ISSN-2815-5823

Kinh tế tuần hoàn kiến tạo tương lai phát triển bền vững cho Việt Nam

(KDPT) - Việt Nam đang ở giai đoạn ban đầu của xây dựng kinh tế tuần hoàn, các yếu tố để phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam đã có. Tuy nhiên Việt Nam đang cần một kế hoạch tổng thể, với lộ trình chi tiết để phát triển kinh tế tuần hoàn một cách bài bản như các nước phát triển, để hướng tới tương lai phát triển bền vững.
Phát triển trồng trọt theo hướng xanh, hữu cơ, tuần hoàn, đa giá trị Tổng quan về kinh tế xanh: Khái niệm và cách tiếp cận thực hiện

1. Tại sao lại là nền kinh tế tuần hoàn?

Trong mọi hệ khép kín tồn tại bền vững đều tồn tại một quy luật tuần hoàn. Bầu khí quyển bao quanh Trái đất cũng là một hệ tuần hoàn khép kín. Hơi nước bốc lên gặp không khí lạnh lại thành nước rơi xuống. Thực vật hấp thụ carbon dioxide và các chất vô cơ để tạo ra oxy và các chất hữu cơ. Động vật lại hấp thụ oxy thải ra carbon dioxide cùng các chất thải hữu cơ của chúng cung cấp lại cho thực vật phát triển. Thực vật phát triển quá mạnh thì sẽ giúp cho động vật ăn cỏ phát triển. Động vật ăn cỏ phát triển quá nhanh sẽ có nguy cơ tiêu diệt hệ thực vật. Để đảm bảo hệ sinh thái bền vững tự nhiên đã sinh ra động vật ăn thịt để hạn chế sự phát triển quá mức của động vật ăn cỏ và một số động vật ăn thịt khác. Các vi sinh vật đóng vai trò chế biến xác các động vật trở thành đầu vào cho các thực vật.

Trong nền kinh tế tiền công nghiệp thì cơ bản dựa vào nông nghiệp và do đó bản chất của nền kinh tế là tuần hoàn. Con người khai thác lương thực, thực phẩm từ tự nhiên (trồng trọt, chăn nuôi, săn bắt, hái lượm) và hầu như không khai thác các tài nguyên không thể tái tạo. Chất thải của quá trình sản xuất và tiêu thụ của con người được thải trở lại môi trường, được môi trường tự nhiên hấp thụ và biến thành đầu vào cho một quá trình khác của động thực vật.

Khi con người bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, các nền kinh tế bắt đầu khai thác những tài nguyên không thể tái tạo được ở quy mô lớn và thải ra môi trường những chất thải khó hấp thụ và gây hại cho hệ động thực vật. Như vậy, quá trình sản xuất và tiêu thụ của con người một mặt sẽ càng làm cạn kiệt tài nguyên và mặt khác phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái. Đây chính là mô hình nền kinh tế tuyến tính. Con người khai thác tài nguyên làm đầu vào sản xuất tạo ra sản phẩm để tiêu dùng sau đó thải ra môi trường để môi trường tự nhiên hấp thụ và phân rã tự nhiên.

Hình 1: Nền kinh tế tuyến tính

Nếu xu hướng này không được thay đổi thì chắc chắn sẽ đến thời điểm con người sẽ tự phá hủy môi trường sống của mình đến mức không tồn tại đươc. Ví dụ, chất thải nhựa trên toàn thế giới năm 2014 chỉ là 311 triệu tấn. Theo xu hướng này thì dự báo đến 2050 tổng lượng chất thải nhựa sẽ tăng lên khoảng 1.124 triệu tấn (lớn hơn toàn bộ khối lượng cá ước tính trên đại dương). Chất thải nhựa chỉ có thời gian phân hủy trong tự nhiên phần lớn là trên 200 năm (túi nhựa mỏng thì cần 20 năm, ống hút nhựa cần 200 năm, chai nước, ly nhựa cần 450 năm, bàn chải đánh răng cần 500 năm...). Thêm vào đó chất thải nhựa khi phân hủy sẽ tạo thành các hạt vi nhựa và tiếp tục tồn tại trong tự nhiên. Với xu hướng này trong vòng 100 năm tới (từ năm 2022-2122) thì tổng số chất thải nhựa trên Trái đất được tích lũy thêm 675,5 tỷ tấn. Khối lượng nhựa này nếu chất đống thành các kim tự tháp tương đương kim tự tháp lớn nhất là kim tự tháp Giza thì chúng ta được hơn 179.000 kim tự tháp nhựa như vậy.

