Giáo sư, Viện sĩ, Nhà giáo Nhân dân Phạm Minh Hạc với sự phát triển khoa học giáo dục Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá: Giáo sư Phạm Minh Hạc là một nhà khoa học, nhà giáo, một nhà quản lý, một chính trị gia, một nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực giáo dục, đã có nhiều đóng góp nổi bật, to lớn cho giáo dục nước nhà.
Hoạt động khoa học và thực tiễn của Giáo sư Phạm Minh Hạc để lại cho những người quản lý giáo dục ngày nay nhiều bài học quan trọng. Trong đó có bài học về việc phát triển khoa học tâm lý, lấy khoa học tâm lý làm gốc căn cơ nền tảng để phát triển khoa học giáo dục. Đó là tầm nhìn xa về chính sách trong giáo dục, là tinh thần bám sát thực tiễn, tinh thần đề cao công bằng trong giáo dục, tinh thần nhân văn trong giáo dục…
Trong vai trò là người đứng đầu ngành giáo dục, Giáo sư đã có nhiều đề xuất và chỉ đạo triển khai mục tiêu quốc gia về xóa nạn mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000… Những kinh nghiệm chỉ đạo thực tiễn giáo dục nước nhà của Giáo sư hiện vẫn còn nhiều ý nghĩa tham khảo đối với công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay, đặc biệt là phát triển nền giáo dục hướng tới phát triển con người một cách toàn diện theo tinh thần chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hội thảo khoa học đã nhận được hơn 30 tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý và đội ngũ cán bộ, giảng viên trong cả nước. Nội dung các tham luận đã khẳng định những đóng góp quan trọng của Giáo sư Phạm Minh Hạc đối với sự phát triển của giáo dục.
Theo đó, Giáo sư Phạm Minh Hạc đã công bố một khối lượng lớn các công trình nghiên cứu khoa học. Trong đó có những công trình đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau. Nhiều công trình nghiên cứu của Giáo sư đã luận giải, khái quát nhiều khái niệm, phạm trù khoa học mới về tâm lý học, giáo dục học, góp phần bổ sung, phát triển, làm phong phú lý luận về tâm lý học và giáo dục học hiện đại.
Giáo sư cũng có những công trình nghiên cứu về triết lý giáo dục Việt Nam; nghiên cứu về giá trị học, giá trị con người Việt Nam, giá trị bản thân; nghiên cứu về con người…. Những công trình này không chỉ có giá trị định hướng, dẫn dắt cho xu hướng phát triển của lý luận, thực tiễn giáo dục Việt Nam trong các thời điểm mang tính bước ngoặt, mà còn là cơ sở khoa học để đề xuất các chủ trương, chính sách đổi mới, phát triển giáo dục đào tạo trong bối cảnh hội nhập, hợp tác quốc tế.
- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời tri ân nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam
- Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11: Người thầy của muôn đời