Giải pháp tạo động lực sáng chế và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ
Ông Nguyễn Việt Long - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương phát biểu |
Hội thảo “Giải pháp tạo động lực sáng chế và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ” do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ; Sở KH&CN tỉnh Bình Dương, Hiệp Hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam và Hội Sáng chế Việt Nam phối hợp tổ chức.
Hội thảo được tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp tăng cường kiến thức và phát triển đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo phục vụ sản xuất kinh doanh hiệu quả. Đồng thời tạo sự liên kết chuyển giao, đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng và đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển bền vũng trên bước đường hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông Nguyễn Việt Long - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Dương - cho biết: Sự kiện sẽ góp phần kết nối và chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, phát triển và thương mại hóa sáng chế, tài sản trí tuệ, cách thức mà KH,CN&ĐMST được ứng dụng để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KH&CN. Đồng thời kết nối nguồn lực, thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp… góp phần đẩy mạnh công tác thương mại hóa sáng chế, tìm ra các giải pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ khai thác thương mại sáng chế và phát triển doanh nghiệp KH&CN.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Phùng Minh Hải - Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ cho rằng hoạt động thương mại hóa sáng chế đang ngày càng được Nhà nước và doanh nghiệp quan tâm.
Điều đó được thể hiện qua các văn bản pháp luật như Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022, Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Chiến lược phát triển tài sản trí tuệ đến 2030, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030...
“Qua các chương trình, hiệu quả sử dụng quyền sở hữu trí tuệ được nâng cao và gia tăng đáng kể số lượng sản phẩm có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao: Tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8-10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; có ít nhất 1-2 giống cây trồng được khai thác quyền ở nước ngoài; phấn đấu đến năm 2030 doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên quyền tác giả, quyền liên quan đóng góp khoảng 7% GDP, phát triển một số ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao”, ông Hải cho biết.
Các doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, hàng trăm công nghệ, quy trình công nghệ được hấp thu và làm chủ, hàng chục bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được đăng ký bảo hộ, năng suất lao động trung bình tăng mạnh (trong đó một vài doanh nghiệp có năng suất lao động tăng gấp 5,4 lần).
Ông Lý Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Minh Long I) đã trình bày tham luận với chủ đề “Tiên phong chất lượng và thành tựu khoa học công nghệ trong doanh nghiệp” từ kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp với nhiều sáng chế, cải tiến kỹ thuật, đổi mới sáng tạo và ứng dụng KH&CN trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Toàn cảnh hội thảo |
Đáng chú ý, Hội Sáng chế Việt Nam có tham luận đánh giá về hoạt động chuyển giao công nghệ của các nhà sáng chế Việt Nam trong nước và quốc tế. Còn đại diện đến từ Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác công nghệ cũng thông tin về các quy định, cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ khai thác thương mại sáng chế và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, đại diện các cơ quan và doanh nghiệp cũng cùng thảo luận mở xoay quanh vấn đề bàn về giải pháp tạo động lực khai thác thương mại hóa sáng chế và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ; giải pháp kết nối nguồn lực thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp khoa học công nghệ...