Chất thải nhựa khi phân hủy sẽ tạo thành các hạt vi nhựa và tiếp tục tồn tại trong tự nhiên. Với xu hướng này trong vòng 100 năm tới (từ năm 2022-2122) thì tổng số chất thải nhựa trên Trái đất được tích lũy thêm 675,5 tỷ tấn.

Khối lượng nhựa này nếu chất đống thành các kim tự tháp tương đương kim tự tháp lớn nhất là kim tự tháp Giza thì chúng ta được hơn 179.000 kim tự tháp nhựa như vậy.

Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa gia tăng nhanh chóng, năm 2014 khoảng 1,8 triệu tấn/năm, năm 2016 khoảng 2,0 triệu tấn/năm và 2021 khoảng 3,27 triệu tấn/năm được tạo ra tại Việt Nam. Khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon. Đây là những thách thức rất lớn đối với môi trường của Việt Nam.

Bên cạnh chất thải nhựa, con người còn thải ra môi trường hàng loạt các chất thải rắn, lỏng và khí khác mà môi trường tự nhiên không thể hấp thu và duy trì sự cân bằng. Ví dụ: cao su, chất phóng xạ, các hóa chất độc hại, carbon dioxide, metan... Vì vậy, mô hình nền kinh tế tuyến tính chắc chắn là không bền vững: (i) nó sẽ khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên không thể tái tạo và tài nguyên có thể tái tạo khi mức độ khai thác vượt quá mức độ tái tạo của tự nhiên; (ii) Chất xả thải vượt quá khả năng hấp thụ của tự nhiên và sẽ phá hủy môi trường sống của chúng ta.

Một tương lai u ám được nhìn thấy trước như vậy có thể tránh được không? Rõ ràng chúng ta chỉ có thể tránh được điều này khi thực hiện đồng thời hai điều kiện: (i) giảm mức độ khai thác tài nguyên; (ii) giảm mức độ xả thải. Đến đây chúng ta đối diện với một tình thế lưỡng nan. Một mặt chúng ta cần có tăng trưởng kinh tế tức là chúng ta cần đầu vào ngày càng nhiều cho nền kinh tế và tiêu dùng ngày càng lớn. Mặt khác chúng ta phải giảm khai thác tài nguyên và giảm xả thải ra môi trường. Mô hình để vượt qua tình thế lưỡng nan này được đề xuất là mô hình kinh tế tuần hoàn.

Ý tưởng về một nền kinh tế tuần hoàn được đưa ra từ những năm 60 và 70 của thế kỷ trước bởi các nhà kinh tế môi trường và kinh tế sinh thái (Reike, Vermeulen, & Witjes; Wautelet). Tuy nhiên, khi đó các khái niệm này chỉ thể hiện được góc nhìn của một hoặc một vài lĩnh vực cụ thể và chưa toàn diện. Ý tưởng này được cụ thể hóa tại báo cáo của Stahel và Reday (1977), trong đó đề xuất hướng tiếp cận tuần hoàn trong ngành công nghiệp chế tạo ô tô và xây dựng, với ý tưởng chủ đạo hướng tới việc kéo dài vòng đời sản phẩm nhằm giúp tiết kiệm năng lượng và sức lao động. Từ đó, họ lập luận rằng một nền kinh tế với các vòng tuần hoàn khép kín, ưa thích việc tái sử dụng, ưa thích sửa chữa và tái sản xuất hàng hóa hơn là sản xuất hàng hóa mới sẽ có tác động tích cực trong việc tạo việc làm, cạnh tranh kinh tế, tiết kiệm tài nguyên. Những năm sau, khái niệm kinh tế tuần hoàn tiếp tục trải qua nhiều bước thay đổi để phát triển toàn diện hơn. Tới năm 2017, Kirchherr, Reike, & Hekkert (2017) thống kê rằng đã có tới 114 cách hiểu về kinh tế tuần hoàn được đưa ra. Trong đó có cả những cách hiểu đơn giản như kinh tế tuần hoàn là giảm phát thải, đến những khái niệm phức tạp hơn như 3R và 4R.

