ISSN-2815-5823
Ngọc Thiện
Thứ sáu, 10h33 04/10/2024

EVNFinance đang làm ăn, kinh doanh ra sao?

(KDPT) - Kể từ năm 2021, tỷ trọng khoản cho vay khách hàng đối với tổng tài sản của EVNFinance có xu hướng tăng dần.

Cụ thể, theo những nghiên cứu, khảo sát của Tạp chí điện tử Kinh doanh & Phát triển và qua báo cáo tài chính bán niên soát xét vừa qua của Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance - EVF), tính đến ngày 30/6, thu nhập lãi thuần ghi nhận 760,7 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ 45 tỷ đồng, gấp 1,8 lần nửa đầu năm ngoái. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh trong 2 quý đầu 2024 ghi nhận 7.219 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ không ghi nhận.

Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của công ty trong nửa đầu năm 2024 ghi nhận 495 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ 2023 (247 tỷ đồng). Tổng chi phí hoạt động giảm đột biến từ 174 tỷ đồng xuống chỉ còn 6,7 tỷ đồng.

Qua đó, EVF báo lãi sau thuế 249 tỷ đồng trong hai quý đầu năm 2024, gấp 1,5 lần cùng kỳ.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của EVNFinance ghi nhận 50.594 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,7% so với hồi đầu năm. Trong khi tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm đột ngột 84% về 205 tỷ đồng, khoản cho vay khách hàng của EVF lại ghi nhận tăng 13,6% lên 37.968 tỷ đồng trước khi trích lập dự phòng 361 tỷ đồng.  

Trong khoản vay này, thuyết minh báo cáo tài chính cho biết: “Các nhóm khách hàng cho vay hoặc có người cùng đại diện hoặc cùng tòa nhà làm việc (24.901.627 triệu đồng)”.

Đây là một trong những yếu tố được phía kiểm toán là Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam nêu ra trong vấn đề cần nhấn mạnh, trong đó mô tả các yếu tố có thể dẫn đến tính không chắc chắn của lợi ích kinh tế thu được trong tương lai của các khoản mục cho vay và đầu tư dài hạn khác của EVNFinance.

Khoản cho vay khách hàng của EVNFinance được nêu trong báo cáo tài chính bán niên vừa qua chiếm tới 75% tổng tài sản của công ty. Tỷ trọng này bắt đầu tăng dần theo từng năm, từ năm 2021.

Dư nợ cho vay khách hàng trước khi trích lập dự phòng rủi ro của EVNFinance qua các năm (Đơn vị: tỷ đồng)
Dư nợ cho vay khách hàng trước khi trích lập dự phòng rủi ro của EVNFinance qua các năm (Đơn vị: tỷ đồng)

Cụ thể, tỷ trọng khoản cho vay khách hàng đối với tổng tài sản của EVNFinance trong năm 2021 là 52,02%. Đến năm 2022 và 2023, bắt đầu tăng dần lần lượt ở mức 57,7% và 68,1%.

Trước thời điểm 2021, tỷ trọng cho vay khách hàng đối với tổng tài sản của EVNFinance hầu như không vượt quá 50%. Chẳng hạn, trong năm 2019 và năm 2020 ghi nhận lần lượt là 44,6% và 41,7%.

Nhiều ngày trước khi bắt đầu năm 2021, cụ thể vào ngày 26/10/2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã bán thành công 2,65 triệu cổ phần sở hữu (tương ứng 1% vốn điều lệ) tại Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance), qua đó thoái thành công 100% vốn sở hữu tại EVNFinance, thu về giá trị hơn 46,1 tỷ đồng.

Tại phiên đấu giá, EVN đưa ra mức giá khởi điểm 17.411 đồng/cổ phần. Đã có 2 nhà đầu tư cá nhân tham gia đấu giá, đăng ký mua 2,65 triệu cổ phần, với mức giá 17.411 đồng/cổ phần, tương đương mức giá khởi điểm.

Thời điểm sau đó, nhóm Tập đoàn Amber (Amber Holdings) bắt đầu hiện diện rõ nét tại EVNFinance. Nhiều nhân sự cấp cao của Amber Holdings cũng chuyển sang nắm giữ các vị trí quan trọng của EVNFinance.

Trong một diễn biến liên quan, theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, EVNFinance đang có lô trái phiếu mã EVFH2232001, phát hành ngày 8/7/2022 với kỳ hạn 10 năm. Giá trị phát hành (theo mệnh giá) tính đến ngày 30/6/2024 so với giá trị đang lưu hành (theo mệnh giá) vẫn giữ nguyên với 1.725 tỷ đồng. Kỳ trả lãi 6 tháng/lần.

Trong khi phải trả lãi 58,2 tỷ đồng, thanh toán gốc của EVF vẫn là 0 đồng./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine