EverLand (HoSE: EVG) 8 tỷ đồng, Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) 6,3 tỷ đồng, Handico 6 (UPCoM: HD6) 4 tỷ đồng, Long Giang Land (HoSE: LGL) 2,3 tỷ đồng, Địa ốc First Real (HoSE: FIR) 2,4 tỷ đồng, TTC Land (HoSE: SCR) 1,9 tỷ đồng, Hoàng Quân (HoSE: HQC) 1,5 tỷ đồng, Fideco (HoSE: FDC) 0,8 tỷ đồng…

Tệ hơn, số doanh nghiệp thua lỗ vẫn còn khá nhiều, dù đã giảm bớt so với quý II/2023. Những đơn vị “lỗ kinh niên” gồm có: EVNLand (HoSE: LEC) lỗ 4,2 tỷ đồng, là quý lỗ thứ 4 liên tiếp; LDG Group (HoSE: LDG) lỗ 67 tỷ đồng, là quý lỗ thứ 4 liên tiếp; Becamex TDC (HoSE: TDC) lỗ 6,6 tỷ đồng, là quý lỗ thứ 4 liên tiếp; UDEC (UPCoM: UDC) lỗ 23 tỷ đồng, là quý lỗ thứ 11 liên tiếp. Ngoài ra, danh sách thua lỗ quý III/2023 còn có DRH Holdings lỗ 16 tỷ đồng và Xuân Mai Corp (UPCoM: XMC) lỗ 9 tỷ đồng - mỗi doanh nghiệp đều có quý lỗ thứ 2 liên tiếp.

Tương lai có khá hơn?

Với những gì đạt được ở quý III/2023, có thể nói hầu hết các doanh nghiệp nhà ở được khảo sát có kết quả lũy kế 9 tháng năm 2023 khá tồi tệ so với cùng kỳ năm trước. Xét riêng trên khía cạnh lợi nhuận trước thuế, những cái tên suy giảm trên 50% gồm: HDG (giảm 51%), HPX (giảm 51%), DPG - Đạt Phương (giảm 57%), BVL - BV Land (giảm 66%), HDC (giảm 67%), PDR (giảm 70%), DXG (giảm 71%), ITC - Intresco (giảm 72%), SGR (giảm 75%), HD6 (giảm 77%) và NVL (giảm 97%).

Nhóm thua lỗ (trước thuế) 9 tháng ghi tên: QCG (-5 tỷ đồng), NRC (-14 tỷ đồng), LEC (-19 tỷ đồng), UDC (-51 tỷ đồng), DRH (-52 tỷ đồng), LDG (-218 tỷ đồng), TDC (-327 tỷ đồng).

Theo giới quan sát, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi trong quý III và quý IV/2023, tuy nhiên mức độ phục hồi rất chậm chạp và có phần không chắc chắn. Bởi vậy, rất khó để cho rằng các doanh nghiệp nhà ở sẽ cải thiện được lợi nhuận trong quý tiếp theo, thậm chí là trong nửa đầu năm 2024 tới.

Ghi nhận cho thấy, nhiều doanh nghiệp có mức suy giảm giá trị người mua trả tiền trước ngắn hạn tương đối lớn, ví như: HPX (giảm 29%), QCG (giảm 34%), VHM (giảm 38%), HDG (giảm 44%), VPI (giảm 50%), AGG (giảm 62%), NRC (giảm 94%), PDR (giảm 99,7%)… Sự sụt giảm của khoản này là một chỉ báo cho thấy doanh thu quý tới của các đơn vị này nhiều khả năng sẽ sụt giảm, kéo theo lợi nhuận sụt giảm.

Tất nhiên, thị trường vẫn có những đơn vị ghi nhận số dư người mua trả trước tăng trưởng như NVL, VC3, NLG, HDC, DIG, TCH, DPG, CEO… song câu chuyện của mỗi doanh nghiệp là khác nhau, nhất là khi xét tới các điều kiện rất riêng biệt như số dự án bị tắc nghẽn hay được giải tỏa pháp lý. Dẫu vậy, trong một thị trường cô đặc, các “ông lớn” thường sẽ có lợi thế hơn những đơn vị nhỏ lẻ, tầm trung, mà trường hợp của VHM đã nêu ở trên là một điển hình./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024