Hình 2: Mô hình kinh tế tuần hoàn tổng quát
Hiện nay khái niệm kinh tế tuần hoàn được tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) xác định kinh tế tuần hoàn là một cách mới để tạo ra giá trị và hướng tới mục tiêu cao nhất là sự thịnh vượng. Nó hoạt động bằng cách kéo dài vòng đời sản phẩm thông qua việc cải tiến thiết kế và bảo dưỡng, chuyển chất thải từ điểm cuối chuỗi cung ứng trở lại điểm đầu - qua đó, sử dụng các tài nguyên hiệu quả hơn bằng cách sử dụng nhiều lần chứ không chỉ một lần”. Hiểu một cách đơn giản nền kinh tế tuần hoàn cố gắng sử dụng tối đa những phần xả thải của quá trình sản xuất và tiêu dùng để đưa trở lại quá trình sản xuất, nhờ đó tối thiểu hóa phần xả thải ra môi trường cũng như nhu cầu khai thác tài nguyên từ môi trường.

Thế giới ngày càng nhận thức được rằng nền kinh tế thế giới chỉ có thể phát triển bền vững khi dựa trên mô hình tuần hoàn. Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều cho rằng kinh tế tuần hoàn “là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường”. Nghiên cứu của tổ chức WRAP Anh Quốc cho thấy 45% xả thải trên toàn cầu chỉ có thể xử lý được thông qua việc chúng ta thay đổi cách thức sản xuất và tiêu dùng.

Chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn là một quá trình, phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức của các cơ quan hoạch định chính sách, sự hợp tác của cộng đồng quốc tế, sự sẵn có của công nghệ và tính khả thi về mặt tài chính. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải thống nhất nhận thức để chuyển sang hành động.

2. Một số bài học từ kinh nghiệm quốc tế

Hiện nay, trên thế giới, các nước phát triển đã phát triển khá nhanh nền kinh tế tuần hoàn và cung cấp nhiều bài học hữu ích cho các nước đi sau.

Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng một khung pháp lý toàn diện nhằm đưa đất nước này hướng tới một xã hội dựa trên việc tái chế. Đạo luật về việc thành lập một xã hội dựa trên tái chế có hiệu lực vào năm 2002 cung cấp các mục tiêu định lượng để tái chế và phi vật chất hóa trong dài hạn cho xã hội Nhật Bản. Từ đạo luật này, Nhật Bản đã ban hành các chính sách chi tiết về ưu đãi, đo lường, thúc đẩy nhận thức xã hội…

Nhật Bản triển khai “đổi mới xanh” - đổi mới trong lĩnh vực môi trường và năng lượng để đạt được một xã hội carbon thấp.

Nhờ vậy, tỷ lệ tái chế của Nhật Bản thực sự đáng kinh ngạc: Nước này tái chế tới 98% kim loại (Government of Japan, 2010) và trong năm 2007, chỉ có 5% chất thải của Nhật Bản phải sử dụng phương pháp chôn lấp, so với con số 48% đối với Vương quốc Anh vào năm 2008. Luật Tái chế thiết bị Nhật Bản của Nhật Bản đảm bảo rằng phần lớn các sản phẩm điện và điện tử được tái chế, so với con số 30%-40% ở Châu Âu (Government of Japan, 2010). Trong số các thiết bị này, 74%-89% vật liệu chứa trong đó được thu hồi (Forum, 2012). Quan trọng hơn, nhiều trong số các vật liệu này được quay trở lại phục vụ cho mục đích sản xuất các sản phẩm cùng loại (Panasonic, 2013). Tất cả những điều này tạo tiền đề cho Nhật Bản triển khai một nền kinh tế thực sự tuần hoàn.

