ISSN-2815-5823

Khu công nghiệp sinh thái: Thế giới đã thành công, Việt Nam thì sao?

(KDPT) – Việc phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái dựa trên quan hệ cộng sinh sâu sắc giữa các doanh nghiệp, gắn chặt giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường được xem như hướng đi mới, phù hợp xu thế quốc tế trước thực trạng ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên đang diễn ra mạnh mẽ tại nước ta hiện nay.

>>> Nhiều địa phương “mơ” về khu công nghiệp sinh thái

>>> Tim Cook: “Làm công việc mình yêu thích thì cả đời sẽ không phải làm việc ngày nào” là một câu nói hoàn toàn vô nghĩa!

Nhiều quốc gia thành công

Khái niệm khu công nghiệp sinh thái (KCNST) được đề xuất trên thế giới vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX nhưng bắt đầu được phát triển từ đầu những năm 90 của thế kỷ 20 trên cơ sở của Sinh thái học công nghiệp (STHCN).

Đến nay, KCNST được hiểu là một “cộng đồng” các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ có mối liên hệ mật thiết trên cùng một lợi ích: hướng tới một hoạt động mang tính xã hội, kinh tế và môi trường chất lượng cao, thông qua sự hợp tác trong việc quản lý các vấn đề về môi trường và nguồn tài nguyên. Bằng các hoạt động hợp tác chặt chẽ với nhau, “cộng đồng” KCNST sẽ đạt được một hiệu quả tổng thể lớn hơn nhiều so với tổng các hiệu quả mà từng doanh nghiệp hoạt động riêng lẻ gộp lại.

Mô hình KCNST đã được nghiên cứu và phát triển mạnh tại các nước phát triển như Mỹ, Canada, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc… và đem lại lợi ích to lớn về kinh tế, xã hội, môi trường cho các quốc gia này. Tại Hàn Quốc, trong giai đoạn 2005-2014, đã thực hiện chuyển đổi 51 KCN sang hoạt động theo mô hình KCN sinh thái và đã tạo ra lợi ích kinh tế quy đổi khoảng 1,3 tỉ đô la Mỹ.

Tại Đan Mạch, KCN Kalundborg được coi là KCNST điển hình đầu tiên trên thế giới ứng dụng phát triển một hệ thống cộng sinh công nghiệp thông qua sự trao đổi năng lượng và nguyên vật liệu giữa các công ty. Thành phần chính trong Hệ STCN này là nhà máy điện Asnaes công suất 1.500 MW. Hầu hết các trạm phát điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch, hiệu suất cực đại để chuyển hoá năng lượng từ quá trình đốt than thành điện năng chỉ đạt 40%, còn lại 60% năng lượng bị thải ra môi trường bên ngoài dưới dạng nhiệt và phần lớn ở dạng hơi nước và khí Ethane và Methane, nhiệt thừa, dung môi, thạch cao, xỉ than, bùn thải, tro bụi,… Những năng lượng dư thừa và chất thải được sử dụng có hiệu quả cho các nhà máy trong cùng KCN.

Việt Nam – chủ trương và những băn khoăn

Khái niệm KCNST đã được Việt Nam tiếp cận, nghiên cứu và đưa vào thí điểm mô hình. Năm 2015, đã có 3 KCN thuộc 3 tỉnh thành (Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ) được hỗ trợ chuyển đổi mô hình thành KCNST. Bước đầu đã có những kết quả rất khả quan.

Ngày 22/5/2018, Chính phủ đã kí ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP, Quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Nghị định đưa ra Mục tiêu phát triển KCNST, Chính sách khuyến khích phát triển KCNST, Các tiêu chí xác định KCNST, Ưu đãi trong KCNST, trách nhiệm của các Bộ ngành trong việc hướng dẫn thực hiện mô hình KCNST.

Tuy nhiên, đến nay chưa có văn hướng dẫn cụ thể việc thực hiện nghị định nên nhiều doanh nghiệp còn lúng túng, băn khoăn khi quan tâm đến chuyển đổi mô hình từ KCN truyền thống sang KCNST.

Ông Đỗ Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Đình Vũ, Hải Phòng băn khoăn: “Nghị định 82 có tiêu chí xác định KCNST là “Dành tối thiểu 25% diện tích đất khu công nghiệp cho các công trình cây xanh, giao thông, các hạ tầng dịch vụ dùng chung theo quy chuẩn xây dựng của Bộ Xây dựng”. Điều này gây khó khăn cho chúng tôi vì hiện tại KCN Đình Vũ đã lấp đầy gần 90% diện tích. Để đạt tiêu chí 25% diện tích cây xanh, giao thông… thì chúng tôi phải mở rộng diện tích hay làm sao?”.

Điều này cũng tương tự tiêu chí về nhà ở, các công trình xã hội… trong nghị định (“Có giải pháp đảm bảo nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa và thể thao cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp”). “Để đảm bảo tiêu chí này, chúng tôi đầu tiên phải có mặt bằng, nếu không có chính quyền hỗ trợ thì không thể làm được. Lại còn liên quan vấn đề quy hoạch…”, ông Hưng nói.

Chia sẻ rằng hiện nay, cả 7 KCN tại thành phố Hải Phòng đều rất quan tâm đến vấn đề chuyển đổi sang KCNST nhưng còn nhiều điều băn khoăn, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Công ty CP Tàu thủy Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, cho biết: “Nghị định có đề cập đến vấn đề ưu đãi, hỗ trợ DN nhưng không cho biết cụ thể ưu đãi bao nhiêu, hỗ trợ những gì, trong bao lâu. Ngay cả ưu đãi “tiếp cận nguồn tài chính để chuyển đổi sang doanh nghiệp sinh thái” cũng chưa chỉ ra cụ thể nguồn tài chính đó là ở đâu, thủ tục ra sao, hình thức tiếp cận…”.

“Nhìn chung, chúng tôi rất nóng lòng vì hiểu rằng sớm muộn gì cũng phải chuyển đổi. Mà thực ra, như KCN Nam Cầu Kiền, ngay từ khi quy hoạch xây dựng đã định hướng là xây dựng KCN xanh, và hiện nay là tự thân có nhu cầu chuyển đổi thành KCNST. Nhưng chúng tôi lúng túng về hướng đi.”, ông Phạm Hồng Điệp bày tỏ.

Chia sẻ cùng tâm tư của doanh nghiệp, TS.Vương Thị Minh Hiếu, Vụ Quản lý các KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Điều phối viên Dự án KCNST, cho biết trong Nghị định 82, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các Bộ những vấn đề liên quan, từ đó làm cơ sở để xây dựng các chính sách cụ thể. Chẳng hạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp các Bộ, ngành liên quan xác định rõ khái niệm, quy chuẩn về chất thải, nước thải, phế liệu…; phối hợp các Bộ, ngành liên quan đề xuất cơ chế khuyến khích bên thứ ba tham gia vào việc hỗ trợ trao đổi phế liệu, phụ phẩm…

“Khi các Bộ, ngành hoàn thành các báo cáo, chúng tôi sẽ có những hướng dẫn cụ thể cho DN”, bà Hiếu nói, “thời gian hoàn thành sẽ là trong năm 2018 này”.

Minh Hải

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024