Doanh nghiệp Việt Nam hướng đến sản xuất thông minh, hiện đại
Nhiều doanh nghiệp có bước chuyển mình rõ rệt
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong sử dụng robot hóa, ứng dụng công nghệ học máy (Machine Learning), AI, IoT..., sản xuất thông minh đã giúp Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông giảm chi phí sản xuất trong điều kiện giá vật tư, lãi vay tăng. Năng suất lao động tăng 30% với sản phẩm LED (từ 5,5 triệu sản phẩm/tháng lên 7,5 triệu sản phẩm/tháng) và tăng 37% với sản phẩm phích (1,4 triệu sản phẩm/tháng lên 1,9 triệu sản phẩm/tháng).
Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng, tự động hóa và nâng cao tự động hóa trong các quy trình sản xuất, tạo ra hệ thống sản xuất thông minh và hiệu quả giúp tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa nguồn lực một cách tối đa. Đây là những bước tiến quan trọng đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ và bền vững của Rạng Đông trong việc cam kết bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Bên cạnh Rạng Đông, Sơn Hà - Tập đoàn cung cấp thiết bị về nước và nhà bếp, thường sản xuất theo kế hoạch tháng, hoặc theo đơn hàng đặt trước. Nhưng từ khi áp dụng phần mềm quản lý doanh nghiệp ERP, quá trình sản xuất trở nên linh hoạt hơn. Mỗi khi có đơn hàng bất kỳ, với số lượng bất kỳ từ khách hàng, có thể chuyển ngay thông tin đến đơn vị sản xuất, đơn vị vật tư, tài chính… Công nghệ này đã giảm thiểu tối đa thời gian logistics, thời gian vận chuyển đưa hàng tới tay người tiêu dùng, giảm thời gian tồn kho, đáp ứng ngay nhu cầu cho khách hàng một cách nhanh chóng và chính xác nhất.
Không chỉ vậy, số hóa giúp Tập đoàn Sơn Hà xây dựng một quy trình sản xuất toàn diện, từ lập kế hoạch sản xuất, theo dõi tiến độ đơn hàng, kiểm soát chất lượng, quản lý thiết bị và bảo trì bảo dưỡng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, truy cứu thông tin khách hàng; hỗ trợ xây dựng kế hoạch quản trị tài chính, doanh thu, chi phí; tập hợp dữ liệu đưa lên hệ thống báo cáo tài chính, báo cáo thuế và báo cáo quản trị…
Nói đơn giản, sự kết nối giữa công nghệ sản xuất, máy tính, và giải pháp internet vạn vật, đã hướng công việc lập kế hoạch của một phân xưởng, nhà máy sản xuất thông minh trở thành quá trình tự thu thập dữ liệu, tự ra quyết định dưới sự giám sát của con người.
Tăng cường đầu tư áp dụng công nghệ trong sản xuất
Theo Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Hoa Kỳ (NIST), sản xuất thông minh là hệ thống được tích hợp đầy đủ, thích ứng với điều kiện thay đổi trong mạng lưới cung ứng tổng thể của doanh nghiệp và nhu cầu khách hàng trong thời gian thực.
Do đó, sản xuất thông minh tích hợp các thiết bị sản xuất với cảm biến, nền tảng điện toán, công nghệ truyền thông, mô hình hóa dữ liệu, điều khiển, mô phỏng và kỹ thuật dự đoán. Sản xuất thông minh sử dụng các công nghệ về “hệ thống thực ảo”, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, khoa học dữ liệu... đưa sản xuất chính thức trở thành trụ cột quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thời gian qua, nắm bắt xu hướng phát triển, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tăng cường đầu tư áp dụng công nghệ, phát triển nhà máy thông minh, mở ra cơ hội đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất thông minh của khu vực.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng tài chính và tầm nhìn chiến lược như những doanh nghiệp trên. Mặt khác, theo các chuyên gia kinh tế, tất cả các nước công nghiệp phát triển đều tuần tự đi từ 2.0 lên 3.0 rồi 4.0. Vì vậy, với trên 97% doanh nghiệp nước ta thuộc loại vừa và nhỏ, trong đó có 93,7% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thì trước mắt nên tập trung nguồn lực chuyển đổi từ công nghiệp 2.0 (cơ khí) hiện nay lên công nghiệp 3.0 (tự động hóa ở một số khâu then chốt).
Trên thực tế, mọi doanh nghiệp đều có cơ hội tiếp cận với sản xuất thông minh ở nhiều cấp độ khác nhau. Những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính có thể đầu tư những dây chuyền sản xuất thông minh có hàng triệu USD. Các doanh nghiệp nhỏ, tùy vào nhu cầu cấp bách, cũng có thể chọn cho mình những phần mềm quản trị sản xuất, tồn kho hay chuỗi cung ứng có giá trị tính bằng triệu đồng. Công nghệ thông tin trong kỷ nguyên 4.0 mở ra cuộc chơi khá công bằng. Điều kiện duy nhất để tham gia là sẵn sàng chuyển đổi. Có thể nói, chủ thể của sản xuất thông minh là những doanh nghiệp sẵn sàng đưa công nghệ thông tin vào sản xuất.
Trong đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh chú trọng cả những ngành công nghiệp nền tảng và ngành mới, công nghệ cao quyết định sự bứt phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.
Như vậy, việc phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức để nước ta đẩy mạnh chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sản xuất sản phẩm theo hướng “Make in Viet Nam”, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam…
- Cơ hội cho doanh nghiệp số Việt Nam tại thị trường nước ngoài
- Ứng dụng công nghệ AI trong tự động hóa sản xuất
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ AIoT trong sản xuất doanh nghiệp