Năm 2022 thế giới xác lập những cột mốc quan trọng

Trong năm vừa qua, hệ thống năng lượng của thế giới đã xác lập một cột mốc kép trong quá trình khử cacbon. Dữ liệu mới nhất do nhóm nghiên cứu năng lượng sạch BloombergNEF công bố cho thấy đây là năm đầu tiên mà tổng mức đầu tư của thế giới nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tương đương với tổng mức đầu tư toàn cầu trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch.

Bên cạnh đó, năm 2022 còn chứng kiến một cột mốc đáng ghi nhớ khi đây là năm đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực năng lượng khử cacbon vượt quá con số 1.000 tỷ USD. Nếu năm 2021, con số là 250 tỷ USD thì có thể thấy đây là một bước tiến lớn đã được tạo ra từ trước đến nay. Hai lĩnh vực là năng lượng tái tạo và giao thông điện khí hóa đã hấp thụ phần lớn trong số hơn 1.000 tỷ USD đó được thúc đẩy nhờ số lượng các nhà máy điện gió và điện mặt trời xây dựng tăng vọt, với tổng công suất lên tới 350 Gigawatt cùng hơn 10 triệu chiếc xe điện được bán ra toàn cầu.

Dù mức đầu tư kỷ lục vào ngành năng lượng tái tạo nhưng phương tiện giao thông điện khí hóa lại đang phát triển với tốc độ nhanh hơn. Trong đó, xe điện chở khách chiếm phần lớn với số tiền 380 tỷ USD đầu tư vào giao thông vận tải. Điều đó không có nghĩa là năm 2022, tất cả dòng vốn đều chảy vào xe điện chở khách. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng sạc pin công cộng đạt 24 tỷ USD, trong khi gần 23 tỷ USD được chi cho việc phát triển xe điện loại 2 và 3 bánh. Bên cạnh đó, xe buýt điện được đầu tư 15 tỷ USD và cho các loại xe điện thương mại khác như xe tải là 8 tỷ USD.

Trên 1.000 tỷ USD được đầu tư vào lĩnh vực khử carbon rõ ràng là một con số đầy ý nghĩa. Nhưng để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, theo BloobergNEF, thế giới cần phải ngay lập tức tăng gấp ba lần khoản chi 1.100 tỷ USD này và thêm hàng trăm tỷ USD nữa cho lưới điện toàn cầu.

Đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo tại các quốc gia trên thế giới

Từ khi nổ ra chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine vào tháng 2 năm 2022, những lo ngại về an ninh năng lượng đã thúc đẩy các quốc gia ngày càng chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời hay năng lượng gió để giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, loại nhiên liệu trong năm qua đã chứng kiến sự tăng giá đột biến. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), việc lắp đặt năng lượng tái tạo đang gia tăng mạnh mẽ, với tổng mức tăng trưởng công suất trên toàn thế giới dự kiến sẽ vượt than đá để trở thành nguồn phát điện lớn nhất.

Theo IEA, cuộc xung đột ở Ukraine là thời điểm quyết định đối với năng lượng tái tạo ở châu Âu, nơi các chính phủ và doanh nghiệp đang tìm cách nhanh chóng thay thế khí đốt của Nga bằng các giải pháp thay thế. Ngoài châu Âu, tốc độ tăng trưởng của năng lượng tái tạo trong 5 năm tới còn được thúc đẩy bởi Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ, những nước đang thực hiện các chính sách và đưa ra những cải cách thị trường và quy định nhanh hơn so với kế hoạch trước đó để chống lại cuộc khủng hoảng năng lượng. Theo Kế hoạch Phát triển Kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 14, Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm gần một nửa công suất năng lượng tái tạo mới được bổ sung trên toàn cầu trong giai đoạn 2022 - 2027. Trong khi đó, Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ đã cung cấp hỗ trợ mới và tầm nhìn dài hạn cho việc mở rộng năng lượng tái tạo tại nước này.

Năng lượng tái tạo đang được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu của ngành năng lượng hiện nay trên thế giới. Khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá dầu mở ngày càng trở nên cạn kiệt, gây ôi nhiêm môi trường nghiêm trọng, buộc các quốc gia trên thế giới phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng theo hướng sạch và bền vững. Phát triển nguồn năng lượng tái tạo đang dần chiếm vị trí quan trọng trọng sự phát triển kinh tế bền vững ở các nước, do lợi ích to lớn trong việc tận dụng tối đa nguồn thiên nhiên vô tận (như gió, mặt trời…), cũng như góp phần giảm tác động của hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hây gây ra.