ISSN-2815-5823
Tiến Minh
Thứ tư, 13h30 29/05/2024

Khó khăn “khơi thông” gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

(KDPT) - Trước thực tế giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang “nghẽn” bởi lãi suất cao, thủ tục rườm rà, Bộ Xây dựng đã có đề xuất giảm thêm lãi suất cho gói này. Nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm lãi suất cần đủ hấp dẫn để doanh nghiệp cũng như người dân dễ dàng tiếp cận.

Hạ lãi suất để tăng tính hấp dẫn của gói tín dụng

Theo khảo sát của PV, tại 1 số ngân hàng trên địa bàn Hà Nội, khi được hỏi về ưu đãi lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội, nhân viên ngân hàng cho biết, hiện lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội khoảng 8%/năm. Ngân hàng sẽ cho vay tối đa 85% giá trị nhà ở nếu người dân đáp ứng điều kiện cho vay. Tuy nhiên, nhân viên này cho biết, đa phần gói vay triển khai tại khu vực ngoại thành, nội thành gần như không có.

Giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang “nghẽn” bởi lãi suất cao, thủ tục rườm rà. (Ảnh minh họa)
Giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang “nghẽn” bởi lãi suất cao, thủ tục rườm rà. (Ảnh minh họa)

Là công nhân tại khu vực Mỹ Đình, chị Nguyễn Thị Bích cho biết, chị có tìm hiểu về thủ tục mua nhà ở xã hội và gói 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên, rất khó để theo được chương trình này. Lý do chị Bích cho biết, ngoài khó khăn về điều kiện vay thì việc lãi suất cao cũng là yếu tố khiến chị không thể mua nhà.

Chị Bích tính toán, giá nhà ở xã hội thấp nhất cũng từ 20 triệu đồng/m2, một căn hộ diện tích khoảng 50 m2 có giá trên dưới 1 tỷ đồng. Nếu có ngân hàng cho vay 80% giá trị căn hộ, mức lãi suất áp dụng khoảng 7,5-8%/ năm, thời hạn 15 năm thì mỗi năm chị Bích phải trả khoảng 60 triệu đồng tiền lãi. Là người có thu nhập thấp, cả 2 vợ chồng 1 tháng được khoảng 15 triệu đồng thì việc trả lãi hàng tháng đã khó khăn chưa nói gì đến trả nợ gốc.

Hiện nay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được 1.144 tỷ đồng, trong đó 1.133 tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án vay và 11 tỷ đồng cho người mua nhà vay. (Ảnh minh họa)
Hiện nay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được 1.144 tỷ đồng, trong đó 1.133 tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án vay và 11 tỷ đồng cho người mua nhà vay. (Ảnh minh họa)

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai đề án "Xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030" trong đó nhấn mạnh , hiện nay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được 1.144 tỷ đồng, trong đó 1.133 tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án vay và 11 tỷ đồng cho người mua nhà vay. Mặc dù con số này đã gấp đôi thời điểm tháng 3/2024 nhưng cũng chỉ đạt gần 1% quy mô gói vay.

Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện đã có 30 địa phương công bố danh mục 72 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay vốn từ gói 120.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội ở nhiều địa phương còn hạn chế, tỷ lệ triển khai thấp so với mục tiêu đề án. Trên cả nước hiện nay đang triển khai 503 dự án, so với thời điểm 15/3/2024 đã tăng 4 dự án. Bên cạnh đó, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, hiện đã có thêm TP Bank và VP Bank tham gia gói này với 5.000 tỷ mỗi ngân hàng.

Lý giải về nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, do quy định về đối tượng thụ hưởng còn phức tạp nên người dân gặp khó khăn. Còn Bộ Xây dựng thì cho rằng lãi suất gói vay ưu đãi vẫn cao cộng với thời gian cho vay ngắn nên chưa thu hút doanh nghiệp và người dân.

Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói tín dụng, Bộ Xây dựng đã có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét và giảm thêm lãi suất cho vay để phù hợp với thực tế. (Ảnh minh họa)
Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói tín dụng, Bộ Xây dựng đã có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét và giảm thêm lãi suất cho vay để phù hợp với thực tế. (Ảnh minh họa)

Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói tín dụng, Bộ Xây dựng đã có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét và giảm thêm lãi suất cho vay để phù hợp với thực tế. Đồng thời nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà ở xã hội, mức lãi suất cho vay thấp hơn 3-5% so với lãi suất vay thương mại, kỳ hạn vay 10-15 năm. Ưu đãi nhằm tạo thêm động lực cho người thu nhập thấp vay tiền mua nhà.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cũng đã vào cuộc xây dựng thêm nhà ở xã hội để làm giảm “cơn khát” nhà ở. Đơn cử như Tập đoàn Vingroup khởi công 4 dự án tại Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Trị, Khánh Hòa với hơn 10.000 căn hộ nhà ở xã hội và quỹ nhà ở tại các địa phương. Tập đoàn này cũng đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý để sớm khởi công dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, Hà Tĩnh, Hưng Yên, TP.HCM…

Hay Công ty Viglacera đã bàn giao khoảng 5.000 căn hộ tại Hà Nội đồng thời đang triển khai quy mô 10.000 căn hộ tại 4 địa phương Quảng Ninh, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nam. Đại diện Viglacera cho biết hiện đã có sẵn khoảng 3.000 căn hộ có thể đưa vào sử dụng với giá bán 8-10 triệu đồng/m2, giá căn hộ khoảng 250-600 triệu đồng/ căn.

Cần có mức giảm hợp lý

Chỉ thị 34-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới cho biết, cả nước đã hoàn thành xây dựng 195.000 căn nhà ở xã hội và đã có khoảng 374.000 căn nhà ở xã hội đã được chấp thuận đầu tư và khởi công, cấp phép xây dựng.

Về một số hạn chế trong phát triển nhà ở xã hội, Chỉ thị số 34 cho biết, nhiều mục tiêu về phát triển nhà ở vẫn chưa đạt được như Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã không đạt được. Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế so với nhu cầu của thực tế; giá nhà ở xã hội bình quân vẫn còn cao...

Bên cạnh đó, Ban Bí thư cũng đã chỉ thị rà soát, đổi mới và tiếp tục mở rộng cho vay ưu đãi đối với cá nhân, hộ gia đình mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội theo chính sách về nhà ở xã hội.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, đề xuất lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội gói vay 120.000 tỷ thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất thương mại là quá thấp. Trong bối cảnh lãi suất cho vay trên dưới 10% thì việc điều chỉnh là cần thiết bao gồm điều chỉnh về đối tượng với nguồn vốn vay ưu đãi, mức lãi suất và điều kiện và quy mô cho vay.

Hiện nay, mức lãi suất huy động của các ngân hàng khoảng dưới 5%, vậy lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội sẽ cộng 0,5-1% trên lãi suất huy động là có thể chấp nhận được. Không nên áp dụng phương án lãi suất cho vay thương mại là bao nhiêu rồi trừ đi 1,5-2% như đề xuất. Bởi hiện nay khó xác định lãi suất nào là chuẩn và lĩnh vực nào là lĩnh vực tính trung bình.

Nên chăng lãi suất cho vay nhà ở xã hội sẽ thấp hơn 3-5% so với lãi suất cho vay thương mại. Hoặc lãi suất cho vay nhà ở xã hội. Với mức chênh lệch như vậy sẽ thu hút người vay hơn.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh

Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh thì cho rằng, gói tín dụng 120.000 tỷ là gói tín dụng mang tính tự nguyện nên tính pháp lý không cao. Ông Thịnh cũng đánh giá, mức giảm lãi suất công bố 1,5% với chủ đầu tư và 2% với người mua nhà nhưng hiện nay, lãi cho vay vẫn còn khá cao, chưa đủ để hấp dẫn. Từ thực tế này, ông Thịnh đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho phù hợp với thực tế từng giai đoạn, đồng thời cần có thời hạn vay hợp lý, thời hạn quá ngắn thì ưu đãi không được bao nhiêu.

Nhiều ý kiến cho rằng, với sự vào cuộc mạnh mẽ, sẽ giúp tăng giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ và doanh nghiệp, người dân hơn có cơ hội tiếp cận gói tín dụng ưu đãi khi mua nhà ở xã hội./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine