ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ ba, 17h07 26/09/2023

Giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số hiện nay

(KDPT) - Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng, cuộc chiến về bảo vệ bản quyền đang ngày càng gay cấn và thách thức hơn bao giờ hết. Việc số hóa trong các lĩnh vực như: truyền hình, âm nhạc, điện ảnh đã và đang mang đến những thách thức chưa từng có trong việc bảo mật và bảo vệ bản quyền nội dung.

Tiềm năng phát triển sáng tạo nội dung số tại Việt Nam

Sáng tạo nội dung trên không gian số cần được bảo vệ một cách an toàn. Ảnh minh họa

Chia sẻ về tiềm năng phát triển sáng tạo nội dung số tại Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT - Truyền thông, Bộ TT&TT cho biết: "Lĩnh vực sáng tạo nội dung số đang phát triển rất nhanh ở Việt Nam, với mức doanh thu ghi nhận đến 800 triệu USD năm 2022. Ngành công nghiệp công nghệ thông tin khác với các ngành còn lại. Khi các ngành sản xuất chủ yếu dựa trên máy móc thì ngành công nghiệp thông tin chủ yếu dựa trên con người. Khi các ngành công nghiệp sản xuất dựa trên vật liệu thì ngành công nghệ thông tin dựa trên dữ liệu, do đó để thức đẩy công nghệ thông tin chúng ta cần có chính sách đặc thù".

Trong 5 năm qua, sản phẩm nội dung số ngày càng đa dạng, không chỉ bao gồm tin tức, giải trí, giáo dục, thể thao… từ báo chí, truyền hình chuyển dịch lên không gian số. Sáng tạo nội dung số giờ đây còn bao gồm sản xuất nội dung và kiếm tiền trên các nền tảng xuyên biên giới miễn phí (YouTube, Facebook, TikTok…); kinh doanh âm nhạc, phim và chương trình truyền hình trực tuyến (Spotify, Amazon Music, Netflix…); cung cấp hình ảnh, video, tranh, bản vẽ thiết kế, giáo dục trực tuyến; phát hành trò chơi trực tuyến (games online). Đây đang và sẽ được xem là ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển, đem lại nguồn kinh tế lớn cho đất nước.

Vấn đề bản quyền nội dung số đang bị đe dọa

Theo ghi nhận của Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA), khi số người tiêu thụ nội dung số tăng thì số người dùng trái phép nội dung vi phạm bản quyền cũng tăng. VDCA ước tính số lượng người tiêu thụ nội dung video vi phạm bản quyền năm 2022 là 15,5 triệu người, làm thất thoát gần 350 triệu USD, chiếm 18% doanh thu ngành video hợp pháp. Ðến năm 2027, con số này có thể tăng đến hơn 19 triệu người, làm thất thoát hơn 450 triệu USD.

Tại tọa đàm “Giải bài toán bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp âm nhạc - điện ảnh - truyền hình số” diễn ra vừa qua, theo ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm bản quyền Nội dung số, Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), việc ngăn chặn vi phạm bản quyền được cơ quan chức năng nỗ lực xử lý xong vẫn gặp không ít khó khăn. Cuộc cách mạng số hóa cũng mang đến những thách thức chưa từng có trong việc bảo mật và bảo vệ bản quyền nội dung, yêu cầu ra đời các giải pháp mới để bảo vệ nội dung khỏi hàng loạt các rủi ro về xâm hại bản quyền.

“Các biện pháp chặn tên miền cũng đã được thực thi tại Việt nam; các giải pháp quản lý quyền kỹ thuật số (DRM) như Widevine, FairPlay và PlayReady đã được triển khai để ngăn chặn truy cập và phân phối trái phép, nhưng các giải pháp bảo vệ bản quyền hiện tại vẫn chưa đủ sức bảo vệ và cần một phương pháp đa chiều để giải quyết các rủi ro đang hiện hữu. Đặc biệt, vấn đề mà các nhà cung cấp nội dung đối mặt trong lỗ hổng DRM trước hết là việc lợi dụng sự giả mạo gói tin để đánh lừa máy chủ ủy quyền (License Server) và qua mặt việc xác thực cấp quyền lấy nội dung cho các tài khoản không đủ tin cậy”, ông Hải cho hay.

Bên cạnh những lỗ hổng của DRM, các nhà cung cấp truyền hình OTT và các hãng phát hành trực tuyến phải đối mặt với một loạt các rủi ro khác đòi hỏi các giải pháp bảo vệ bản quyền toàn diện như: Việc dùng thiết bị quay màn hình để phát lại hay vấn đề khai thác các Mạng riêng ảo (VPN) để né tránh hạn chế địa lý, cho phép truy cập nội dung từ quốc gia này phân phối nội dung trái phép tại một quốc gia khác...

Ứng dụng giải pháp công nghệ tạo thành "tấm khiên" bảo vệ bản quyền

Một trong những giải pháp công nghệ được giới chuyên gia đánh giá là tạo ra “lá chắn” toàn diện hơn trong việc bảo vệ bản quyền nội dung số là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Đây được xem là giải pháp đổi mới vượt xa các hạn chế của các giải pháp truyền thống, cung cấp một cơ chế phòng thủ linh hoạt và tích cực, chủ động phát hiện và thông báo các nguy cơ vi phạm bản quyền.

Công nghệ sẽ là "tấm khiên" cho việc bảo vệ bản quyền nội dung số. Ảnh minh họa

Các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến có thể phát hiện và rà soát mọi hoạt động trao đổi dữ liệu trong quá trình phân phối nội dung trên internet. Giải pháp này đã được các tập đoàn sáng tạo nội dung số lớn trên thế giới triển khai, trong đó có YouTube với hệ thống ContentID biến hãng này thành một “cỗ máy” kiếm tiền hàng đầu trong ngành công nghiệp sáng tạo.

Về góc độ hỗ trợ chống vi phạm bản quyền, ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin-Truyền thông lấy thí dụ tham khảo là mô hình đánh mã sản phẩm nội dung số tự động của Hàn Quốc. Với hệ thống này, khi tác giả đăng tải sản phẩm số (có thể là hình ảnh, video, trò chơi trực tuyến…) sẽ được phân tích nội dung và cấp một mã đánh dấu trên môi trường số. Sản phẩm có mã này khi hoạt động ở vùng khác vẫn được nhận diện, bảo vệ. Hàn Quốc và Ðức là hai trong số các quốc gia đã liên kết với bốn hệ thống mã sản phẩm lớn nhất thế giới.

Theo các chuyên gia, với môi trường phân phối nội dung ngày càng rộng lớn và vấn đề vi phạm bản quyền nội dung số ngày càng phức tạp, đối mặt với các mối đe dọa kỹ thuật số đa dạng là vấn đề sẽ tồn tại trong môi trường kỹ thuật số, bên cạnh những chính sách điều hành, quản lý, yếu tố công nghệ cũng sẽ đóng vai trò rất quan trọng.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024