Nhiều hãng bia vẫn tăng trưởng tích cực bất chấp thị trường khó khăn
Thị trường bia Việt Nam từng là thị trường tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, đến năm 2023 lượng tiêu thụ đã bất ngờ sụt giảm mạnh trong bối cảnh sức mua giảm, cộng với việc cơ quan chức năng siết chặt quy định về nồng độ cồn với những người tham gia giao thông. Điều này đã kéo doanh thu và lợi nhuận của loạt doanh nghiệp bia đi xuống.
Những hãng bia tăng trưởng bất chấp khó khăn
Trong số 4 "ông lớn" ngành bia chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam là Sabeco, Habeco, Heineken và Carlsberg, đã có 2 cái tên công bố báo cáo tài chính năm 2023 thể hiện rõ sự khó khăn của thị trường.
Cụ thể, Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 13% cùng 23% so với con số cao kỷ lục của năm 2022. Tương tự, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) trong năm 2023 cũng giảm lần lượt 8% doanh thu và 30% lợi nhuận so với năm trước.
Điều đáng nói, hãng bia Carlsberg Việt Nam lại ghi nhận sản lượng năm 2023 tăng trưởng 8%. Báo cáo tài chính hợp nhất của Carlsberg trên toàn cầu cho thấy, doanh thu đã tăng 9,2% và đạt 73,6 tỷ DKK (tương đương với 10,6 tỷ USD). Con số ấn tượng này chủ yếu là nhờ doanh nghiệp đã tăng giá thành sản phẩm, trong khi lượng bia tiêu thụ đã giảm nhẹ 0,5%.
Đáng chú ý, lượng bia tiêu thụ đã có sự sụt giảm ở 2 trong số 3 thị trường lớn nhất của Carlsberg là Tây Âu và Đông Âu, mức giảm lần lượt được ghi nhận 4% và 2,3%. Tuy nhiên, con số này tại Châu Á lại tăng trưởng 3,7%, đặc biệt ở những thị trường như Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ.
Đặc biệt, thị trường Trung Quốc vẫn là con bài chiến lược khi chiếm đến 60% doanh số bán hàng; ngoài ra thị trường Việt Nam và Ấn Độ chiếm 17%. Tại Việt Nam, Carlsberg là hãng bia lớn thứ 4 trên thị trường với 8% thị phần và mức tăng trưởng sản lượng. Những thương hiệu như 1664 Blanc, Tuborg và Huda đều là những con bài chiến lược cho sự tăng trưởng của Carlsberg trong năm 2023, cũng được định hướng chú trọng và tăng cường đầu tư trong những năm tiếp theo để phát triển kênh phân phối, mở rộng phạm vi cũng như số lượng cửa hàng.
Năm 2024 sẽ chào đón sự trở lại của nhiều "ông lớn" ngành bia?
Tình hình kinh doanh của Carlsberg trong quý đầu năm nay đã cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu của hãng đã tăng trưởng 6,4%, số lượng sản phẩm bán ra cũng tăng 2% và đều có sự cải thiện ở 3 thị trường chính. Đáng chú ý, các thương hiệu đồ uống có cồn cũng tăng trưởng tốt và 2 thương hiệu Carlsberg cùng Tuborg đều có lượng bán ra tăng lần lượt 15% và 8% trong quý I/2024 so với cùng kỳ năm trước.
Điểm sáng của hãng tiếp tục là thị trường Châu Á (bao gồm Trung Quốc, Lào và Việt Nam). Tại khu vực này, doanh số bán hàng đã tăng trưởng 3,1% và doanh thu tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tăng trưởng mạnh mẽ nhất là thị trường Trung Quốc nhờ hiệu ứng từ Tết Nguyên đán. Lượng tiêu thụ sản phẩm Carlsberg tại Việt Nam tương đương với cùng kỳ năm trước.
Cũng tại thị trường Việt Nam, Sabeco mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất của quý I/2024 với nhiều nội dung đáng chú ý. Theo báo cáo này, doanh thu thuần của hãng trong quý đầu năm đạt 7.184 tỷ đồng, tăng 970 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương ứng mức tăng 15,6%. Lãi sau thuế được ghi nhận là 1.024 tỷ đồng, so với cùng kỳ đã tăng gần 2% và tăng gần 6% so với quý trước. Nhờ đó, Sabeco đã thành công cắt đứt chuỗi tăng trưởng âm 5 quý liên tiếp so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, doanh thu của Habeco trong quý I/2024 tăng 11,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí bán hàng tăng cao khiến công ty báo lỗ 13 tỷ đồng trước thuế.
Số liệu từ Statista cho thấy, doanh thu ngành bia trên toàn cầu trong năm 2023 đạt 630 tỷ USD, tương đương với con số được ghi nhận vào năm 2019 - thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Dự kiến, doanh thu ngành này vẫn tiếp tục tăng trưởng, đến năm 2028 sẽ đạt mức 822 tỷ USD.
Theo tìm hiểu, Carlsberg là tập đoàn bia của Đan Mạch với hơn 200 năm hình thành và phát triển; có hơn 140 thương hiệu gồm bia cùng nhiều loại thức uống khác. Những nhãn hiệu bia Carlsberg, Tuborg và Baltika của tập đoàn đã nổi tiếng khắp Châu Âu và toàn cầu. Từ năm 1976 tới nay, lượng bia Carlsberg và Tuborg xuất khẩu đã vượt rất xa so với doanh số bán hàng trong nước.
Theo số liệu cuối năm 2021, cổ đông lớn nhất của tập đoàn này là quỹ Carlsberg khi đang nắm giữ 30% cổ phần; tiếp đến là quỹ BlackRock và công ty dịch vụ tài chính Massachusetts cùng nắm giữ trên 5% cổ phần của tập đoàn.
Một trong số những thị trường chiến lược của Carlsberg chính là Việt Nam. Thực tế cho thấy, tập đoàn này chính là một trong những cái tên đầu tiên của Đan Mạch đầu tư vào Việt Nam thông qua việc xây dựng nhà máy liên doanh tại Hà Nội năm 1993. Kể từ năm 2011, Carlsberg đã chính thức "thâu tóm" nhà máy bia Huế cùng thương hiệu Huda, từng bước xây dựng vị thế vững chắc tại Việt Nam./.
- MSB: Lợi nhuận quý I đạt 1.530 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu/cho vay vượt 3,1%
- ĐHĐCĐ CADIVI: Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 460 tỷ đồng, có Chủ tịch HĐQT mới
- Chuyên gia gợi ý nhóm ngành có khả năng tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý II/2024