Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đang được triển khai xây dựng.
Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đang được triển khai xây dựng.

Theo UBND thành phố Hà Nội, Dự án đang triển khai thực hiện 10/10 gói thầu chính. Quá trình thực hiện dự án mặc dù Ban QLDA đường sắt đô thị Hà Nội (chủ đầu tư) đã nỗ lực, cố gắng trong quản lý, triển khai nhưng tiếp tục gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu. Tính đến thời điểm hết tháng 8/2022, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 75%, trong đó tiến độ thi công đoạn tuyến trên cao đạt 96,3%.

Dựa trên các phân tích về nguyên nhân chậm tiến độ dự án, UBND Hà Nội đề xuất HĐND TP xem xét phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2009-2022 thành 2009-2027, chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng.

Lý giải việc gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến năm 2027, UBND Hà Nội cho biết tiến độ hoàn thành toàn tuyến chủ yếu phụ thuộc vào tiến độ thực hiện gói thầu CP03 – hầm và các ga ngầm. Chủ đầu tư đã thống nhất với nhà thầu điều chỉnh tiến độ thi công của gói thầu này là 56,5 tháng, tương đương 4,7 năm.

Đồng thời, việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng và di dời các công trình bị ảnh hưởng bởi thi công tuyến hầm và các ga ngầm, đến nay, chủ đầu tư đã dự kiến đến tháng 10 bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu gói thầu CP03.

Vì vậy, việc xác định tiến độ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2027 được căn cứ vào thời hạn thi công của gói thầu trên là 56,5 tháng.

UBND thành phố đang chỉ đạo các cấp có thẩm quyền gồm UBND quận Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Đống Đa, Thanh tra thành phố, Sở TN&MT tiến hành giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Tờ trình, UBND Thành phố Hà Nội đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2009 – 2022 thành 2009 – 2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng), trong đó, đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2022; đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào năm 2027 (gồm cả đoạn ngầm).

Về tổng mức đầu tư dự án, UBND thành phố đề xuất tăng từ 32.910 tỷ đồng lên 34.826 tỷ đồng, tăng thêm hơn 1.900 tỷ đồng. Nguồn vốn bổ sung cho phần tăng thêm sử dụng từ ngân sách Nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Như vậy, phần vốn ngân sách thành phố đầu tư cho dự án này tăng gần 3.900 tỷ đồng, trong khi phần vốn vay ODA giảm gần 2.000 tỷ đồng.

Theo chủ đầu tư, nguyên nhân dẫn đến thay đổi tổng mức đầu tư gồm sự biến động của tỷ giá quy đổi, điều chỉnh khối lượng công việc hợp đồng, do các chậm trễ tiến độ dẫn đến gia hạn thời gian thực hiện các gói thầu và bổ sung chi phí…

Theo Tờ trình, sau khi được HĐND thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, UBND thành phố sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong tháng 9/2022.