Gần 595.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần
Ông Đào Duy Hiện, Phó ban Thực hiện chính sách BHXH thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thông tin 78% lao động rút một lần từ 20 đến dưới 40 tuổi, 98% rời hệ thống an sinh sau một năm nghỉ việc. Họ chủ yếu làm việc trong doanh nghiệp, nhất là khối FDI chịu nhiều áp lực.
Số lao động rút BHXH tăng song số người hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm gần 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 442.400. Hơn 8.700 người có quyết định hỗ trợ học nghề, giảm 4,3%.
"Khi có lao động làm thủ tục rút BHXH một lần, chúng tôi đều vận động họ không rút, tiếp tục bảo lưu BHXH và tham gia lại khi có điều kiện.
Nhiều người cũng đã nghe ra và dừng rút BHXH một lần. Tuy nhiên, cũng có không ít người nói thẳng, họ hiểu rõ thiệt thòi khi rút BHXH một lần nhưng vì khó khăn nên họ vẫn rút BHXH một lần để chống đỡ khó khăn", ông Hiện chia sẻ.
Thống kê giai đoạn 2016-2022 gần 4,85 triệu người rời bỏ hệ thống an sinh. Trong số này, 1,3 triệu người quay trở lại, tiếp tục đi làm và đóng BHXH; gần 3,55 triệu người chưa quay trở lại; 907.000 lao động từng rút hai lượt; hơn 61.000 người rút ba lượt. Khoảng 99% lao động rút một lần sau một năm ngừng đóng và phần lớn làm việc trong doanh nghiệp. Lao động Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long chiếm 60% người rút BHXH một lần.
BHXH Việt Nam cũng cho biết, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đạt và tăng so với cùng kỳ năm 2023 với khoảng 18,3 triệu người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ bao phủ là 39,05% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 1,16 triệu người (tương đương 6,77%) so với cùng kỳ năm 2023, trong đó BHXH tự nguyện là 1,62 triệu người, tăng 202 nghìn người (tương đương 14,25%) so với cùng kỳ năm 2023.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến thông qua ngày 25/6 nêu hai phương án giải quyết BHXH một lần. Phương án một, lao động tham gia trước ngày 1/7/2025, sau 12 tháng không đóng BHXH bắt buộc lẫn tự nguyện mà đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút một lần.
Phương án hai, lao động đóng BHXH chưa đủ 20 năm, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc cũng không đóng tự nguyện thì được giải quyết tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ Hưu trí tử tuất. Số còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ khi quay lại hệ thống an sinh.
Hai phương án này được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất lần đầu hồi tháng 3/2023 trong lần lấy ý kiến về dự thảo luật sửa đổi. Sau 15 tháng bàn thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo và thẩm tra vẫn chưa thống nhất loại bỏ phương án nào do còn quá nhiều ý kiến khác nhau và "cả hai phương án đều chưa tối ưu".
Khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu.
Thứ nhất, người lao động không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng – nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già.
Người tham gia BHXH khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu sẽ được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế (từ năm 2003 đến nay, Nhà nước đã điều chỉnh tăng lương hưu 17 lần, với mức tăng từ khoảng 7,5% đến 9,3% cho mỗi lần điều chỉnh, tùy theo nhóm đối tượng).
Thứ hai, người lao động mất đi cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già, độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người.
Thứ ba, thân nhân của người lao động không được hưởng chế độ tử tuất khi không may người lao động qua đời.
Bởi nếu người đang hưởng lương hưu không may qua đời thì người lo mai táng sẽ được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu qua đời và thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hằng tháng hoặc một lần.
Thứ tư, số tiền người lao động nhận BHXH một lần thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH. Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động.
Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu người lao động hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.
Thứ năm, khi không rút BHXH một lần, khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là "của để dành" quý giá của người lao động, nó không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng.