Hiệu quả từ Dự án Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung
Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2016 thiên tai tại các tỉnh Miền Trung đã làm chết, mất tích, bị thương hàng trăm người; nông, lâm, ngư nghiệp thiệt hại hoàn toàn trên diện tích hàng trăm nghìn héc-ta; hàng chục nghìn mét đê cấp III, đê cấp IV, đê bối, bờ bao bị sạt lở, nứt, vỡ; hàng triệu mét kè, kênh mương bị sạt, trôi; hơn 200 đập thủy lợi hư hỏng nặng; hơn sáu ngàn mét bờ biển, bờ sông, suối bị sạt lở; hàng ngàn kilomet đường giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng….
Mục tiêu tổng thể của Dự án là tái thiết và phục hồi các cơ sở hạ tầng tại một số tỉnh bị thiệt hại bởi bão lụt năm 2016 và tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai trong tương lai. Thông qua việc sửa chữa, khắc phục và nâng cấp các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất (công trình thủy lợi, đê, kè sông, kè biển, kênh mương thủy lợi, cấp nước sinh hoạt…) nhằm khôi phục sản xuất, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, giảm các rủi ro do thiên tai gây ra; Khắc phục hư hỏng đối với các công trình hạ tầng giao thông để phục vụ việc đi lại, giao thương hàng hóa, phát triển sản xuất của nhân dân.
Dự án được phê duyệt và phê duyệt bổ sung tại các Quyết định số: 364/QĐ-TTg ngày 24/3/2017; 575/QĐ-TTg ngày 27/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng đầu tư cho Dự án là 118 triệu USD từ nguồn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Hà Tĩnh được phân bổ 18 triệu USD.
Tại Hà Tĩnh, Dự án được phê duyệt và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tại các Quyết định số: 849/QĐ-UBND ngày 30/7/2017; 155/QĐ-UBND ngày 28/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Theo đó Tổng mức đầu tư là: 20,20 triệu USD, tương đương 464,6 tỷ đồng (Vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB): 18,00 triệu USD, tương đương 414 tỷ đồng; Vốn đối ứng: 2,2 triệu USD, tương đương 50,6 tỷ đồng). Dự án do Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh đại diện chủ đầu tư. Các địa điểm thực hiện gồm: Nghi Xuân, Can Lộc, Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà thị xã Hồng Lĩnh và thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Thời gian thực hiện dự kiến 04 năm từ 2017 đến 2021.
Đối với công trình Thủy lợi, phục hồi, tái thiết 05 Tiểu dự án đê sông, tràn xả lũ, cống tiêu thoát lũ gồm: Khắc phục, sửa chữa cống, tràn trên sông 19/5 và tuyến đê bao dài 1,57 km; Khắc phục, sửa chữa tuyến đê Hữu Nghèn, huyện Thạch Hà, với chiều dài 3,859 km; Khắc phục, sửa chữa, nâng cấp tuyến đê Đồng Môn, với chiều dài tuyến đê 3,037 km; Khôi phục và nâng cấp cống Khe Trìa, huyện Nghi Xuân; Khôi phục, sửa chữa nâng cấp tuyến đê Tả Nghèn, huyện Lộc Hà, với chiều dài 6,2 km.
Đối với công trình giao thông, phục hồi, tái thiết tổng chiều dài L = 22,520 km đường giao thông và các công trình cầu vượt lũ, cầu tràn, gồm: Cải tạo, nâng cấp tuyến đường giao thông Sơn Ninh – Sơn Tiến, huyện Hương Sơn, với chiều dài 4,784 km và tu sửa các công trình trên tuyến; Khắc phục, sửa chữa 03 tuyến đường vào trung tâm các xã: Sơn Lộc, Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, với tổng chiều dài 12,041 km và các công trình trên tuyến; Khôi phục cầu và đường 2 đầu cầu Hồng Phúc + Trốc Vạc: Cầu Hồng Phúc có chiều dài toàn cầu 55,3m, chiều rộng cầu 10m; cầu Trốc Vạc có chiều dài toàn cầu 112,55 m, chiều rộng cầu 6 m; Khôi phục, sửa chữa, nâng cấp nền và mặt tuyến đường tỉnh ĐT.552 đoạn từ cầu Chợ Bộng đến thị trấn Vũ Quang có chiều dài 5,695 km và các công trình trên tuyến; Khôi phục, nâng cấp cầu tràn Tân Dừa, cầu tràn Mỹ Thuận: Cầu tràn Tân Dừa có chiều dài toàn cầu 166,7 m, chiều rộng cầu 6,0m; cầu tràn Mỹ Thuận có chiều dài toàn cầu 64,43m, chiều rộng cầu 7,0m; Khôi phục cầu và đường hai đầu cầu Bàu Láng; Đường trục chính xã Phúc Trạch từ đường Hồ Chí Minh đến Quốc Lộ 15A.
Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tĩnh đã khẩn trương triển khai thực hiện Dự án và đã đạt được hiệu quả gần như tối đa các yêu cầu đặt ra, từ tiến độ đến chất lượng công trình cũng như việc giải ngân vốn. Tính đến ngày 31/12/2021, có 12/12 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, phục vụ sản xuất, giao thương hàng hóa, nâng cao đời sống cho nhân dân vùng dự án. Hiện nay, chủ đầu tư đang phối hợp với các đơn vị thi công để hoàn tất thủ tục quyết toán, giải ngân theo đúng tiến độ.
Ông Trần Văn Danh, cư dân xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Xuyên vui mừng chia sẻ: “Trước kia cống này (cống trên sông 19/5) hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng, vào mùa mưa lũ rất nguy hiểm, chúng tôi không ai giám đi qua khu vực này. Từ năm ngoái lại nay, khi cống được xây dựng kiên cố, bà con rất yên tâm; ngoài việc phục vụ sản xuất, cống và hệ thống kè còn làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của làng quê chúng tôi”.
Mặc dù, Dự án được triển khai trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng, nhưng chủ đầu tư và đơn vị thi công đã áp dụng các biện pháp linh hoạt để không làm gián đoạn việc thực hiện Dự án.
Trao đổi với Kinh doanh và Phát Triển, ông Lê Quang Thông – cán bộ phụ trách trực tiếp cho biết, tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và các tỉnh Miền Trung nói chung được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương quan tâm bằng những chính sách và sự hỗ trợ thiết thực. Tại địa phương, chính quyền và nhân dân đồng lòng từ công tác giải phóng mặt bằng đến việc triển khai thực hiện Dự án. Khó khăn lớn nhất vẫn là sự ảnh hưởng sâu rộng của các đợt bùng phát dịch bệnh. Đến nay, hầu hết các công trình đã đưa vào sử dụng, bước đầu đã phát huy hiệu quả và kỳ vọng trong tương lai sẽ góp phần vào tiến trình phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Với việc hoàn thành tái thiết 04 dự án thành phần, gần 7 km đê sông, đê cửa sông, nhiều tràn xả lũ và cống tiêu thoát lũ được kiên cố hóa, các tiểu dự án thủy lợi đã góp phần khôi phục sản xuất, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, giảm các rủi ro do thiên tai gây ra. Hệ thống công trình giao thông được phục hồi, tái thiết với chiều dài hơn 22 km, nhiều cầu vượt lũ và cầu tràn được kiên cố hóa, phục vụ việc đi lại, giao thương hàng hóa, phát triển sản xuất của nhân dân.
QUỲNH TRANG – TRUNG KIÊN