ISSN-2815-5823
MỘC TRÀ
Thứ bảy, 07h00 02/12/2023

Kinh tế tập thể góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, giảm nghèo bền vững

(KDPT) - Mô hình kinh tế tập thể vốn được xem là giải pháp mang lại hiệu quả cao trong xóa đói giảm nghèo tại khu vực nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số. Đặc biệt, các hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn từng ngày.

Báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam cho biết, cả nước hiện nay có khoảng trên 29.000 HTX, trên 223.000 Tổ hợp tác. Trong đó, số HTX nông nghiệp chiếm trên 64% tổng số HTX cả nước. Riêng vùng dân tộc thiểu số có khoảng 5.000 HTX và hơn 10.000 Tổ hợp tác. Khu vực HTX đang thu hút 3,2 triệu hộ nông dân. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh liên kết vùng là vấn đề vô cùng quan trọng giúp các HTX liên kết sản xuất, mở rộng đầu ra.

Chia sẻ về vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, HTX trong công tác giảm nghèo đa chiều, bà Chu Thị Vinh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, đến thời điểm này, khi nhắc đến mô hình HTX, chúng ta đều có thể định danh ngay được một số sản phẩm tiêu biểu của vùng miền. Ví dụ như khi nói đến các sản phẩm quế, hồi, mọi người sẽ nghĩ ngay đến các HTX ở khu vực Yên Bái, Lào Cai; hay khi nhắc đến sản phẩm bưởi da xanh, chúng ta có thể nghĩ đến các HTX ở Bến Tre, Sóc Trăng; hoặc khi nhắc đến sản phẩm miến dong riềng, mọi người sẽ nghĩ ngay đến các HTX ở Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu. Ở khu vực miền Trung, khi nhắc đến sản phẩm nho, ai cũng nghĩ ngay đến các HTX nho ở Ninh Thuận… Như vậy, nhờ có các HTX mà các sản phẩm vùng, miền địa phương có thương hiệu, được người dân trong cả nước biết đến.

Trồng cà gai leo cho hiệu quả cao ở Yên Thủy. (Ảnh: TL)

Một trong những hình mẫu thành công điển hình là HTX Nông Lâm Bảo Hiệu ở xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Phần lớn diện tích đặc thù tại đây là đất đồi, cây trồng chủ yếu là bí các loại nhưng vì điều kiện địa lý chưa thuận lợi cho việc tiêu thụ, lại vật lộn với bài toán được mùa mất giá khiến người nông dân nhụt chí, bỏ ruộng. Nhận thấy địa hình phù hợp với cây cà gai leo lại tận dụng được lượng nhân công bản địa thông thạo địa hình, thổ nhưỡng, anh Bùi Quý Hợi đã mạnh dạn thành lập HTX trồng cà gai leo làm dược liệu và năm 2016, HTX Nông Lâm Bảo Hiệu được thành lập. Anh Hợi không chỉ cung cấp miễn phí cây giống cà gai leo mà còn hướng dẫn kỹ thuật trồng cà gai leo và đứng ra bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con.

Các hội viên tham gia vào HTX có nguồn thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế địa phương. (Ảnh: Dân Việt)

Sau khi HTX đi vào hoạt động ổn định, đáp ứng thị trường tiêu thụ, anh Hợi đứng ra ký hợp đồng với nhiều Công ty dược khác nhau.

Đồng thời, HTX đã đầu tư xây dựng mô hình trồng cây nguyên liệu và liên kết với hơn 30 hộ xã viên trong việc trồng cà gai leo. Đặc biệt, với các hộ liên kết, HTX cam kết hỗ trợ mọi nguyên liệu vật tư đầu vào cũng như ký kết giá bán sản phẩm sau khi thu hoạch.

Vì vậy, bà con nông dân xã Bảo Hiệu và các xã lân cận đã yên tâm sản xuất trên chính mảnh đất của mình. Với năng suất bình quân 12 tấn khô/ha, nguyên liệu cà gai leo được HTX bao tiêu thu mua toàn bộ với giá ổn định 35.000 đồng/kg. Bình quân mỗi héc-ta cà gai leo đạt doanh thu trên 400 triệu đồng. Từ đó, giúp các hội viên tham gia HTX vươn lên làm giàu/..

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/05/2024