Hà Nội dự kiến mở rộng gấp đôi đường Láng, đi 2 tầng, tổng mức đầu tư 21.000 tỷ đồng
Đường Láng sẽ được mở rộng gấp đôi
Mới đây, Sở GTVT Hà Nội trình UBND TP xem xét đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng đường Láng từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy, tổng mức đầu tư ước tính là hơn 21.000 tỷ đồng, bao gồm đoạn dưới thấp với mức kinh phí khoảng 17.000 tỷ đồng, đoạn trên cao 3.900 tỷ đồng.
Theo đó, Sở đã đề xuất chia thành hai dự án riêng biệt và đề xuất ưu tiên triển khai phần mở rộng đoạn dưới thấp, dài 3,8 km từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy, chi phí dự kiến lên đến hơn 17.000 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 16.700 tỷ đồng, chi phí xây lắp là 541 tỷ đồng.
Như thế, sau khi được cải tạo thì đường Láng sẽ có chiều rộng là 53,5m so với mức 10,5m như hiện nay, tốc độ thiết kế đạt mức 80 km/h và trở thành trục chính đô thị.
Những hạng mục đầu tư chính bao gồm giải phóng mặt bằng đúng theo quy hoạch, vỉa hè, nền đường, cây xanh, hệ thống chiếu sáng, hào kỹ thuật cùng với việc nghiên cứu cải thiện đồng bộ những nút giao thông.
Việc mở rộng đường Láng có tầm quan trọng gì?
Đường Láng được biết đến là một trong những cung đường in dậm những nét dân dã với bề dày văn hóa lịch sử bậc nhất đất kinh kỳ Thăng Long xưa và là nơi tập trung của các cụm đầu tư dân cư lâu đời, nhiều di tích xưa và đền chùa.
Đường Láng dài 4.104m, kéo dài từ phía ngã tư Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở. Con đường này chạy bên bờ đông sông Tô Lịch và tên đường được đặt từ năm 1986, thuộc 4 phường Láng Thượng, Láng Hạ, Thịnh Quang, Ngã Tư Sở - quận Đống Đa.
Cùng với đó, đường Láng còn là con đường tập trung nhiều trường đại học danh tiếng hàng đầu Việt Nam như Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Đại học Luật Hà Nội,... cùng với hàng loạt các cơ sở giáo dục khác, các trung tâm ngoại ngữ.
Và trên cung đường Láng là nơi tập trung nhiều chợ, cửa hàng buôn bán nơi buôn bán tập dã, tấp nập ở dọc vỉa hè.
Những yếu tố trên khiến cho đường Láng thường xuyên tắc nghẽn vào giờ cao điểm. Sở GTVT Hà Nội cho biết, đường Láng chỉ rộng 10,5m mỗi chiều và lưu lượng tối đa là 3.000 phương tiện/giờ, tuy nhiên hiện tại đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ.
Hơn thế, điểm cuối của đường Láng còn là nút giao Ngã Tư Sở - đây là điểm đen tắc nghẽn nổi tiếng nhất Hà Nội, mỗi ngày sẽ phải oằn mình gánh 250% lưu lượng phương tiện tối đa.
Dự án mở rộng đường Láng được triển khai nhằm mục đích giảm tải áp lực giao thông dành cho nút thắt Ngã Tư Sở cũng như phát huy được hiệu quả tuyến đường Vành đai 2 trên đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.
Thời điểm trước đó, vào năm 2019, đường Láng đã từng được Hà Nội cho xén vỉa hè để mở rộng mặt đường. Hè bên phải của đường Láng được xén, mở rộng mặt đường thêm trung bình là 3,5m; xây mới mặt đường bê tông nhựa rộng 4m dành cho người đi bộ, đi xe đạp kết hợp với lan can đặt trực tiếp trên đường chắn bê tông cốt thép sát mép với bờ sông Tô Lịch, 476 cây xanh cũng được di chuyển hoặc chặt hạ trên trục đường này tuy nhiên vẫn không giải quyết được vấn đề tắc nghẽn./.
- Bất động sản Thái Bình cần gần 200.000 tỷ đồng để triển khai quy hoạch
- Nhiều nhà đầu tư bất động sản lỗ nặng vì mải “chạy theo” quy hoạch
- Quy hoạch bất động sản Thái Bình: Đề xuất bổ sung sân bay và đường sắt quốc gia