Khách hàng

Từ miệng nhân viên tư vấn đến thực tế áp dụng điều khoản bảo hiểm

Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ khách hàng khỏi rủi ro liên quan đến tính mạng, sức khỏe và tai nạn. Nhưng thực tế, không ít người cho rằng đây là kênh sinh lời cao, đồng thời đem lại nhiều thiệt thòi cho người tiêu dùng.

Mới đây, chị N.T.T. - một khách hàng tham gia BHNT đã chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng xã hội và gây xôn xao dư luận. Trao đổi trực tiếp với PV Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, chị T. cho biết, chị đã mua BHNT AIA Việt Nam trong 4 năm với số tiền 100 triệu đồng và được tư vấn rằng bảo hiểm sẽ trả 200 triệu đồng/năm. Do đó thời điểm chị T. phải nhập viện để làm thủ thuật, chị đã liên hệ với AIA Việt Nam để hỏi về vấn đề bảo hiểm thanh toán tiền viện phí. Nhân viên tư vấn nói rằng bảo hiểm chỉ chi trả 50 triệu đồng cho một cuộc phẫu thuật, thủ thuật sẽ không được chi trả. Tuy nhiên, sau tìm hiểu mới đây, chị mới biết AIA Việt Nam chỉ trả 20 triệu đồng cho một lần nhập viện, tương đương số lần nhập viện là 10 lần/ năm.

Chị N.T.T. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Chị N.T.T. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

“Nằm viện hết gần 300 triệu đồng mà BHNT chỉ chi trả 20 triệu đồng tiền viện phí, có ai 1 năm nằm viện đến 10 lần không ạ? Xin phép từ bây giờ chỉ tham gia bảo hiểm y tế”, chị T. bức xúc nói. Theo lời của nhân viên tư vấn, mọi điều khoản đã được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm.

“Nếu như biết bảo hiểm sẽ thanh toán 20 triệu đồng cho một lần nhập viện, tôi sẽ không bao giờ ký hợp đồng, nhân viên tư vấn lỏng lẻo không có trình độ dẫn đến việc khách hàng “bút sa gà chết”, coi như 100 triệu tôi bỏ ra là học phí đầu đời về bảo hiểm”, chị T. chia sẻ.

Chị N.T.T. chia sẻ câu chuyện trên mạng xã hội.
Chị N.T.T. chia sẻ câu chuyện trên mạng xã hội.

Sự việc trên của chị T. khiến nhiều khách hàng quan tâm, một số tài khoản đồng tình việc nhân viên tư vấn bảo hiểm chưa thực sự có tâm và không có hiểu biết khi tư vấn cho khách hàng, họ đem tâm lý nôn nóng để chốt được hợp đồng, bán được hàng cho khách mà không đặt quyền lợi của khách lên trên hết.

Khách hàng
Khách hàng
Khách hàng

Qua khảo sát ý kiến và nhận định từ các chuyên gia cũng như giới luật gia trong câu chuyện này, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) nhận định, cần phải nhìn nhận sự việc đa chiều, về cả đại lý và người tiêu dùng. Doanh nghiệp bảo hiểm cần giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. Đồng thời, người tham gia bảo hiểm cũng không nên chủ quan, quá tin tưởng vào đại lý tư vấn, nên đọc kỹ và thực hiện theo hướng dẫn trong văn bản để được trả tiền bảo hiểm nhanh chóng và chính xác.

Người tiêu dùng nên lưu ý trước khi tham gia bảo hiểm

Về thực trạng đang tồn tại trong lĩnh vực BHNT hiện nay, có thể thấy việc tranh chấp bảo hiểm xảy ra chủ yếu liên quan đến việc chi trả bồi thường bảo hiểm, trong đó có nhiều trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm từ chối chi trả cho người tiêu dùng.

Trao đổi với PV Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, Luật sư Diệp Năng Bình cho biết thêm: “Việc chi trả tiền bảo hiềm còn tuỳ thuộc vào việc khi xảy ra sự kiện bảo hiểm hoặc rủi ro được bảo hiểm khách hàng có cung cấp được những bằng chứng chứng minh về rủi ro bảo hiểm đã xảy ra và mức độ thiệt hại thông qua những hoá đơn, chứng từ, tài liệu cần thiết cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm. Nếu cung cấp đầy đủ chính xác, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền này theo đúng quy định của Bộ Tài chính là 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ bộ hồ sơ nói trên.

Bên cạnh đó, ngoài vấn đề tài chính, người dân trước hết cần phải tìm hiểu sâu nội dung hợp đồng, cần thiết có thể yêu cầu bên doanh nghiệp bảo hiểm giải thích rõ những điều bạn quan tâm. Việc làm này để chắc chắn rằng bạn không ký hợp đồng BHNT với bất kỳ một sự ngộ nhận nào. Quá trình này đòi hỏi sự cân nhắc và thận trọng và người mua bảo hiểm nên dành thời gian để làm điều đó”.

Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ nội dung hợp đồng trước khi ký kết. (Ảnh minh họa)
Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ nội dung hợp đồng trước khi ký kết. (Ảnh minh họa)

Sau chia sẻ của chị N.T.T., nhiều người đã thừa nhận không thể hiểu hết các thuật ngữ trong hợp đồng bảo hiểm, họ chọn tin tưởng hoàn toàn vào những thông tin mà nhân viên tư vấn bảo hiểm cung cấp. Để tránh trường hợp khách hàng được tư vấn mà chưa thực sự hiểu rõ hợp đồng, các chuyên gia cho rằng, rất cần sự giám sát  kỹ lưỡng hơn trong hoạt động của các đại lý, tư vấn bảo hiểm.

Dù còn rất nhiều quan điểm trái chiều về câu chuyện của chị T. nhưng sự việc cũng cho thấy một yếu tố quan trọng trong thị trường bảo hiểm là đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm của người tư vấn hay "người bán" sản phẩm. Đồng thời, để bảo vệ quyền lợi của chính mình, người dân cần đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng, tránh các tranh chấp không đáng có.

Sáng 18/3, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Phiên họp thứ 31 của UBTVQH, ĐBQH Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh nêu, có tình trạng người tư vấn bảo hiểm chèo kéo khách hàng quá mức đã ảnh hưởng đến chất lượng bảo hiểm. Bên cạnh đó, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, thời gian hợp đồng bảo hiểm thường rất dài, trong khi đó người tư vấn thường chỉ tư vấn những mặt tốt của bảo hiểm mà chưa nói rõ những quyền hạn và trách nhiệm khi tham gia, dẫn đến tình trạng người mua bảo hiểm không nắm chắc nội dung hợp đồng và thường bị thiệt thòi. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ những giải pháp để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.

Trả lời chất vấn về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, hành vi chèo kéo, lôi kéo, tranh giành, tư vấn sai và dùng các thủ đoạn lợi dụng những người chưa có nhận thức cao để bán bảo hiểm bị nghiêm cấm trong luật.

"Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại, xử phạt nghiêm minh, chuyển cho cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm để cơ quan có thẩm quyền xử lý", ông Hồ Đức Phớc nói.

Liên quan đến hợp đồng bảo hiểm kéo dài, gây sơ hở trong việc nắm bắt thông tin, cũng như thiệt hại cho người tham gia, ông Phớc cho rằng, khi sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, cơ quan soạn thảo đã dành một chương cho hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm hợp đồng gọn, rõ và chặt chẽ hơn.

"Luật cũng có quy định, trong vòng 21 ngày nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót thì người tham gia có quyền nhận lại tiền", ông Phớc thông tin.

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm được quy định rất chặt chẽ trong Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Thông tư số 67/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về hướng dẫn một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 46/2023/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

- Đáp ứng đủ điều kiện và thủ tục hành chính về việc thành lập doanh nghiệp BHNT mới được Bộ Tài chính cấp phép.

- Trong quá trình hoạt động: Đội ngũ quản lý điều hành đáp ứng được tiêu chuẩn quy định, biên khả năng thanh toán lớn hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu, vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp BHNT từ 750 tỷ đồng trở lên (điều 35 Nghị định số 46/2023/NĐ-CP). Các thay đổi về người quản lý điều hành, trụ sở và chi nhánh văn phòng kinh doanh, vốn điều lệ, nội dung và thời gian hoạt động, mua bán sát nhập, giải thể…phải được Bộ Tài chính phê chuẩn.

- Nội dung hợp đồng bảo hiểm phải được Bộ Tài chính phê chuẩn khi đáp ứng được các quy định tại Chương II – Hợp đồng bảo hiểm trong Luật kinh doanh bảo hiểm (từ điều 15 đến điều 61)

- Quy tắc điều khoản biểu phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm được xây dựng theo đúng quy định tại điều 12 Thông tư số 67/2023/TT-BTC.

- Bộ Tài chính phê duyệt sản phẩm BHNT trước khi doanh nghiệp bảo hiểm được phép triển khai bao gồm hợp đồng bảo hiểm, quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm; công thức, phương pháp và giải trình cơ sở kỹ thuật dùng để tính phí và dự phòng nghiệp vụ, mẫu giấy yêu cầu bảo hiểm, tài liệu giới thiệu sản phẩm bảo hiểm, minh họa bán hàng, các mẫu đơn mà bên mua bảo hiểm phải kê khai và ký khi mua bảo hiểm.

- Trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm và đầu tư tài chính từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm, tách chia lãi giữa chủ sở hữu và chủ hợp đồng bảo hiểm theo đúng quy định của Bộ Tài chính.

- Đào tạo, tuyển dụng, trả hoa hồng đại lý đúng quy định của Bộ Tài chính

- Khi có nguy cơ mất khả năng thanh toán phải báo cáo Bộ Tài chính và đề ra các giải pháp khôi phục. Nếu không tự khôi phục được sẽ phải thực hiện các giải pháp theo yêu cầu của Bộ Tài chính để khôi phục khả năng thanh toán.

- Khi doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán, khách hàng sẽ được đảm bảo quyền lợi từ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm do các doanh nghiệp bảo hiểm đóng góp hàng năm tối đa 0,3% doanh thu.