ISSN-2815-5823
Thứ ba, 04h05 26/06/2018

Kì vọng vào chính sách thắt chặt nợ công

|(KDPT) – Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, tính đến cuối năm 2017, đã có hơn 3 triệu tỉ đồng nợ công, trung bình mỗi người dân Việt Nam đang gánh 30 triệu đồng nợ công. Dự báo đến năm 2020, nợ công sẽ lên đến 4,2 triệu tỉ đồng. Riêng phần trả lãi vay hằng năm chiếm tới 7%-8% tổng chi ngân sách nhà nước. Các chuyên gia kỳ vọng Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7 với nhiều điểm mới sẽ tạo ra được các công cụ để thắt chặt hiệu quả nợ công.

Ảnh minh họa.

Theo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), nợ công bao gồm: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Trong đó nợ được Chính phủ bảo lãnh gồm 2 loại là nợ của doanh nghiệp (DN) và nợ của ngân hàng chính sách nhà nước. Như thế, nợ công theo định nghĩa của luật sửa đổi lần này không bao gồm nợ tự vay, tự trả của DN nhà nước. Điều khoản này nhằm bảo đảm hoạt động bình đẳng giữa các loại hình DN theo quy định của Luật DN.

Một điểm đáng lưu ý khác là luật tăng cường thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ; tăng thẩm quyền của tập thể, hạn chế quy định thẩm quyền của cá nhân trong các hoạt động liên quan đến vay, trả nợ công. Tuy vậy, luật cũng gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân với trách nhiệm quản lý huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải giải trình và chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý nợ công của cơ quan, tổ chức; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Với riêng vay vốn ODA, luật quy định nhiệm vụ chủ trì, thực hiện vay được giao về Bộ Tài chính, thay vì Bộ Kế hoạch và Đầu tư như trước đây, để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, đúng tinh thần, chủ trương của Đảng và nhà nước về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì xác định thành tố ưu đãi, đánh giá tác động của khoản vay mới đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công, xác định cơ chế tài chính trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt cùng với đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) đưa ra quy định về chỉ tiêu an toàn nợ công; kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm; chương trình quản lý nợ công 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ hằng năm với những nội dung, trình tự cụ thể việc lập, quyết định và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đối với các chỉ tiêu đề ra. “Việc xây dựng, triển khai các công cụ quản lý nợ công được kế thừa và tiếp cận hơn với thông lệ quốc tế, có tác động tích cực và khẳng định sự cần thiết đối với quản lý nợ chủ động” – Thứ trưởng Mai nói.

Một điểm mới khác là luật đưa việc bảo đảm khả năng trả nợ, quản lý rủi ro đối với nợ công về quỹ tích lũy trả nợ. Quỹ này được lập để bảo đảm nguồn ngoại tệ trả nợ và được duy trì bằng các quy định cụ thể về yêu cầu quản lý quỹ, nguồn thu, sử dụng quỹ, quản lý nguồn vốn nhàn rỗi, cơ chế xử lý khi quỹ tích lũy trả nợ không đủ nguồn.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng cho biết luật mới đã bổ sung khái niệm “ngưỡng nợ công”, bên cạnh “trần nợ công” như trước đây để cảnh báo khi mức nợ công tiến gần đến mức trần thì cần thực hiện các biện pháp để xử lý, kiểm soát.

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ – Bộ Tài chính, cho rằng khái niệm “ngưỡng nợ công” được bổ sung trong bối cảnh nợ công của Việt Nam hiện đã sát trần. Theo thông lệ quốc tế, trước khi nợ chạm trần thì các cơ quan quản lý đưa ra ngưỡng nợ để cảnh báo trước và thực hiện các biện pháp cần thiết, như quản lý bội chi, việc cho vay lại, bảo lãnh vay… nhằm bảo đảm nợ không tiến đến sát trần.

Thùy Dương

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 14/05/2024