ISSN-2815-5823

Góc nhìn condotel tại Việt Nam từ việc chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết

(KDPT) – Câu chuyện về căn hộ du lịch (condotel) lại một lần nữa nóng lên, khi sáng ngày 1/12, rất đông các nhà đầu tư (NĐT) từ khắp nơi đã tập trung trước trụ sở của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC tại 265 đường Cầu Giấy (Hà Nội) để yêu cầu thanh toán lợi nhuận theo đúng hợp đồng đã ký kết tại dự án FLC Grand Halong Bay (FLC Hạ Long).

Condotel – “Nỗi đau âm ỉ”

Cách đây đúng một năm, khi chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng có thông báo về việc ngừng chính sách cam kết lợi nhuận 12%/năm đã tạo nên một cuộc tháo chạy khỏi các dự án condotel. Nhiều chuyên gia kinh tế, bất động sản lên tiếng cảnh báo về loại hình bất động sản này do yếu tố pháp lý còn chưa được hoàn thiện.

Trên thực tế, gần đây cũng đã có một số chủ đầu tư “thất hứa” với khách hàng về khoản lợi nhuận cam kết này, nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ trì hoãn, chây ì…

Câu chuyện về condotel đã “nóng” lên một thời gian rồi giãn ra do các yếu tố khác nhau. Tuy nhiên đã có rất nhiều lời cảnh báo về rủi ro cam kết lợi nhuận, về tính pháp lý chưa rõ ràng nhưng thị trường condotel vẫn đang được thúc đẩy và sản phẩm chủ yếu được phát triển dựa trên sự kỳ vọng chứ không phải cơ sở thực tế.

Thống kê từ Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho hay, cả nước hiện có khoảng 82.900 condotel, 28.100 biệt thự du lịch, 15.660 nhà phố du lịch. Các dự án condotel tập trung chủ yếu tại các địa phương có thế mạnh du lịch như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Sau những bài học “đau lòng” từ nhiều dự án condotel, nhiều chuyên gia cho rằng, khi Nhà nước chưa đồng ý cấp sổ đỏ cho condotel, người dân nên tìm hiểu kỹ, tránh hiểu nhầm. Chủ đầu tư cần cân nhắc nếu quyết định tiếp tục đầu tư vào loại hình bất động sản này trong giai đoạn hiện tại. Lời khuyên đưa ra từ các chuyên gia là, để được bảo vệ quyền lợi, tránh bị lợi dụng, khách hàng mua sản phẩm này hãy chờ sự ra đời một khung pháp lý hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, với mức cam kết lợi nhuận cao cùng nhiều lý do khác, condotel vẫn là “miền đất hứa” với các NĐT. Và mới đây FLC Hạ Long là dự án bị các NĐT réo tên khi vướng vào lùm xùm thanh toán hợp đồng.

Lợi nhuận trả bằng “thẻ”

NĐT căng biểu ngữ đòi FLC thực hiện đúng cam kết.

FLC Hạ Long là dạng khách sạn 5 sao, mỗi căn có diện tích từ 44 m2 trở lên, trong một ngày có thể đáp ứng 1.300 khách du lịch. Dự án có diện tích 157 ha, đầu tư 10.000 tỉ đồng (chủ yếu do các NĐT góp vốn) khởi công ngày 20/3/2016, đưa vào sử dụng từ cuối 2018.

Được biết ngay từ khi được đưa vào sử dụng, FLC Hạ Long đã đón hàng nghìn lượt khách. NĐT cũng được Công ty TNHH Đầu tư & Phát triển FLC Hạ Long (bên A) cam kết lợi nhuận cao, do đó hàng trăm người đã “xuống tiền” để đầu tư vào dạng condotel này.

Tuy nhiên, theo các NĐT, đến nay FLC Hạ Long đã không thực hiện đúng theo cam kết giữa FLC và các NĐT. Cụ thể, NĐT sẽ nhận được lợi nhuận thành 2 kỳ/ năm. Tuy nhiên đến nay FLC Hạ Long còn nợ nhà đầu tư lợi nhuận của kỳ 2 năm 2019 và kỳ 1 năm 2020.

Cũng theo các NĐT, FLC Hạ Long đã đưa ra phương án quy đổi tiền thuê căn hộ định kỳ sang hình thức thanh toán mới bằng tiền mặt kết hợp thẻ nghỉ dưỡng/thẻ máy bay, do Tập đoàn FLC cũng như các đơn vị thành viên phát hành. Theo đó khách hàng sở hữu thẻ của FLC sẽ được quyền sử dụng số dư trong thẻ để thanh toán cho việc mua vé máy bay Bamboo Airways hoặc sử dụng các dịch vụ tại tất cả các quần thể nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC hay mua bất động sản của Tập đoàn.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư không đồng ý với phương án này. Họ cho rằng không phải ai cũng có nhu cầu sử dụng các sản phẩm của FLC, một số người vẫn đang nợ tiền ngân hàng do đầu tư vào đây nên cần tiền để thanh toán… Hai bên hiện chưa đưa ra được tiếng nói chung, dẫn tới tình trạng các NĐT kéo đến trụ sở của tập đoàn FLC căng biểu ngữ, băng rôn phản đối.

Trụ sở FLC GROUP.

Theo tìm hiểu của phóng viên, có tới hơn 300 NĐT rót tiền vào dự án FLC Hạ Long, hầu hết đã thanh toán 95% hợp đồng, chỉ còn 5% để “ra sổ đỏ”. Theo chị Thanh (Quảng Ninh), một NĐT nói với Kinh doanh và Phát triển, các NĐT nhận thấy sức hấp dẫn của dự án này, và mong muốn được sở hữu lâu dài, mặc dù khuôn khổ pháp lý cho loại hình condotel vẫn chưa hoàn chỉnh.

Hiện tại, mâu thuẫn giữa các NĐT và FLC vẫn chưa được giải quyết, dẫn tới tình trạng NĐT hoang mang, lo lắng vì khoản đầu tư của mình bị “giam” tại đây.

Về phía FLC, hồi tháng 6/2020, Tập đoàn này cho biết, kể từ thời điểm ký kết hợp đồng với các NĐT cho đến nay, FLC Hạ Long đã thực hiện thanh toán tiền thuê đầy đủ cho khách hàng trong năm 2018 và một phần kỳ 1 năm 2019. Đối với phần tiền thuê còn lại đã đến hạn thanh toán, FLC Hạ Long đã có kế hoạch để thanh toán cho khách hàng trong đầu năm 2020.

Tuy nhiên từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bất ngờ phát sinh đã làm ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp đến các nguồn thu từ hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng cũng như nguồn quỹ dự phòng, chi phí để khắc phục thiệt hại từ dịch bệnh. Biến cố đột ngột này khiến FLC Hạ Long gặp khó khăn trong kế hoạch thu xếp dòng tiền và kế hoạch chi trả tiền thuê. Tập đoàn này cũng thể hiện mong muốn khách hàng giữ thái độ bình tĩnh.

Kinh doanh và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vấn đề này.

DUY VINH

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 13/05/2024