Giải bài toán về ứng dụng công nghệ tại các tòa soạn
Mô hình tòa soạn số - xu thế tất yếu
Báo cáo Triển vọng 2023-2024 của Hiệp hội các nhà xuất bản Tin tức thế giới (WAN-IFRA) cho biết,trọng tâm đầu tư phát triển của các tòa soạn trên thế giới những năm tới sẽ nhắm vào công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Riêng với các cơ quan báo chí Việt Nam, đây là bài toán hóc búa khi rất nhiều các tòa soạn đều không chủ động được về mặt công nghệ,lại đang đối mặt với tình trạng các nguồn thu truyền thống đang ngày một sụt giảm.
Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng. 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động, 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, Chiến lược triển khai thiết kế,sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả.
Tại phiên Khai mạc Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định: “Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này”.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới.Trong đó, không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. “Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Quang Diệu - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh của cuộc cách mạng số, vấn đề tổ chức và quản lý hoạt động báo chí truyền thông đang trở thành vấn đề quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các cơ quan báo chí. Một trong những khía cạnh quan trọng của hoạt động này là tổ chức và quản trị tòa soạn. Dưới tác động của công nghệ số, mô hình quản trị tòa soạn đã và đang thay đổi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng.
Nêu thực trạng mô hình quản trị tòa soạn ở Việt Nam hiện nay, PGS.TS Trần Quang Diệu cho biết, để xây dựng mô hình tòa soạn số, chúng ta cần hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí. Quá trình chuyển đổi số cơ quan báo chí thường được thực hiện thông qua 3 giai đoạn:Giai đoạn số hóa, giai đoạn tin học hóa và giai đoạn chuyển đổi số.
Cụ thể, tại nước ta, các cơ quan báo chí đã chuyển đổi rất nhanh khi Việt Nam tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế. Chỉ trong thời gian ngắn, các cơ quan báo chí truyền thông ở Việt Nam đã chuyển đổi sang môi trường số, số hóa các dữ liệu và tin học hóa các hoạt động.
Để thực hiện xây dựng mô hình tòa soạn số, PGS.TS Trần Quang Diệu cho rằng, một cơ quan báo chítruyền thông cần bảo đảm thực hiện tốt các yếu tố: với bạn đọc, có quy trình cải tiến về công nghệ, hoạt động của tòa soạn nhằm rút ngắn thời gian sản xuất.Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ sẽ giúp các cơ quan báo chí thực hiện hiệu quả hơn việc phân tích,quản lý dữ liệu…
Trên thực tế, các cơ quan báo chí cũng đang chuyển mình, hoạt động vận hành theo mô hình tòa soạn hội tụ, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Đó chính là việc đưa nội dung trên các nền tảng số và ứng dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa hoạt động và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Từ việc xây dựng mô hình hội tụ tại các cơ quanbáo chí trọng điểm (Báo Nhân Dân; TTXVN; ĐàiTruyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam…), sẽ là nền tảng và tiền đề cho các cơ quan báo chí khác ở cả Trung ương và địa phương học tập, xây dựng mô hình phù hợp với bối cảnh của cơ quan, đơn vị mình.
Ứng dụng công nghệ - giải pháp sống còn
Các chuyên gia công nghệ đều có chung nhận định, để giúp tòa soạn tồn tại, phát triển và bắt kịp xu thế hiện đại thì việc đầu tư, ứng dụng công nghệ số là giải pháp sống còn.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024, ông Phạm Anh Chiến - Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV Digital) cho biết, VTV đang đầu tư mạnh mẽ vào các nền tảng công nghệ, tập trung vào 2 nội dung: Rating sóng - số và chiến lược TotalVTV trong sản xuất, phân phối nội dung đối với một đài truyền hình. Trong đó, vấn đề rating có ý nghĩa sống còn bởi rating cao đồng nghĩa mang lại nguồn thu lớn, từ đó sẽ đầu tư trở lại vào sản xuất nội dung trên nền tảng công nghệ.
