Khuyến nghị mua 3 mã cổ phiếu đầu ngành, lợi nhuận gấp nhiều lần lãi suất tiền gửi
Động lực phục hồi
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) cho thấy, ngành thép có nhiều tín hiệu phục hồi từ quý III/2023, kết quả kinh doanh trong quý đầu năm của các doanh nghiệp thép rất khả quan.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép tiêu thụ toàn ngành trong năm 2023 là 26,3 triệu tấn, giảm 3,5% so với năm 2022. Agriseco Research cho rằng, thị trường bất động sản (BĐS) suy yếu trong gần 2 năm qua khiến nhiều doanh nghiệp thép rơi vào cảnh khó khăn.
Trong giai đoạn này, điểm sáng là thị trường xuất khẩu đã bù đắp cho tình trạng dư cung trong thị trường nội địa. Năm 2024, các doanh nghiệp thép đầu ngành đều lên kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh từ nền thấp năm ngoái. Tuy nhiên, các “ông lớn” trong ngành thừa nhận rằng chưa thể bứt phá khi thị trường BĐS chưa phục hồi mạnh.
Theo công ty chứng khoán, ngành thép có thể phục hồi tốt hơn vào năm nay nhờ 3 động lực chính: Một là nhu cầu nội địa tăng nhờ nhu cầu về xây dựng hạ tầng và xây dựng dân dụng đang ấm dần lên. Dự đoán chi phí đầu tư phát triển trong năm 2024 chiếm tỷ trọng 32,2% tổng chi ngân sách nhà nước, đạt khoảng hơn 677.000 tỷ đồng (bằng 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023), chưa tính số dư năm 2023 chuyển sang.
Từ những tháng cuối năm 2023, việc giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh, sang năm 2024 sẽ là động lực giúp các doanh nghiệp ngành thép tăng trưởng doanh thu trong giai đoạn tới.
Đồng thời, thị trường BĐS được kỳ vọng ấm dần lên nhờ những nỗ lực tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ, đây cũng là động lực phục hồi cho ngành thép.
Qúy cuối năm ngoái, nguồn cung BĐS tiếp tục được cải thiện, số lượng dự án nhà ở thương mại đã hoàn thành tăng 38% so với quý trước đó; 20 dự án được cấp phép mới, tăng 33%; 29 dự án đã hoàn thành, tăng 38%. Quý I/2024 ghi nhận 133.512 căn đã giao dịch thành công, tăng 22% so với quý trước đó.
Thứ hai, động lực tăng trưởng lớn trong năm 2024 là xuất khẩu. Hội Thép thế giới (Worldsteel) cho biết, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến tăng 1,9% trong năm nay, lên 1,85 tỷ tấn.
Trong đó, theo dự kiến, nhu cầu thép tại các thị trường xuất khẩu như ASEAN tăng 5,2%, châu Âu tăng 5,8%, Mỹ tăng 1,6% so với năm 2023 nhờ nhu cầu từ xây dựng hạ tầng. Đây là động lực lớn cho xuất khẩu thép của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Ba là, giá nguyên vật liệu được dự báo giảm trong khi giá thép được dự báo phục hồi giúp cải thiện biên lợi nhuận. World Bank dự báo giá quặng sắt năm 2024 giảm còn 108 USD/tấn nhờ nguồn cung quặng sắt tăng trên toàn cầu, thị trường BĐS Trung Quốc trầm lắng, nhu cầu thép phục hồi chậm ở nhiều quốc gia.
Về giá than, giá than Úc bình quân cả năm 2024 được dự báo đạt 190 USD/tấn, giảm 23% so với cùng kỳ. Trong khi giá thép được kỳ vọng tạo đáy và phục hồi trở lại trong thời gian tới với kỳ vọng ngành BĐS ấm dần lên trong năm nay và tồn kho ngành thấp giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành được cải thiện.
Agriseco Research cũng lưu ý rằng, ngành thép vẫn phải đối diện với rủi ro cạnh tranh từ thị trường thép Trung Quốc. Năm qua, thép nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 5,6 tỷ USD, riêng lượng nhập khẩu đạt khoảng 8,3 triệu tấn, tăng 63% so với cùng kỳ; Giá nhập khẩu trung bình gần 682 USD/tấn, giảm 30%.
Tổng Cục Hải quan cho biết, trong quý đầu năm 2024, tổng giá trị thép nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam là 2,9 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ. Lượng nhập khẩu tăng 49,4%, đạt hơn 4 triệu tấn.
Khuyến nghị 3 cổ phiếu tiềm năng
Trong bối cảnh thị trường BĐS ấm dần lên, đầu tư công được thúc đẩy mạnh, xuất khẩu phục hồi… Agriseco Research khuyến nghị nhà đầu tư lưu ý tới 3 mã cổ phiếu là HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát; NKG của CTCP Thép Nam Kim; GDA của CTCP Tôn Đông Á sẽ có nhiều cơ hội hồi phục và tăng trưởng.
Đơn vị này dự phóng giá mục tiêu cho cổ phiếu HPG là 35.000 đồng/cp. Với kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2024 của Hòa Phát tăng trưởng mạnh từ nền thấp năm ngoái nhờ 3 yếu tố chính.
Một là, thị trường BĐS trong nước hồi phục và nhu cầu xuất khẩu từ các thị trường chính sẽ giúp gia tăng sản lượng tiêu thụ thép. Thứ hai, với lợi thế về chuỗi giá trị hoàn thiện cùng chi phí hợp lý, Hòa Phát có thể gia tăng thị phần ngay khi ngành thép hồi phục. Ba là, biên lợi nhuận gộp được cải thiện nhờ giá nguyên liệu đầu vào trong năm 2024 có thể giảm, trong khi đó giá thép được kỳ vọng đã tạo đáy.
Với Nam Kim, theo Agriseco Research, động lực chính đến từ xuất khẩu vào thị trường Mỹ và EU. Biên lãi gộp dự báo sẽ cải thiện nhờ hàng tồn kho giá rẻ. Bên cạnh đó, việc dự kiến triển khai dự án Nam Kim Phú Mỹ và hoàn thành vào năm 2027 giúp tăng công suất lên 2,2 triệu tấn/năm là động lực tăng trưởng dài hạn cho Nam Kim.
Trong khi đó, Tôn Đông Á hiện chiếm khoảng 16% thị phần, đứng thứ 3 ngành tôn mạ. Trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp, xuất khẩu chiếm tỷ trọng khoảng 70% sản lượng và tiêu thụ nội địa chiếm 30% còn lại.
Agriseco Research kỳ vọng, Tôn Đông Á sẽ đạt kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu tăng cao từ thị trường xuất khẩu cũng như các dự án đầu tư trọng điểm tại thị trường phía Nam.
Cổ phiếu Tôn Đông Á hiện đang giao dịch tại mức P/B là 0,72x, giá trị sổ sách là 31.500 đồng/cp. Theo Agriseco Research, đây là mức giá vẫn còn rẻ so với vị thế của một trong những doanh nghiệp đầu ngành, phù hợp để giữ dài hạn./.
- Cơ hội và thách thức trong giảm phát thải carbon trong sản xuất thép
- Hợp tác Đức - Việt trong giảm phát thải carbon ngành thép