ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ hai, 15h36 25/11/2024

Doanh nghiệp Việt phải tận dụng AI như một công cụ hỗ trợ đắc lực

(KDPT) - Doanh nghiệp Việt hiện cần có một “trợ lý AI” để hỗ trợ phát triển. AI sẽ là cánh tay nối dài, nhưng con người vẫn là yếu tố cốt lõi quyết định.

Doanh nghiệp Việt cần có sự hỗ trợ của AI

Trong tham luận về chủ đề “Phát triển bền vững trong thời đại AI” của ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch FPT Education cho biết, trong kỷ nguyên AI, mỗi cá nhân cần có một “trợ lý AI” để hỗ trợ học tập và phát triển. Tương lai của xã hội, theo ông Tiến, không chỉ phụ thuộc vào việc chấp nhận AI mà còn là khả năng sáng tạo, cảm xúc và sự tò mò của con người. AI sẽ là cánh tay nối dài, nhưng con người vẫn là yếu tố cốt lõi quyết định.

Trong một thế giới mà AI có thể giải quyết các công việc trí tuệ, việc học viết chữ hay các kỹ năng truyền thống có còn ý nghĩa? Chính vì vậy, việc "un-learn" và "re-learn" trở thành chìa khóa cho sự tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên AI.

Doanh nghiệp Việt phải tận dụng AI như một công cụ hỗ trợ đắc lực - ảnh 1

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra một nguồn lao động không mệt mỏi, không đòi hỏi chế độ thưởng hay lương tháng thứ 13, không xin nghỉ vì lý do cá nhân như con ốm, gia đình có việc, cần thời gian “chữa lành”.. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, AI đã thay đổi hoàn toàn cách vận hành sản xuất với những ví dụ sinh động như máy cắt vải tự động thay thế 4-5 công nhân làm thủ công, máy may điện tử thế hệ mới tăng năng suất đáng kể và giảm sai sót.

Rõ ràng, AI không chỉ là công cụ, mà còn là động lực thúc đẩy xã hội phát triển qua việc giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa quy trình và đạt hiệu quả vượt trội - điều mà lực lượng lao động truyền thống khó lòng sánh kịp. Tuy nhiên, AI đi kèm cơ hội là những thách thức không thể xem nhẹ đối với lực lượng lao động khi nhiều chuyên gia dự báo tới đây, có khoảng 85% nhân sự đảm nhận công việc lặp đi lặp lại có nguy cơ bị thay thế, “nuốt chửng”.

Doanh nghiệp và mối quan hệ giữa AI và người lao động: Cần sự bền vững

Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang - Founder & CEO, Newing khả năng thích ứng của tổ chức không chỉ đơn thuần là bổ sung nguồn lực mà còn nằm ở việc tinh giản và tập trung vào cốt lõi. Trong kỷ nguyên AI, bà Giang nhấn mạnh rằng một tổ chức linh hoạt cần 3 yếu tố then chốt: Năng lực lãnh đạo đổi mới ở mọi cấp, đặc biệt là quản lý trung gian; văn hóa tổ chức được định hình bởi thói quen làm việc hàng ngày, với sự giao tiếp và phối hợp hiệu quả; và hệ thống quản lý khuyến khích sự đổi mới qua tư duy cầu tiến, tạo cảm giác an toàn tâm lý cho nhân viên. 

Bà Nguyễn Thị Minh Giang - Founder & CEO, Newing
Bà Nguyễn Thị Minh Giang - Founder & CEO, Newing

Chỉ khi các yếu tố này hòa quyện, doanh nghiệp mới đạt được tính toàn vẹn cấu trúc - nơi mọi bộ phận, quy trình và chiến lược cùng hướng tới mục tiêu chung, giúp tổ chức không chỉ tồn tại mà còn bứt phá trong thời kỳ đầy biến động.

Trong bối cảnh thị trường thay đổi không ngừng, thành công lâu dài không chỉ dựa vào công nghệ hay sản phẩm, mà dựa vào sự duy trì và phát huy các giá trị văn hóa cốt lõi. Những yếu tố như tính tiên phong, sự ám ảnh với khách hàng và tư duy của người chủ sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp không chỉ tăng trưởng nhanh mà còn vững mạnh qua các chu kỳ.

Ông Hoàng Việt Hà - Giám đốc Swinburne Việt Nam tại Đại hội Sales và Marketting toàn quốc tổ chức mới đây cho biết, văn hóa doanh nghiệp là yếu tố không thể thay thế dù công nghệ có thay đổi chóng mặt, và những công ty duy trì được nền tảng văn hóa vững chắc sẽ có cơ hội tồn tại và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là làm sao để truyền cảm hứng và giữ gìn những giá trị này qua các thế hệ lãnh đạo, đồng thời không ngừng sáng tạo và linh hoạt trong một thế giới kinh doanh đầy biến động.

Đối mặt với sự đe dọa bị mất việc làm từ AI, người lao động Việt Nam không còn cách nào khác ngoài việc bắt buộc phải tự mình xóa mù công nghệ, nâng cấp kỹ năng và kiến thức để mình được nhanh hơn, mạnh hơn. Đồng thời các trường dạy nghề cần chuyển hướng, tập trung vào đào tạo lao động có trình độ cao, thích ứng với thời đại công nghệ số.

Trên hết, để AI thực sự trở thành “cánh tay phải” của con người chứ không phải “mối đe dọa”, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược toàn diện: Hoàn thiện hành lang pháp lý, đầu tư vào đào tạo công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/12/2024