Một bãi đỗ xe làm từ nhựa đường tái sử dụng ở Nhật Bản (Ảnh: Maeda group)

Trung Quốc triển khai nền kinh tế tuần hoàn bằng cách đưa nó vào các kế hoạch của chính phủ trong một số năm gần đây với ưu tiên chính nhằm vào cấp độ các thành phố. Theo đó, Trung Quốc triển khai kinh tế tuần hoàn trên toàn bộ nền kinh tế, có hệ thống ở ba cấp độ đã được định hình: Quy mô vĩ mô (thành phố, tỉnh và huyện), trung gian (khu vực cộng sinh) và quy mô vi mô (đối tượng cụ thể như doanh nghiệp) với một số lĩnh vực trọng tâm chính trong các hệ thống công nghiệp, môi trường xây dựng, cơ sở hạ tầng đô thị và hệ sinh thái.

Chiến lược kinh tế tuần hoàn của Trung Quốc được triển khai ở ba cấp độ: Thúc đẩy sản xuất sạch ở phạm vi doanh nghiệp, trong các khu công nghiệp triển khai hệ sinh thái công nghiệp, ở cấp khu vực phát triển các thành phố sinh thái. Chiến lược này đã được thử nghiệm trong bảy lĩnh vực công nghiệp và được thực hiện tại 13 khu công nghiệp và kể từ năm 2005, tại 10 thành phố sinh thái và tỉnh sinh thái (Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh, Quý Dương, Ninh Ba, Hà Bắc, Đồng Lăng, Liêu Ninh, Sơn Đông và Giang Tô) dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia.

Theo OECD, Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ tái chế cao thứ hai trong các quốc gia OECD năm 2013 (McCarthy 2016). Bộ Môi trường Hàn Quốc (2017) đã tuyên bố ban hành các nguyên tắc tuần hoàn tài nguyên từ 1/1/2018. Bộ Luật tuần hoàn tài nguyên bao gồm các điều như “nhận diện tài nguyên tuần hoàn”, “quản lý hiệu suất tuần hoàn tài nguyên”, “đánh giá tính khả dụng của chu kỳ tuần hoàn” và “phí xử lý chất thải”. Ngoài ra, Bộ luật này cũng bao gồm các chính sách để giảm lượng chất thải trong tất cả các quy trình từ sản xuất, phân phối, tiêu thụ cho đến xử lý sản phẩm và để thúc đẩy tái chế.

Hàn Quốc quan tâm phát triển mô hình tăng trưởng xanh, carbon thấp

Đối với Việt Nam là nước đi sau, năng lực công nghệ và tài chính còn hạn chế thì việc có được một lộ trình xây dựng nền kinh tế tuần hoàn là rất quan trọng. Kinh nghiệm các nước cho thấy, lộ trình xây dựng kinh tế tuần hoàn bắt đầu bằng nhận thức, sau đó là hệ thống pháp luật chính sách và tuần tự thực thi chính sách. Một số nước lựa chọn cách tiếp cận theo nhóm ngành, sản phẩm, nguyên liệu hoặc vật liệu. Còn một số nước tiếp cận theo khu vực kinh tế, với điểm cốt lõi là tạo ra các khu liên hợp kinh tế trong một không gian địa lý (các khu công nghiệp, các thành phố…) và thiết kế để các lĩnh vực sản xuất trong không gian này kết nối với nhau thành các vòng tuần hoàn. Việt Nam có thể tiếp cận kết hợp hai phương pháp trên. Việt Nam có nhiều khu công nghiệp tập trung nên thuận lợi cho cách tiếp cận thứ hai. Nhưng Việt Nam cũng cần ưu tiên một số nhóm ngành cần thực hiện ngay việc tuần hoàn rác thải như ngành sản xuất nhựa và túi ni-lon vì đây là ngành gây ra thách thức môi trường lớn nhất hiện nay.

