ISSN-2815-5823

Giải pháp phát triển hạ tầng xanh hướng tới xây dựng đô thị bền vững

(KDPT) - Phát triển đô thị bền vững trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng là nhu cầu cấp bách hiện nay. Sự quá tải và ô nhiễm ở các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay đặt ra nhu cầu tất yếu của việc hình thành và phát triển đô thị xanh, bền vững.

Phát biểu tại hội thảo "Phát triển hạ tầng xanh hướng tới xây dựng đô thị bền vững" tổ chức mới đây của Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, định hướng phát triển đô thị xanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm sự hài hòa, đồng thời cũng là chủ trương, chính sách hàng đầu của Đảng, Nhà nước trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Phát triển đô thị bền vững trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng là nhu cầu cấp bách hiện nay, cần có sự chung tay của các cấp chính quyền và toàn xã hội. Sự quá tải và ô nhiễm ở các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay đặt ra nhu cầu tất yếu của việc hình thành và phát triển đô thị xanh, bền vững.

PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam
PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam

Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị theo hướng bền vững, việc tìm hiểu và ứng dụng các nghiên cứu về hệ thống hạ tầng xanh cần được quan tâm một cách đúng mức. Hệ thống hạ tầng xanh đóng góp phần không nhỏ vào việc phát triển đô thị bền vững nói chung và cho các đô thị của Việt Nam nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và chỉ số phát triển địa phương, vùng quốc gia. Phó Chủ tịch Phạm Quang Thao mong rằng các đại biểu tại hội thảo sẽ làm rõ nét hơn, đầy đủ hơn nội hàm của khái niệm hạ tầng xanh, từ đó sẽ có những thảo luận, đề xuất giải pháp góp phần hoạch định chính sách phát triển hạ tầng xanh hướng tới xây dựng đô thị bền vững tại Việt Nam.

Theo PGS. TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Việt Nam đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh. Tính đến tháng 12/2024 tỷ lệ đô thị hoá ở Việt Nam là 44,3% với 900 đô thị: Loại đặc biệt: 2; Loại I: 23; Loại II: 37; Loại III: 46; Loại IV: 96; Loại V: 696. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra với chất lượng chưa đồng đều, thiếu định hướng xanh và bền vững.

Theo thống kê, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày trong đó phần lớn là đến từ đô thị (60%). Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là 2 đô thị có lượng rác thải lớn nhất: Hà Nội mỗi ngày phát sinh khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt, TP.HCM phát sinh trung bình 13.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó gần 80% được xử lý bằng hình thức chôn lấp, chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh. Diện tích cây xanh bình quân đầu người còn thấp: Tại thành phố Hà Nội, diện tích cây xanh bình quân đạt khoảng 2 m²/người. TP.HCM ước tính chỉ đạt 0,55 m²/người, thấp hơn rất nhiều so với mức khuyến nghị của WHO là ≥9 m²/người.

Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với những thách thức đô thị hóa nhanh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và suy giảm không gian công cộng, yêu cầu chuyển đổi mô hình phát triển hạ tầng theo hướng xanh là tất yếu. Dựa trên cơ sở lý luận, bài học quốc tế và hiện trạng trong nước, nhóm giải pháp xanh hóa hạ tầng cần được tiếp cận một cách hệ thống, đa ngành và có tính liên kết chiến lược.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Trao đổi về việc phục hồi dòng chảy sinh thái các sông thoát nước nội đô góp phần phát triển bền vững thành phố Hà Nội, TS Trần Đức Hạ, nguyên giảng viên cao cấp Đại học Xây dựng cho rằng, các sông nội đô là sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét gắn liền với lịch sử phát triển trên 1000 năm của Hà Nội, có ý nghĩa lớn về văn hóa, lịch sử và tâm linh của Thủ đô. Các sông này tạo nên khung sinh thái trung tâm thành phố, lại có vai trò là địa điểm vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân Hà Nội và du khách. Tuy nhiên sự phát triển đô thị đã làm cho nước bị ô nhiễm nặng. Cần dựa vào các Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, Quy hoạch xây dựng chung, Quy hoạch thoát nước… để xây dựng các kế hoạch phục hồi dòng chảy các sông nội đô cho hợp lý.

Bàn luận về tiêu chí giao thông xanh và chỉ tiêu đánh giá hệ thống giao thông trong quy hoạch đô thị, TS Thân Đình Vinh, Trưởng Bộ môn Giao thông, Khoa Đô thị, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cho rằng, tiêu chí đánh giá giao thông xanh tại Việt Nam đã bước đầu được nghiên cứu, tổng hợp và đã được đưa vào văn bản pháp luật tại Thông tư 01/2018/TT-BXD quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh. Tuy vậy, đây mới là đô thị tăng trưởng xanh chứ chưa phải là đô thị xanh. Vậy, cần phải ban hành văn bản pháp luật quy định tiêu chí giao thông xanh. Hơn nữa hiện nay để cụ thể một số tiêu chí giao thông xanh thành chỉ tiêu thì cần rất nhiều nguồn lực để thực hiện và đòi hỏi có thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu.

Chuyển đổi số phát triển hạ tầng xanh cũng là chủ đề thảo luận dành được nhiều sự quan tâm tại hội thảo. Theo TS. Hán Minh Cường, đại diện Công ty CP tập đoàn SGroup Việt Nam, song song với xu hướng đô thị xanh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ số, trong đó nổi bật là Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là hai công nghệ trụ cột định hình nên các đô thị thông minh (smart cities) trên thế giới hiện nay. Thực tế, nhiều thành phố tiên tiến đã áp dụng IoT và AI trong quản lý hạ tầng đô thị và đạt được những kết quả tích cực về môi trường.

Ứng dụng IoT và AI trong phát triển hạ tầng xanh là xu hướng tất yếu và đầy tiềm năng. Đối với Việt Nam, nơi quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, việc nắm bắt và triển khai hiệu quả các công nghệ này sẽ góp phần quan trọng giúp đô thị phát triển theo hướng bền vững./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 13/06/2025