ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ năm, 06h00 09/01/2025

Hệ thống giáo dục cần nâng cao các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ

(KDPT) - Việc đầu tư các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ là điều quan trọng và cần thiết hiện nay đối với lĩnh vực giáo dục.

Nhu cầu nhân lực khoa học công nghệ tăng cao

Những năm gần đây, Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các xu hướng công nghệ mới như AI, học máy, điện toán đám mây, Internet vạn vật... Việt Nam nằm ở trung tâm của Đông Nam Á, gần tuyến đường hàng hải cửa ngõ đến những nền kinh tế hàng đầu như Trung Quốc, Úc... Chính phủ luôn tích cực xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Việt Nam cũng có lực lượng lao động dồi dào, học sinh thường giỏi các môn khoa học tự nhiên...

Bối cảnh quốc tế cũng là nhân tố quan trọng, sự cạnh tranh quan trong giữa các nước công nghệ hàng đầu... và nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Intel và gần đây nhất là NVIDIA đến Việt Nam cũng là cơ hội cho Việt Nam phát triển các ngành công nghệ.

Theo đó, nhu cầu nhân lực các ngành công nghệ tại Việt Nam đang tăng trưởng rất cao. Theo dự báo của trang tuyển dụng Topdev, năm 2025 Việt Nam cần 700.000 nhân lực công nghệ thông tin trong khi hiện tại chỉ có 530.000, thiếu hụt hơn 100.000 mỗi năm. Về chất lượng đào tạo, mỗi năm có khoảng 57.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp nhưng chỉ 30% đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, còn lại phải đào tạo thêm từ 3-6 tháng.

Số lượng chuyên gia AI tại Việt Nam hiện nay đang còn hạn chế. Lĩnh vực an toàn thông tin dự báo nhu cầu lên đến 700.000 người nhưng hiện nay chỉ đáp ứng 10%, nhân lực phát triển phần mềm đang được doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng. Về lương, một lập trình viên đạt mức lương 1.100-3.000 USD/tháng, ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu cao hơn rất nhiều.

Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn công nghệ, tuy nhiên để đáp ứng được yêu cầu, người lao động VN cần có các kỹ năng như tư duy phát triển, giao tiếp, quản lý thời gian... Hiện Việt Nam đang thiếu nhân lực cả về số lượng và chất lượng...

Hệ thống giáo dục cần chú trọng nâng cao các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ

Hiện nay, nghiên cứu khoa học không chỉ là một tiêu chí quan trọng mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, nguồn lực dành cho hoạt động nghiên cứu tại nhiều trường đại học còn hạn chế cả về tài chính, nhân lực lẫn cơ sở vật chất.

TS. Lê Đông Phương - nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, số lượng nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước còn khá hạn chế, trong khi nguồn kinh phí dành cho hoạt động này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Điều này tạo nên những rào cản lớn trong việc triển khai các nghiên cứu có chất lượng cao, một yếu tố quan trọng giúp nâng cao thứ hạng và uy tín của các trường đại học trên các bảng xếp hạng quốc tế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong bối cảnh thiếu hụt kinh phí, nhiều dự án khoa học không thể triển khai hoặc phải dừng giữa chừng, đặc biệt là các lĩnh vực khoa học công nghệ vốn đòi hỏi đầu tư lớn về thiết bị, nhân lực và thời gian càng phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Thực tế cho thấy, để tạo ra những sản phẩm khoa học có tính đột phá, các trường đại học cần có nguồn tài chính ổn định và sự hỗ trợ lâu dài. Do đó, kỳ vọng lớn nhất hiện nay là sự hỗ trợ từ Nhà nước mạnh mẽ hơn, không chỉ tăng kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học mà còn đầu tư vào đào tạo, cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ dành cho giảng viên, nhà khoa học. Đây chính là nền tảng để cải thiện chất lượng giáo dục, thúc đẩy các công trình nghiên cứu mang tầm quốc tế và tạo ra những bước đột phá để hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có thể hội nhập và phát triển bền vững trong tương lai.

Ngoài ra, thay vì quá tập trung vào xếp hạng, các cơ sở giáo dục đại học cần chú trọng vào việc cải thiện chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và phát triển toàn diện để đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế một cách bền vững.

Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước đóng vai trò như một "đòn bẩy" quan trọng để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học. Những đề tài này không chỉ cung cấp nguồn vốn cần thiết mà còn trang bị cơ sở vật chất và tạo động lực cho các nhà khoa học tập trung vào những vấn đề nghiên cứu có ý nghĩa xã hội, mang tính đột phá.

Theo đó, cần tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học, bởi đây là nền tảng quan trọng cho mọi sự đổi mới và phát triển. Đặc biệt, cần chú trọng đến các lĩnh vực nghiên cứu mà Việt Nam có thế mạnh, các đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao, gắn liền với nhu cầu thực tiễn và các ngành kinh tế trọng điểm.

Việc ưu tiên các lĩnh vực nghiên cứu trọng điểm đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao thứ hạng của các trường đại học Việt Nam trên bảng xếp hạng quốc tế. Khi các trường tập trung vào những lĩnh vực mũi nhọn, họ có cơ hội công bố các nghiên cứu chất lượng cao trên các tạp chí quốc tế uy tín, qua đó gia tăng chỉ số trích dẫn và cải thiện thứ hạng. Đồng thời, phát triển những lĩnh vực này cũng sẽ thu hút nhân tài trong và ngoài nước, mở ra cơ hội hợp tác quốc tế với các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/01/2025