Cũng theo ông Phạm Anh Chiến, sau nhiều năm nghiên cứu, đánh giá xu thế, VTV nhận thấy không thể tách rời sóng và số. Một sản phẩm làm ra phải được phân phối trên đa nền tảng, chạy trên một nền tảng công nghệ chung, từ đó mới đạt được hiệu quả tối đa và tiếp cận được nhiều người xem. Nắm bắt xu thế phát triển công nghệ với sóng truyền hình, VTV tiếp tục hướng đến một nền tảng công nghệ dùng chung (sản xuất, phân phối, kinh doanh sản phẩm trên cùng một nền tảng), tạo ra một kho dữ liệu lớn phục vụ việc phân tích, quyết định nên đầu tư vào công cụ gì, loại hình gì để có hiệu quả nhiều hơn. Chính những giải pháp ứng dụng số vào phát sóng đã giúp VTV phát triển khá tốt.
Thảo luận về chủ đề đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn, ông Bùi Công Duyến - Giám đốc sản phẩm Tòa soạn hội tụ ONECMS cho biết, đa số các cơ quan báo chí tại Việt Nam đều có đồng thời nhiều loại hình báo chí: In, điện tử, video clip, podcast… Nhiều cơ quan báo chí thậm chí còn phân phối nội dung của mình trên các nền tảng mạng xã hội…
Tuy nhiên, mỗi loại hình báo chí lại sử dụng các phần mềm quản lý nội dung (CMS) riêng rẽ hoặc chưa có CMS quản lý, thậm chí còn chưa có các phần mềm phục vụ hành chính trị sự như: Quản lý công việc, trang thiết bị, văn bản... Một số cơ quan báo chí dù đã ứng dụng công nghệ số, nhưng lại thiếu công cụ hỗ trợ sản xuất nhanh các tác phẩm báo chí đa phương tiện như eMagazine, longform,megastory; thiếu công cụ quản lý nội dung tập trung trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook,TikTok, YouTube, Zalo... ; ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động của tòa soạn còn hạn chế... Do đó, để khắc phục các tồn tại trên, cơ quan báo chí cần phát triển theo hướng tòa soạn hội tụ.
“Giải pháp tòa soạn hội tụ ở đây trước tiên phải được tích hợp nhiều tiện ích hiện đại như cho phép thiết kế trực tiếp các ấn phẩm đặc biệt (eMagazine,longform...); quản trị song song cả báo in và báo điện tử; gợi ý từ khóa, kiểm tra lỗi chính tả...; cho phép điều hướng một bài viết đi các ấn phẩm khác nhau,loại hình khác nhau. Ngoài ra, mô hình tòa soạn hội tụ cũng giúp tạo ra một quy trình xuất bản khép kín, giúp các cơ quan báo chí quản lý bảng tiến độ tin bài;quản lý dàn trang và biên tập, duyệt bông, cho phép copy nội dung các bài viết bằng các công cụ có sẵn và chuyển đổi sang các định dạng phông chữ khác nhau bảo đảm không bị lỗi phông trên các phần mềm dàn trang...”, ông Bùi Công Duyến phân tích thêm.
Công nghệ Blockchain là một trong những ứng dụng có tác động mạnh mẽ với hoạt động báo chí,truyền thông. Cụ thể, công nghệ này có thể được ứng dụng trong quản trị tòa soạn số, tổ chức sản xuất cũng như phát hành các sản phẩm báo chí truyền thông và đặc biệt là giúp ngăn chặn vi phạm bản quyền.
Chia sẻ với PV Tạp chí điện tử Kinh doanh và phát triển, TS. Đặng Minh Tuấn - Chủ tịch Liên minhBlockchain Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu CMC chia sẻ, ứng dụng blockchain trong tòa soạn được thể hiện qua các nội dung, gồm: Xác thực nội dung; quản lý quyền sở hữu; giao dịch quảng cáo và đối tác; theo dõi sự phân phối và tiếp thị.
