Hội thảo khoa học “Bình đẳng Giới trong gia đình, phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở Giới”

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ cho biết: Ở Việt Nam, quyền bình đẳng nam nữ được ghi nhận rất sớm, ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta. Điều 9 Hiến pháp năm 1946 quy định "Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện". Các bản Hiến pháp của nước ta được ban hành sau đó vào năm 1959, năm 1980, năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) đều ghi nhận quyền bình đẳng giữa nam và nữ. Hiến pháp năm 2013 (Điều 16, khoản 1 Điều 26) quy định nam nữ bình đẳng về mọi mặt và trước pháp luật.

Như vậy, quyền bình đẳng nam nữ đã được hiến định ở nước ta cách đây 79 năm. Trải qua quá trình đó nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thực hiện quyền bình đẳng nam nữ. Bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao".
PGS.TS. Trần Thị Minh Thi - Phó Viện trưởng Viện Thông tin KHXH, Chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về bình đẳng giới phục vụ phát triển bền vững" chia sẻ: "Việt Nam là một quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời, với các giá trị gia đình đóng vai trò trung tâm trong đời sống xã hội. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, Việt Nam đang từng bước hội nhập quốc tế và phát triển về kinh tế, giáo dục và công nghệ. Truyền thống Á Đông thường coi nam giới là trụ cột gia đình, còn phụ nữ gắn liền với công việc nội trợ và chăm sóc con cái. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, cả nam và nữ đều có quyền và trách nhiệm như nhau trong việc xây dựng gia đình và xã hội. Việc khuyến khích nam giới tham gia vào công việc gia đình không chỉ giúp giảm gánh nặng cho phụ nữ mà còn tạo ra môi trường gia đình hài hòa và bình đẳng hơn.
Bình đẳng giới là nền tảng để xây dựng các mối quan hệ gia đình lành mạnh, dựa trên sự tôn trọng và yêu thương lẫn nhau. Khi các thành viên trong gia đình được đối xử công bằng và có quyền thể hiện bản thân, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc và tự tin hơn trong cuộc sống.
Theo TS. Trịnh Thái Quang, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, hình thức bạo lực giới (BLG) phổ biến nhất trong 12 tháng qua là hình thức bạo lực tâm lý, tinh thần với 12,6%, kiểm soát hành vi là 9,8%, bạo lực thể xác. Các dạng BLG thường diễn ra phổ biến hơn ở khu vực nông thôn và tập trung nhiều hơn ở các vùng thuộc từ miền trung trở ra và ở khu vực ĐNB.
BLG cũng diễn ra nhiều hơn đối với người dân tộc thiểu số so với người Kinh, ở nhóm tuổi trẻ, trong nhóm HSSV và công nhân và giữa những người có tình trạng hôn nhân là tái hôn. Mức độ khác biệt giữa các nhóm là tuỳ thuộc vào từng loại hình bạo lực.
Xét về góc độ giới, phụ nữ chiếm tỉ lệ đã từng bị bạo lực giới trong 12 tháng qua cao hơn nam giới ở các dạng bạo lực tâm lý, tinh thần, bạo lực thể xác, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục. Ngược lại, kết quả cho thấy tỷ lệ nam giới là nạn nhân của kiểm soát hành vi và xâm hại quấy rối tại nơi làm việc và học tập cao hơn so với phụ nữ. Nhìn chung, nạn nhân của
BLG trong 12 tháng qua phổ biến hơn ở phụ nữ so với nam giới (28,3% so với 26,9%). Nghĩa là trong 10 người phụ nữ thì có khoảng 3 người đã từng bị ít nhất một loại bạo lực giới trong 12 tháng vừa qua. Kết quả này cho thấy, tỷ lệ bạo lực giới đối với phụ nữ có chiều hướng giảm xuống so với kết quả từ các nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2010 và 2019, phản ánh hiệu quả của hàng loạt chương trình phòng, chống và tiến tới xoá bỏ bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Xét trên góc độ chu trình sống, tính chung tất cả các loại hình bạo lực giới thì kết quả cho thấy, cứ trong 10 người thì có khoảng 4 người từng bị ít nhất một loại bạo lực giới. Trong đó, phổ biến nhất là dạng bạo lực tinh thần, sau đó là bạo lực thể xác và bị kiểm soát hành vi. Bạo lực kinh tế và xâm hại, quấy rối tình dục là không đáng kể. Điểm đặc biệt trong nghiên cứu này là đối với bạo lực giới trong chu trình sống, tỷ lệ nam giới từng bị ít nhất một hành vi BLG cao hơn phụ nữ ở hầu hết các loại BLG, trừ trường hợp xâm hại, quấy rối tình dục.
Phát biểu tại Hội thảo, Ths. Nguyễn Thị Khánh Ly - Chuyên viên chính Vụ Y tế và Thể thao Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho biết: Xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới trong gia đình để tạo ra bình đẳng giới thực chất có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là ở cuộc sống hiện đại hóa công nghiệp hóa hiện nay./.
- Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam
- Bài toán nhân lực công nghệ cao và hướng giải quyết của doanh nghiệp