3. Về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Về cơ bản, Việt Nam đang ở giai đoạn ban đầu của xây dựng kinh tế tuần hoàn. Các chủ trương chính sách lớn hiện nay vẫn tập trung vào nhiệm vụ hạn chế xả thải và xử lý chất thải trước khi xả ra môi trường. Khái niệm kinh tế tuần hoàn được luật hóa lần đầu tiên vào năm 2020 trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và 2 năm sau Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ mới quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường về tiêu chí, cách thức áp dụng, phân công trách nhiệm và cơ chế khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn đồng thời giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh xây dựng, lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch này trước ngày 31/12/2023.

Mặc dù vậy, sự nhận thức của xã hội về vấn đề môi trường, vấn đề xử lý chất thải và kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam hiện nay là khá rộng. Từ khóa “ô nhiễm môi trường” trên trang tìm kiếm google xuất hiện 13,2 triệu lần trong khi từ khóa “tăng trưởng kinh tế” chỉ xuất hiện 7,68 triệu lần, “nghèo đói” xuất hiện 1,42 triệu lần, “bất bình đẳng” xuất hiện 1,28 triệu lần. Như vậy trong 3 trụ cột của phát triển bền vững thì dường như người Việt Nam quan tâm nhiều nhất đến vấn đề ô nhiễm môi trường. Đây chính là cơ sở quan trọng để Việt Nam phát triển kinh tế tuần hoàn. Trên thực tế, mặc dù chưa có các chính sách cụ thể nhưng nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào ngành xử lý chất thải và kinh tế tuần hoàn có thể kể đến như: Nhà máy điện ở Vĩnh Tân (Đồng Nai) với công suất 600 tấn/ngày, công suất phát điện 30MW; ở Sóc Sơn (Hà Nội) với công suất 4.000 tấn/ngày, công suất phát điện 75MW; ở Phù Ninh (Phú Thọ) với công suất 500 tấn/ngày; hai nhà máy tại Củ Chi, TP.HCM với công suất mỗi nhà máy là 1.000 tấn/ngày; “Nhà máy xử lý, tái chế chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại” của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xử lý môi trường Khải Tiến Phát có quy mô công suất 8.800 tấn/ngày, Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 tại Đồng Nai có công suất tái chế, xử lý 40 tấn chất thải công nghiệp/ngày và 91 tấn chất thải nguy hại/ngày,…

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đầu tư vào ngành xử lý chất thải và kinh tế tuần hoàn (Ảnh: TTX)

Có đến 72 doanh nghiệp tham gia dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên Hiệp Quốc (UNIDO) thực hiện từ năm 2014. Dự án thực hiện thí điểm tại các khu công nghiệp Khánh Phú và Gián Khẩu (tại Ninh Bình); khu công nghiệp Hòa Khánh (TP. Đà Nẵng) và khu công nghiệp Trà Nóc 1 & 2 (Cần Thơ), qua đó giúp hàng năm tiết kiệm được hơn 6,5 triệu USD. Các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch do dự án tư vấn cho các doanh nghiệp triển khai đã giúp tiết kiệm được hơn 22.000 Mwh điện; hơn 600.000 m3 nước sạch; hơn 140 TJ (Têrajun) nhiên liệu hóa thạch và gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải. Các giải pháp này cũng đã giảm được 32 Kt khí CO2 hàng năm.

Như vậy từ các thực trạng nêu trên có thể rút ra được một số nhận xét về quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam như sau:

- Kinh tế tuần hoàn là mô hình hiệu quả nhất để duy trì môi trường sinh thái bền vững cho các thế hệ tiếp theo. Mô hình kinh tế tuyến tính chắc chắn dẫn đến sự hủy diệt môi trường sống của nhân loại.

- Phát triển kinh tế tuần hoàn bị hạn chế bởi nhận thức của xã hội, của các nhà hoạch định chính sách, của sự sẵn có công nghệ, tính khả thi về mặt tài chính.