Theo đó, blockchain có thể được sử dụng để xác thực và bảo vệ tính toàn vẹn của nội dung báo chí và đảm bảo rằng bài viết không bị thay đổi sau khi được công bố. Điều này giúp đối tác và độc giả tin tưởngvào tính chính xác và đáng tin cậy của nội dung.
Bằng cách ghi nhận thông tin về tác giả, ngày tạo,ngày xuất bản và quyền sở hữu trên blockchain, tòa soạn có thể bảo vệ quyền lợi của các nhà báo và tác giả, ngăn chặn việc vi phạm bản quyền và tranh chấp liên quan đến sở hữu.
Mặt khác, blockchain cung cấp một cơ chế an toàn và minh bạch để quản lý giao dịch quảng cáo và đối tác; cho phép tòa soạn theo dõi quy trình phân phối và tiếp thị báo chí một cách minh bạch; cung cấp thông tin về số lượng bản sao được in, gửi đi, bán ra và tiếp cận độc giả… Một số nội dung liên quan đến viện ứng dụng blockchain trong tòa soạn, như: Ứng dụng hợp đồng thông minh (smart contract; ứngdụng NFTs; ứng dụng Web3… cũng đang được nhiều tòa soạn quan tâm, chú ý áp dụng.
Cùng với công nghệ, vai trò của tác phẩm báo chí đa phương tiện hiện này cũng cần được chú trọng và tạo ra các nội dung hạng “sang”, nội dung chất lượng; tăng cường trải nghiệm cho người dùng; tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh số lượng độc giả giảm mạnh. Tính năng tương tác đa phương tiện xuất hiện khi mạng internet ra đời vào những năm 1990 và ngày càng phổ biến khi công nghệ được cải tiến (sự ra đời của máy tính, máy tínhbảng, điện thoại thông minh, kính thực tế ảo, pin cài áo trí tuệ nhân tạo…).
Công nghệ hỗ trợ nhà báo sản xuất và người dùngtrải nghiệm tính năng tương tác đa phương tiệntrong tác phẩm báo chí số, mang lại nhiều lợi ích cụthể như: Tăng cường trải nghiệm người dùng; truyềntải thông tin hiệu quả; tạo sự tương tác, độc đáo vàkhác biệt; và tăng khả năng lan truyền và chia sẻthông tin...
Tuy nhiên, theo nhà báo Thi Uyên, tính năng này cũng có một số nhược điểm cần xem xét, đó là tốn thời gian và công sức; tốn tài nguyên và băng thông; phức tạp trong khả năng tương thích và khó khăn khi tương thích với thiết bị di động.Để khắc phục nhược điểm của tính năng tương tác đa phương tiện, các cơ quan báo chí cần tối ưu hóa quy trình sản xuất; xây dựng giao diện người dùng thân thiện; quản lý và kiểm soát nội dung; đánh giá hiệu quả và phản hồi người dùng…
Một giải pháp khác cũng được nhà báo Thi Uyên đề cập là sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là AI tạo sinh trong sản xuất tác phẩm tương tác đa phương tiện. Nói một cách khác, đó là sử dụng công nghệ để khắc phục nhược điểm của công nghệ. “AI tạo sinh đang được sử dụng trong báo chí với 8 mục đích chính: Tóm tắt bài viết, tạo tiêu đề, biên tập,ghi chú và giải băng, biên dịch, tạo hình ảnh, tạo bài viết, tạo kênh truyền hình, người dẫn chương trình ảo. Theo đó, AI đã giúp các toà soạn tiết kiệm được thời gian, nhân lực và chi phí sản xuất - vốn là một trong những điểm yếu lớn của tác phẩm báo chí có tính năng tương tác đa phương tiện”, nhà báo Thi Uyên cho biết thêm.
- Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh: Nguồn thu từ độc giả là nguồn thu bền vững của báo chí
- Báo chí cách mạng Việt Nam với sự nghiệp phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân