Nâng cao chất lượng chuyển đổi số trong giáo dục đại học
Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm
Tại Việt Nam, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2018. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia vào ngày 3/6/2020. Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ vào sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số.
Chuyển đổi số trong giáo dục có thể được hiểu là quá trình thay đổi tổng thể, toàn diện cách thức giảng dạy, học tập, quản lý trong giáo dục. Chuyển đổi số trong giáo dục đại học cũng là một tất yếu khách quan vì những lý do như: Góp phần tích cực vào việc hỗ trợ thầy cô trong việc giảm tải một số công việc như điểm danh, chấm bài, sử dụng các ứng dụng công nghệ hiện đại để làm sinh động bài giảng.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số giúp cho sinh viên có tài liệu học tập hiệu quả, đang dạng hóa hình thức học tập, cập nhật yêu cầu nhiệm vụ nhanh chóng thuận lợi. Chuyển đổi số còn giúp các nhà quản lý thực hiện công việc một cách thuận tiện, nhanh chóng. Chính vì những lý do đó mà các trường đại học đang tích cực thực hiện chuyển đổi số, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và khẳng định thương hiệu cho bản thân.
Chuyển đổi số hỗ trợ sinh viên có quá trình học tập hiệu quả hơn. (Ảnh minh họa) |
Tại hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học và chuyên nghiệp” diễn ra mới đây, PGS.TS. Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết, trọng tâm chuyển đổi số trong giáo dục đại học là phát triển các phần mềm ứng dụng, có thể giải quyết các bài toán giảng dạy, học tập và vận hành một trường đại học sao cho hiệu quả hơn, nhanh hơn và chính xác hơn. Hiện nay, việc chuyển đổi số rất thuận lợi vì có rất nhiều công nghệ tốt, hạ tầng tốt, nhân lực tốt…
Theo PGS.TS. Phạm Ngọc Linh, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định phải đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ cơ bản của giáo dục đại học.
PGS.TS. Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: Vusta) |
Việc đẩy mạnh việc chuyển đổi số giúp cho người dạy và người học nhanh chóng thích nghi và sử dụng những phương thức mới, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong dạy và học, sử dụng công cụ đánh giá và đối sánh chất lượng theo thông lệ quốc tế để đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục, PGS.TS. Phạm Ngọc Linh nhấn mạnh.
Chuyển đổi số trong giáo dục đại học đã hỗ trợ quá trình giáo dục, đào tạo được diễn ra liên tục ngay cả những lúc điều kiện dịch Covid-19 bùng phát. Chuyển đổi số đã cung cấp những công cụ số hỗ trợ đổi mới giáo dục, đào tạo theo hướng tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập, tăng khả năng tự học, tự nghiên cứu; tạo cơ hội học tập ở mọi lúc, mọi nơi và học tập suốt đời.
Cần thu hẹp khoảng cách với các nước trên thế giới
Theo PGS.TS. Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đã giúp giáo dục đại học (GDĐH) có chuyển biến tích cực cả về chất lượng, hiệu quả và mức độ tiếp cận của người dân. Ngày càng có nhiều cơ sở GDĐH Việt Nam lọt vào các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ về xu hướng chuyển đổi số. (Ảnh: Duyên Nguyễn) |
"Tuy nhiên, theo đánh giá chung giai đoạn 2013-2022, hệ thống GDĐH Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc nhưng chưa đủ tầm bứt phá để thu hẹp khoảng cách so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới", ông Dũng nói.
Vẫn còn nhiều khó khăn cần vượt qua khi chuyển đổi số GDĐH. Cụ thể, các chỉ số chính của hệ thống về quy mô đào tạo, năng lực đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ đều còn thấp, đặc biệt là nguồn lực đầu tư công và tư đều rất thấp so với khu vực và thế giới.
Cùng với đó, cũng phải có những thay đổi nhanh chóng và quyết liệt. Việc đầu tiên là phải thay đổi nhận thức, các trường đại học phải nhận thức được chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là vấn đề trọng tâm trong giai đoạn hiện nay để thực hiện nhanh tạo cơ hội xác lập được vị thế của mình trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, việc nhận thức đúng tầm quan trọng và xu hướng tất yếu của sự phát triển trong giáo dục đại học để triển khai thực hiện nhiệm vụ mới sẽ gặp không ít khó khăn, bởi đây là việc chưa có tiền lệ, khi triển khai những vấn đề mới mẻ thường sẽ vấp phải những sự phản đối, những ý kiến trái chiều nhất là đối với các trường đại học công lập vẫn còn làm việc theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân quản lý.
Công tác tuyên truyền, phổ biến nhận thức về chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chưa được triển khai sâu rộng; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa có sự chuyển biến, chưa hiểu, chưa thấy được hiệu quả của công cuộc chuyển đổi số trong hoạt động điều hành; người dân và doanh nghiệp chưa có nhu cầu và chưa thấy được lợi ích khi tham gia chuyển đổi số.
Theo Đại diện Viện sáng tạo và chuyển đổi số, PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh - Chủ tịch Hội đồng khoa học đã đưa ra 4 mục tiêu chính chuyển đổi số trong GDĐH gồm: Nâng cao trải nghiệm của sinh viên; nâng cao năng lực cạnh tranh; tạo văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu; tối ưu hóa tài nguyên.
Để thực hiện chuyển đổi số thành công cần nâng cao kiến thức kỹ thuật số; tăng cường “Lực lượng đặc nhiệm” về công nghệ thông tin và kỹ thuật số; khảo sát các công nghệ một cách triệt để để áp dụng; tích hợp và khai thác sức mạnh của dữ liệu số; tự động hóa các quy trình.
Để chuyển đổi số giáo dục thành công, PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh cho rằng, cần phải có quy hoạch tổng thể, theo lộ trình thích hợp, thực hiện đủ 3 biện pháp về thể chế, công nghệ và con người để đảm bảo khả năng thành công của dự án chuyển đổi số.
Thêm vào đó, các trường đại học cần đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin nhằm phục vụ công cuộc chuyển đổi số một cách nhanh chóng, thuận lợi. Xây dựng các giải pháp tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, hệ thống an toàn, an ninh mạng (SOC) phục vụ tốt cho việc lưu trữ và bảo mật cơ sở dữ liệu, tránh nguy cơ bị tấn công mạng, đánh cắp cơ sở dữ liệu... tại các trường đại học.
Nhà nước cần có chính sách quan tâm, hỗ trợ, đầu tư giúp cho các trường đại học chuyển đổi số một cách thuận lợi. Hoạt động chuyển đổi số hiện nay vẫn còn đang trong tình trạng mạnh ai nấy làm, chưa có sự đồng bộ cả về lộ trình, cách thức, phương pháp. Nhà nước cũng cần có chính sách ưu đãi về cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính…, tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học thực hiện chuyển đổi số nhanh nhất và thuận lợi nhất./.