Kho bạc Nhà nước tích cực đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số
Kho bạc Nhà nước đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số
Thực hiện chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ, thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, thực chất trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và thu được kết quả rất đáng khích lệ. Cụ thể, KBNN đã chủ động triển khai việc tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); đồng thời cung cấp 11/11 TTHC thuộc lĩnh vực KBNN lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Ngoài ra, KBNN đã nghiên cứu, phát triển nhiều tiện ích mới phục vụ người sử dụng như: Cung cấp tính năng tra cứu số dư tài khoản và trạng thái hồ sơ kiểm soát chi qua ứng dụng trên thiết bị di động; xây dựng và triển khai cổng dữ liệu nhận lệnh hoàn phí, lệ phí, kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia; thực hiện công nghệ ký số từ xa (Remote-signing) trên DVCTT tại các đơn vị SDNS; thực hiện trao đổi dữ liệu với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước và viễn thông để chủ động thanh toán cho các đơn vị sử dụng dịch vụ.
Đặc biệt, KBNN luôn chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình TTHC của công chức KBNN. Theo đó, KBNN đã ban hành 2 quy chế về kiểm soát, phòng ngừa rủi ro trong công tác kiểm soát chi NSNN, kế toán và thanh toán tại hệ thống KBNN và nhiều quy trình giám sát từ xa hoạt động nghiệp vụ KBNN. Đây vừa là văn bản có tính quy định bắt buộc và vừa là cẩm nang để các đơn vị KBNN có các hành động phòng ngừa rủi ro, tăng cường giám sát nội bộ nhằm nâng cao năng suất lao động của công chức KBNN và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch.
KBNN cũng triển khai nhiều biện pháp thiết thực để siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần và thái độ phục vụ khách hàng giao dịch, không để tình trạng chậm muộn, gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết TTHC.
Xây dựng chiến lược hướng đến mục tiêu Kho bạc số
Trong suốt nhiều năm qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã phát triển không ngừng và có bước tiến vượt bậc khi trở thành kho bạc điện tử vào năm 2020, đúng theo lộ trình đề ra. Một dấu ấn quan trọng trong năm 2020 của KBNN được toàn xã hội ghi nhận và đánh giá cao chính là triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đến tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS), trừ khối an ninh, quốc phòng.
DVCTT đã giúp KBNN trở thành kho bạc điện tử khi không còn khách hàng. Hồ sơ, thủ tục, giấy tờ được giao dịch hoàn toàn trên môi trường mạng. Kết thúc một chặng đường phát triển, KBNN bắt đầu xây dựng Chiến lược phát triển cho giai đoạn 2021 - 2030 với đích đến là kho bạc số. Việc hoàn thiện kho bạc số sẽ là nền tảng để thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia được thực hiện trên thế “kiềng 3 chân” đó là chính phủ số - kinh tế số - xã hội số.
Để đặt nền móng tiến nhanh đến kho bạc số vào năm 2030, KBNN đã xây dựng và ban hành bản quy hoạch Kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin (CNTT) hướng tới kho bạc số theo Quyết định số 2739/QĐ-KBNN ngày 4/6/2021, gồm: kiến trúc nghiệp vụ; kiến trúc dữ liệu, kiến trúc ứng dụng; kiến trúc kỹ thuật - công nghệ và kiến trúc an toàn thông tin. Theo nhận xét từ KBNN, bản quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng giúp tăng cường hoạt động hiệu lực, hiệu quả của toàn hệ thống theo mô hình quản lý, quản trị hiện đại, phục vụ các đơn vị, tổ chức, người dân và doanh nghiệp, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Ngoài ra, các đơn vị KBNN đã thực hiện phát hành văn bản đi bằng phương thức điện tử (qua chữ ký số), góp phần hỗ trợ thay đổi tác phong làm việc từ nền hành chính dựa trên văn bản giấy sang nền hành chính văn bản điện tử, giúp việc gửi văn bản đi nhanh chóng, kịp thời, không bị thất lạc vừa tiết kiệm được thời gian cho công chức hành chính văn thư và giảm chi phí gửi cước bưu chính…
- Thủ tướng: Chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội
- Chuyển đổi số - Bước đột phá của doanh nghiệp bất động sản