- Kinh nghiệm các nước cho thấy trước tiên phải có sự đồng thuận về xã hội đối với vấn đề môi trường, sau đó một khu pháp luật và chính sách rõ ràng có lộ trình là điều kiện cần, tổ chức đo lường kiểm tra, kiểm toán, giám sát chặt chẽ là điều kiện đủ.

- Tại Việt Nam, nhận thức của xã hội rất cao về vấn đề ô nhiễm môi trường. Mặc dù chưa có các chính sách toàn diện để phát triển kinh tế tuần hoàn nhưng các doanh nghiệp đã và đang đầu tư mạnh vào công nghiệp xử lý chất thải, tái chế chất thải, đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Các mô hình kinh tế tuần hoàn đang phát triển theo nhu cầu thị trường như: Mô hình khu công nghiệp sinh thái như đã nói ở trên; Mô hình kinh tế Vườn - Ao - Chuồng và Vườn - Ao - Chuồng - Rừng; Mô hình kinh tế sinh thái; Mô hình sản xuất sạch hơn đến nay có hàng nghìn doanh nghiệp tham gia, các làng nghề tái chế chất thải (làng nghề tái chế nhựa Trung Văn (Hà Nội), làng nghề đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh), làng nghề tái chế nhựa Vô Hoạn (Nam Định), làng nghề tái chế nhôm Yên Bình (Nam Định), Làng nghề tái chế thép Đa Hội (Bắc Ninh); mô hình làng kinh tế sinh thái (hiện có 2 mẫu làng sinh thái điển hình đó là làng sinh thái hợp nhất Ba Vì, Hà Tây và làng sinh thái Kim Lư - Na Rì - Bắc Kạn).

Tại Việt Nam, nhận thức của xã hội rất cao về vấn đề ô nhiễm môi trường. Mặc dù chưa có các chính sách toàn diện để phát triển kinh tế tuần hoàn nhưng các doanh nghiệp đã và đang đầu tư mạnh vào công nghiệp xử lý chất thải, tái chế chất thải, đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Như vậy các yếu tố để phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam đã có. Tuy nhiên Việt Nam đang thiếu một kế hoạch tổng thể, với lộ trình chi tiết để phát triển kinh tế tuần hoàn một cách bài bản như các nước phát triển.

Trước mắt, Việt Nam vẫn cần liên tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tuần hoàn để tận dụng cơ chế tự điều chỉnh của thị trường.

Thứ hai, nên dành ưu tiên các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn trong các khu, cụm công nghiệp tập trung để tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô tại các cụm khu công nghiệp này.

Kinh tế tuần hoàn kiến tạo tương lai phát triển bền vững cho Việt Nam
TS. Nguyễn Tú Anh, Ban Kinh tế Trung ương

Thứ ba, đối với các cụm công nghiệp, làng nghề thường sử dụng các công nghệ cũ, mức phát thải, xả thải lớn nên một mặt áp dụng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất sạch hơn và xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung, mặt khác cần sử dụng các thể chế cộng đồng để giám sát và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân tại đây.

Thứ tư, đối với lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm lớn cho môi trường như chất thải nhựa, chất thải gây ô nhiễm nguồn nước, không khí cần có cách tiếp cận cụ thể, chi tiết để có thể kiềm chế tốc độ phát thải hạn chế gây hại cho môi trường.

Cuối cùng, lợi ích của kinh tế tuần hoàn là lợi ích toàn xã hội, nhưng chi phí cho việc xử lý, tái chế, tuần hoàn chất thải lại do doanh nghiệp gánh chịu. Do đó để mô hình kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững thì cần nhất là cơ chế chia sẻ chi phí và lợi ích giữa nhà nước với doanh nghiệp. Nếu không có sự chia sẻ này thì kinh tế tuần hoàn sẽ rất khó phát triển./.

TS. NGUYỄN TÚ ANH
Ban Kinh tế Trung ương



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 15/01/2025