Lợi nhuận sau thuế của nhóm doanh nghiệp bảo hiểm phá kỷ lục của năm 2021

Theo báo cáo tài chính chưa kiểm toán đến từ 13 công ty bảo hiểm niêm yết cho thấy, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp đã đạt 5.388 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 34,9% so với năm 2022 và lên mức cao nhất lịch sử, vượt qua cả kỷ lục năm 2021 (5.226 tỷ đồng).

Ngoại trừ Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán: BVH), các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Vì thế, cuộc khủng hoảng niềm tin ngành bảo hiểm nhân thọ không ảnh hưởng quá lớn đến kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp niêm yết.

Tính chung cả năm 2023, ước tính doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm đạt 227.100 tỷ đồng, giảm 8,33% so với năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm ở lĩnh vực nhân thọ ước đạt gần 156.000 tỷ đồng, giảm 12,5%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 71.100 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4%.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2023 là cao nhất trong lịch sử. (Ảnh minh họa)

Về cơ cấu lợi nhuận, lãi từ kinh doanh bảo hiểm tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm, trong khi đó, lãi từ kinh doanh tài chính lại tăng mạnh.

Cụ thể, lợi nhuận từ kinh doanh bảo hiểm của nhóm doanh nghiệp này giảm 43% so với cùng kỳ, đạt 2.595 tỷ đồng. Còn lợi nhuận từ kinh doanh tài chính lại tăng 31%, đạt 14.233 tỷ đồng nhờ lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023.

Mảng kinh doanh bảo hiểm chịu ảnh hưởng lớn từ kết quả kinh doanh của “ông lớn” Bảo Việt khi lãi gộp giảm sâu. Nếu trừ Bảo Việt, lợi nhuận gộp mảng kinh doanh này của các công ty còn lại (phi nhân thọ) vẫn tăng 13,5% so với năm 2022.

Về hoạt động tài chính, mảng mang lại lợi nhuận chính cho các doanh nghiệp bảo hiểm thường tập trung đầu tư vào tiền gửi, trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, những loại tài sản được hưởng lợi lớn khi lãi suất tăng lên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng bỏ tiền đầu tư vào bất động sản và doanh nghiệp liên kết nhưng với quy mô khá khiêm tốn.

Đơn cử, báo cáo tài chính quý IV/2023 của Bảo Việt cho thấy, lãi suất của các khoản tiền gửi ngắn hạn lên đến 10,6%/năm, trong khi đó, tiền gửi dài hạn là 10,4%. Thời điểm cuối năm ngoái, lãi suất các khoản tiền gửi ngắn hạn cao nhất chỉ là 9,1%/năm, còn tiền gửi dài hạn là 10,5%/năm.

Tương tự, báo cáo quý IV/2023 cũng cho thấy lãi suất trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp dài hạn có lãi suất từ 6,55%-8,9%/năm, trong khi năm ngoái, lãi suất của những trái phiếu trên trong khoảng từ 6,5%-8,9%/năm. Theo đó, phần lớn khoản đầu tư ngắn hạn của Bảo Việt là dưới dạng tiền gửi, còn dài hạn dưới dạng trái phiếu.

Các doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn vẫn duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực nhờ mảng kinh doanh đầu tư tài chính. (Ảnh minh họa)

Cũng trong năm 2023 vừa qua, các công ty bảo hiểm đã tăng các khoản đầu tư dài hạn và duy trì đầu tư ngắn hạn. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp như MIC, ABIC, BSH và AIC lại đang đi ngược xu hướng trên khi tăng các khoản đầu tư ngắn hạn, trong khi giảm đầu tư dài hạn

Nhìn chung, nhờ kết quả tích cực từ hoạt động tài chính, 12/13 công ty đều báo lợi nhuận tăng trong năm 2023. Trong đó, “ông lớn” Bảo Việt vẫn dẫn đầu về quy mô lợi nhuận khi đạt 1.798 tỷ đồng, tương đương tăng 11% so với cùng kỳ. Xếp ở vị trí thứ hai là CTCP PVI (PVI - Mã: PVI) với lợi nhuận đạt 1.022 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên lợi nhuận sau thuế của PVI vượt mốc 1.000 tỷ đồng.

Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC - Mã: BIC) vươn lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng lợi nhuận khi mang về 457 try đồng, tức tăng 44% so với cùng kỳ.

Xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIG - Mã: MIC) dẫn đầu toàn ngành và cao hơn cùng kỳ năm trước 76%. Xếp ở các vị trí tiếp theo là Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không (AIC - Mã: AIC) và BIC.

Đáng chú ý, Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI - Mã: PTI) đã thu về 252 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, thoát lỗ gần 350 tỷ đồng.

Ở diễn biến ngược lại, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH - Mã: BHI) lại ghi nhận lợi nhuận sụt giảm 13% so với năm 2022, xuống còn 29 tỷ đồng.

Đẩy mạnh tái cấu trúc, tăng cường quản trị rủi ro

Theo các chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với nền kinh tế - xã hội thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Sự phục hồi của nền kinh tế và cải thiện điều kiện sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Đây là thách thức không nhỏ đối với sự tăng trưởng của thị trường bảo hiểm.

Tuy nhiên, ở góc độ tích cực, trong bối cảnh khó khăn, tính cạnh tranh trên thị trường sẽ được đẩy lên cao hơn, các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải đẩy mạnh phát triển cả về chiều sâu (nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm, trải nghiệm khách hàng,...) lẫn chiều rộng (mở rộng thêm tệp khách hàng, quy mô thị trường,...) để khẳng định vị thế của doanh nghiệp. Điều này có thể sẽ thúc đẩy quá trình tái cấu trúc một cách tự nhiên, theo quy luật thị trường, qua đó giúp thị trường phát triển lành mạnh và hiệu quả hơn.

Trong một chia sẻ, ông Ngô Việt Trung - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) nhấn mạnh rằng, thị trường bảo hiểm đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất nên cần thêm thời gian để chuyển biến theo hướng tăng chiều sâu, chất lượng, đóng góp hiệu quả hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thị trường bảo hiểm đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất. (Ảnh minh họa)

Vị chuyên gia cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính hướng tới quản lý, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm trên cơ sở rủi ro thông qua việc kiểm tra chỉ tiêu an toàn vốn, phân loại, đánh giá doanh nghiệp, quản trị rủi ro, cập nhật và hoàn thiện hệ thống giám sát và cảnh báo sớm. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra cũng như xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật để tăng tính răn đe, thượng tôn pháp luật.

Trong khi đó, ở góc độ quản trị, các doanh nghiệp bảo hiểm đã cẩn trọng hơn trong việc xác định thế mạnh thực sự của mình để có thể lựa chọn chiến lược phát triển cân bằng hơn giữa sự hiệu quả, bền vững với tăng trưởng doanh thu, thị phần.

Có thể nói, những khó khăn, thách thức đế từ kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục là môi trường “thử lửa”, buộc các doanh nghiệp phải đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, kênh phân phối, bớt phụ thuộc vào các sản phẩm truyền thống vốn thiếu sự linh hoạt.

Đặc biệt, yếu tố được đánh giá là quan trọng nhất trong cuộc tái cơ cấu lần này đó là doanh nghiệp bảo hiểm đã tăng cường công tác quản trị rủi ro, quản trị doanh nghiệp, đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn và bền vững. Những thay đổi này sẽ là cơ sở vững chắc để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh và đầu tư phù hợp, hướng tới sự phát triển bền vững trong bối cảnh mới.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, thời gian qua, việc khai thác mới bảo hiểm khó khăn hơn trước rất nhiều, vì thế khó tránh khỏi việc có nhiều đại lý/tư vấn viên bảo hiểm phải rời bỏ thị trường. Mặt khác, đây cũng là cơ hội đối với những người chủ động nhìn lại cách làm nghề và tìm hướng đi mới để vượt qua giai đoạn khó khăn này, tạo nền tảng để bùng nổ trở lại khi thị trường phục hồi.

Lãnh đạo của một công ty bảo hiểm thuộc top đầu thị trường chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng, chìa khóa thành công chính là hiệu quả hoạt động của đội ngũ đại lý, năng lực của các kênh phân phối và sự hài lòng của khách hàng. Chính vì thế, chiến lược hoạt động của chúng tôi luôn phải đảm bảo những giá trị này”.

Năm 2023 vừa qua có thể nói là một năm hết sức khó khăn đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam. Thế nhưng, nếu nhìn nhận ở góc độ tích cực có thể thấy những thay đổi đáng kể về quan điểm, chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là dấu hiệu của một cuộc “tự tái cơ cấu” để thị trường phát triển lành mạnh và bền vững hơn./.