ISSN-2815-5823

Hướng đi nào cho đồng USD khi FED nới lỏng?

(KDPT) - Đồng USD giảm tốc trong bối cảnh thị trường dự đoán Cục Dự trữ Liên bang sẽ cắt giảm lãi suất, chấm dứt chuỗi giá lên của đồng bạc xanh.

Theo đó, đồng USD đã giảm 5% so với mức cao nhất đạt được từ đầu năm đến nay xuống gần mức thấp nhất trong khoảng 1 năm qua. 

Trong nhiều năm, nền kinh tế Hoa Kỳ mạnh mẽ và lạm phát dai dẳng đã giữ lãi suất cao hơn nhiều so với các nước phát triển khác. Điều này khiến giới đầu tư đổ xô đi mua tài sản bằng đồng USD, bất chấp đồng tiền của Mỹ đạt mức cao nhất trong hai thập kỳ vào năm 2022.

Chênh lệch lợi suất này được cho sẽ giảm bớt trong bối cảnh nền kinh tế số một thế giới hạ nhiệt. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang cũng tuyên bố "đã đến lúc" bắt đầu giảm lãi suất. Quá trình nới lỏng chính sách của FED được cho sẽ bắt đầu vào cuộc họp ngày 17-18/9 tới đây. 

"Chúng tôi luôn có quan điểm rằng, hầu như trong mọi hoàn cảnh, một khi FED bắt đầu cắt giảm lãi suất, đồng đô la sẽ mất giá" - Brian Rose, chuyên gia kinh tế cấp cao về Hoa Kỳ tại UBS Global Wealth Management, cho biết. "Chúng tôi vẫn giữ quan điểm đó".

Việc xác định đúng quỹ đạo của đồng USD là tâm điểm của thị trường, bởi đồng tiền của Hoa Kỳ vẫn giữ vai trò trung tâm trong lĩnh vực tài chính toàn cầu. Nếu đồng bạc xanh mất giá, các công ty xuất khẩu của Mỹ sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh ở nước ngoài. 

Biên độ giảm của đồng đô la sẽ phụ thuộc vào biên độ lãi suất mà FED cắt giảm cũng như phản ứng kéo theo của nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới. Hiện tại, nền kinh tế Hoa Kỳ dường như vẫn mạnh hơn nhiều so với các nền kinh tế khác. Khoảng cách lợi suất giữa trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và trái phiếu chính phủ Đức đã thu hẹp trong những tháng gần đây, nhưng vẫn quanh mức trung bình 5 năm là 167 điểm cơ bản.

Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn nhận định Cục Dự trữ Liên bang vẫn sẽ cắt giảm lãi suất với biên độ lớn trong tương lai. FED được cho sẽ giảm tổng 100 điểm cơ bản lãi suất đến cuối năm. Bên kia Đại Tây Dương, Ngân hàng Trung ương Châu Âu được cho sẽ giảm 60 điểm cơ bản. 

Dữ liệu cho thấy, lượng bán ròng đồng USD đã đạt mức 8,83 tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 27/8. 

Báo cáo việc làm tháng 8 của chính phủ Hoa Kỳ, dự kiến ​​công bố vào ngày 6/9, có thể cung cấp thêm dấu hiệu cho thị trường phân tích. 

Đồng USD đối mặt với nguy cơ lao dốc khi FED giảm lãi suất. (Ảnh minh họa: Xinhua)
Đồng USD đối mặt với nguy cơ lao dốc khi FED giảm lãi suất. (Ảnh minh họa: Xinhua)

Về nguy cơ trượt giá, giới chuyên gia vẫn cho rằng vẫn tồn tại một số yếu tố hỗ trợ đồng USD, ít nhất trong ngắn hạn. Đợt bán tháo vào tháng 8, trong đó chỉ số USD Index mất 2,2%, đã khiến một số chuyên gia kết luận: đồng tiền của Hoa Kỳ có thể đã giảm quá nhanh.

"Mặc dù động thái được FED dự báo từ lâu vào tháng 9 thực sự khiến đồng USD suy yếu trong quý IV/2023, nhưng động thái gần đây có phần hơi thái quá" - Helen Given, phó giám đốc phụ trách giao dịch tại Monex USA, bình luận.

Song, Monex USA vẫn dự kiến ​​đồng Euro sẽ ở mức tỷ giá 1,13 EUR/USD vào tháng 6/2025, đồng nghĩa với việc đồng đô la có thể được "hãm phanh".

Chuyên gia Brian Rose của UBS đánh giá, thị trường vẫn trong "trạng thái chờ" cặp tỷ giá EUR/USD để tìm thêm bằng chứng về việc nền kinh tế Mỹ có suy thoái hay không.

"Nền kinh tế Mỹ đang chậm lại nhưng vẫn ở trong tình trạng rất lành mạnh" - Thanos Bardas, chuyên gia về đầu tư tại Neuberger Berman, bình luận.

Các nhà đầu tư cũng tin rằng, người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 có thể ảnh hưởng đến đồng USD. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy, các ứng cử viên hàng đầu là ông Donald Trump và bà Kamala Harris đang so kè trong một cuộc đua gay cấn. Cựu Tổng thống Trump đã chỉ trích sức mạnh của đồng bạc xanh, cho rằng USD làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhiều chính sách của ông, chẳng hạn như thuế quan và cắt giảm thuế, có thể củng cố đồng tiền của Mỹ.

Chuyên gia Steven Englander, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngoại hối nhóm G10 tại Standard Chartered, đánh giá: Trường hợp bà Harris đắc cử, có thể dẫn đến thuế suất cao hơn và gây thêm áp lực buộc FED phải nới lỏng nếu nền kinh tế Mỹ giảm tốc.

Cuối cùng, Kit Juckes, chuyên gia ngoại hối tại Societe Generale, kết luận: Phản ứng của thị trường khi FED giảm lãi suất mới chính là yếu tố quyết định hướng đi của đồng USD.

"Tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ đã mang lại cho nước này một nhu cầu đầu tư nước ngoài không ngừng, kết hợp với nhu cầu săn lùng lợi nhuận của các nhà đầu tư nước ngoài... Bây giờ khi tăng trưởng đang chậm lại và lãi suất đang giảm, chúng ta sẽ xem mọi thứ diễn ra như thế nào" - ông viết./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024