Chuyên gia kiến nghị thiết kế gói tín dụng hỗ trợ mới cho bất động sản
Giá bất động sản Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất
Thời gian qua, bất động sản tăng giá “phi mã” từng ngày khiến nhiều người lo ngại, xuất phát từ khủng hoảng phân khúc nhà ở, cung cầu mất cân đối. Hà Nội dường như không còn nguồn hàng mới, nhiều người đang găm giữ hàng hóa đẩy giá bất động sản tăng chóng mặt khi nguồn cầu gia tăng.
Báo cáo quý I/2024 của Savills cho biết, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội liên tục thiết lập mặt bằng giá mới. Hiện nay, giá chung cư đã đạt trung bình 59 triệu đồng/m2, tăng 21 quý liên tiếp.
Còn theo báo cáo của CBRE, trong 3 tháng đầu năm, các dự án tại thị trường sơ cấp và thứ cấp của Hà Nội ghi nhận mức tăng giá theo năm cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trường mạnh ghi nhận ở hầu hết các quận ở Hà Nội và tập trung phần lớn nguồn cung hiện hữu dồi dào, dân cư đông đúc ở các quận phía Tây.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Uỷ viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho biết, giá chung cư tại một số khu vực trên địa bàn Hà Nội đã tăng hơn 30%, thấp nhất cũng tăng 15%. Nổi bật là chung cư tại khu đô thị Ciputra (Quận Tây Hồ) có giá bán từ 100-200 triệu đồng/m2; Khu đô thị Smart City (Quận Nam Từ Liêm) cũng tăng giá từ 60-80 triệu đồng/m2. Mức giá trên đã thể hiện tốc độ “tăng giá đáng sợ” khi nguồn hàng mới khan hiếm làm cho nhu cầu bị dồn nén.
“Thị trường bất động sản tại Việt Nam có sự tăng trưởng lớn nhất và ngày càng nóng. Song, về giá trị sử dụng vẫn không thay đổi, miếng đất 10 m2 vẫn giữ nguyên 10 m2 đến hiện tại. Chỉ có tiền đổ về đây ngày càng nhiều, đây là vấn đề rất gay go cho thị trường”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Nghĩa cho biết thêm, tại Hà Nội vẫn còn hàng nghìn dự án bất động sản đang bị đắp chiếu gây lãng phí đất đai và tài nguyên. 67% các dự án này bị “bất động” do gặp khó khăn về tài chính, thủ tục pháp lý.
Nhận diện nguyên nhân khiến giá bất động sản tăng cao, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường có quá ít nguồn cung trong khi nhu cầu của người dân tăng cao. Nhà ở chung cư tại các khu vực vùng ven chỉ khoảng 3 tỷ đồng là có thể sở hữu được nhà, nhưng đối với mua nhà mặt đất thì phải có tài chính từ 5-7 tỷ mới đáp ứng được.
Điều này cho thấy rõ rằng, phân khúc chung cư đáp ứng được nhu cầu thanh toán của người dân nhiều hơn nhưng lại khan hiếm nguồn hàng. Khi cung cầu không cân đối được sẽ làm giá trị nhà ở bị đẩy lên là điều hết sức dễ hiểu. Tất nhiên, việc đẩy giá này cần phải có giới hạn, nếu không phù hợp với giá trị tài sản mà thị trường chấp nhận được thì rất khó để ra hàng.
Trong suốt thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan, bộ, ngành đã dồn hết sức tâm huyết vào khôi phục thị trường bất động sản. Mặc dù hàng loạt các động thái đều rất quyết liệt, dồn dập và mạnh mẽ, nhưng vẫn chưa đủ để kéo thị trường bất động sản phục hồi hẳn trở lại. Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng cần có thêm nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản.
Thiết kế gói hỗ trợ mới cho thị trường bất động sản
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nên “quên” gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng đi do đây là gói của ngân hàng thương mại quốc doanh đề xuất hỗ trợ thị trường bất động sản, trong đó có nhà ở xã hội. Tuy nhiên, ngân hàng không có trách nhiệm gì trong việc cung cấp vốn khu vực này. Do đó, cần thiết kế gói tín dụng mới, bài bản hơn.
Hơn nữa, có những dự án chung cư tại Hà Nội bị đẩy giá lên tới 280 triệu đồng/m2, người dân sẽ rất khó mua nổi với mức giá này. Tại một số nước trên thế giới rất phổ cập về các chiến lược tài chính nhà ở bài bản, Việt Nam nên tham khảo để áp dụng sao cho phù hợp.
“Chính phủ cần có chiến lược hỗ trợ tài chính cho nhà ở nói chung, chứ không phải riêng cho nhà ở xã hội. Chính sách này phải được thực hiện thông qua ngân hàng và được Chính phủ hỗ trợ lãi suất”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Nghĩa chia sẻ thêm, lãi suất cho vay tại Việt Nam thuộc một trong bảy nước cao nhất thế giới còn lãi suất tiền gửi lại đang rất thấp. Vị chuyên gia này hy vọng trong thời gian tới, các ngân hàng có thể điều chỉnh lãi suất cho vay giảm xuống một chút.
Để giải quyết những vấn đề tồn đọng của thị trường bất động sản, TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng cần phải cơ cấu lại phân khúc sản phẩm và hạ giá thành sản phẩm. Do vậy, trong thời gian tới đòi hỏi thị trường bất động sản phải có nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân hơn nữa.
Về phía Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu và xây dựng một chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi dành riêng cho các nhà phát triển đầu tư phân khúc nhà ở bình dân và cho người mua nhà. Bên cạnh đó, cần có các chính sách, cơ chế rõ ràng hỗ trợ những doanh nghiệp muốn cơ cấu lại dự án theo hướng từ cao cấp sang bình dân, nhà ở xã hội.
Còn phía cơ quan quản lý nhà nước cũng cần nghiên cứu lại những phương án rút ngắn quy trình, thủ tục hành chính đầu tư, xây dựng và xem xét hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu tính tiền sử dụng đất và giải phóng mặt bằng.
“Chính quyền địa phương đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM cần nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy phát triển các dự án để sớm đưa nguồn hàng vào thị trường, đặc biệt là nhóm nhà ở có mức giá phù hợp, nhà ở xã hội”, ông Đính nói./.
- Bất động sản kêu gọi đầu tư mới: Nhiều khu dân cư, khu đô thị nghìn tỷ “vắng bóng” chủ đầu tư
- Chuyên gia tiết lộ lý do nhà đầu tư phía Nam “bơi ngược” ra Bắc "săn" bất động sản