ISSN-2815-5823

Giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng chỉ đạt 52,43% kế hoạch

(KDPT) - Bộ Tài chính cho biết, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước 11 tháng năm 2022 mới đạt 52,43% kế hoạch.

Trong số đó, vốn trong nước đạt 60,25% (cùng kỳ năm 2021 đạt 69,19%), vốn nước ngoài đạt 27,99% (cùng kỳ năm 2021 đạt 21,51%).

Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được xây dựng theo quy hoạch nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai II của TP Hà Nội
Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được xây dựng theo quy hoạch nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai II của TP Hà Nội

Theo Bộ Tài chính, hiện có 16 bộ và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60% như Thanh tra Chính phủ, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đạt 100%, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đạt 99,47%. Tuy nhiên vẫn còn 27 bộ và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50% như Thành phố Hồ Chí Minh đạt 25%, Hà Giang đạt 31,4%, Cao Bằng đạt 32,6%

Ngoài các đơn vị đã điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2022, hiện Bộ Tài cính tiếp tục nhận được văn bản đê nghị giảm kế hoạch vốn năm 2022 của 22 bộ, cơ quan trung ương với tổng số vốn đề nghị điều chỉnh giảm là hơn 7.969,9 tỷ đồng.

Để đẩy mạnh tiến độ giải ngân, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo tại các nghị quyết và chỉ thị của Chính phủ; đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp với tiến độ thực hiện.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có Công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Công điện nêu rõ, trong những tháng còn lại của năm 2022, trước xu hướng biến động ngày càng phức tạp, khó lường hơn của thế giới, kinh tế nước ta dự báo phải đối mặt với nhiều nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đối với thị trường tài chính, tiền tệ và hoạt động xuất nhập khẩu.

Để duy trì động lực phục hồi, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 khoảng 8%, các cấp, các ngành tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, coi đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng, là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành. Từ đó, góp phần phát huy hiệu quả phối hợp giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2022.

Để phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng kịp thời hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng phù hợp diễn biến giá thị trường; ban hành các quy định về sử dụng vật liệu mới thay thế cho các dự án, công trình xây dựng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu để xử lý tháo gỡ các vướng mắc về đất đai theo phản ánh của các địa phương trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai; hướng dẫn ngay các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về quy trình cấp phép mỏ, khai thác mỏ nguyên, vật liệu phục vụ cho dự án đầu tư công.

Bộ Công Thương theo dõi sát sao diễn biến tình hình, kiểm soát và có biện pháp kịp thời, hiệu quả theo quy định để đảm bảo nguồn cung và ổn định giá cả của nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, đặc biệt là xăng, dầu, sắt thép, vật liệu xây dựng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung xử lý kịp thời bảo đảm đúng thời hạn về việc có ý kiến theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định đối với việc chuyển đổi đất rừng đối với các dự án đầu tư công.

Thủ tướng cũng yêu cẩu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả hơn việc giải ngân vốn đầu tư công.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine