Vàng mang lại hiệu suất thấp, chuyên gia khuyên nhà đầu tư rót tiền vào bất động sản và chứng khoán trong 2025
Thời gian qua, giá vàng liên tục tăng nóng khiến không ít người đổ xô rút tiền tiết kiệm mua vàng. Tuy nhiên, theo một báo cáo vừa được quỹ Dragon Capital công bố vào cuối tuần qua, hiệu suất đầu tư vàng không thật sự cao như mọi người mong đợi.
Theo đó, vàng có hiệu suất kém so với cổ phiếu, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, chỉ đạt mức 2-2,5 trên thang điểm tối đa là 5.
Lý giải cho đánh giá trên, các chuyên gia cho rằng, biến động giá kim loại quý rất khó đoán dẫn đến hiệu suất đầu tư thực tế không cao như nhiều người nghĩ. Bên cạnh đó, xét về mặt đầu cơ, vàng bị hạn chế bởi sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định tỷ giá.
Dữ liệu được quỹ này công bố trước đó cho thấy, trong giai đoạn 2001-2022, vàng là kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời kém thứ hai, khoảng 9% một năm, chỉ nhỉnh hơn ngoại tệ. Tại nhiều thời điểm, giá vàng trong nước có sự chênh lệch lớn và diễn biến trái chiều so với thị trường thế giới. Mặt khác, đầu tư vàng chỉ có thể ghi nhận được lãi về vốn - khoản chênh lệch giữa giá bán với giá mua ban đầu, mà không tạo ra tiền lãi ổn định.
Trong khi đó, Dragon Capital đánh giá cao cổ phiếu và bất động sản. Đơn vị này cho cả hai cùng đạt 3,5-4 điểm trong thang đo về hiệu suất đầu tư.
"Bất động sản và chứng khoán được đánh giá có điểm ngang nhau 3,5-4/5. Khi cơ sở hạ tầng được nâng cao, bất động sản là kênh không hề tệ bởi những lý do: Thị trường bất động sản đang phục hồi rõ rệt, đặc biệt ở miền Bắc; tháo gỡ pháp lý sẽ tiếp tục mạnh mẽ hơn; lợi nhuận. Tuy nhiên, lợi nhuận trung hạn của các dự án mới sẽ gặp khó do nền giá mở bán cao. Ở một số khu vực chưa được quan tâm nhiều, tiềm năng hiệu suất cao hơn”.
Cuối cùng, Dragon Capital đánh giá trái phiếu doanh nghiệp ở mức 3 trên thang 5 điểm về hiệu suất. Quỹ này cho rằng lợi suất trái phiếu doanh nghiệp vẫn có tỷ lệ hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm ngân hàng, đồng nghĩa rủi ro cũng cao hơn. Do đó, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi lựa chọn trái phiếu để đảm bảo an toàn và thanh khoản.
Nên rót tiền vào đâu trong năm 2025?
Theo chuyên gia ông Ngô Thành Huấn, CEO Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, việc phân bổ tài sản là vấn đề quan trọng hàng đầu trong đầu tư tài chính. Để có một danh mục tối ưu, nhà đầu tư cần xác định hồ sơ rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng, sau đó xác định chu kỳ của kinh tế và của các kênh đầu tư, cuối cùng mới xây dựng danh mục đầu tư.
Theo ông, việc xác định chu kỳ kinh tế là bước rất quan trọng, tác động lớn tới hiệu suất đầu tư, tuy nhiên nhiều người lại bỏ qua hoặc xem nhẹ. Thà chọn sai kênh tài sản ở một chu kỳ đúng, còn hơn chọn đúng nơi rót tiền ở một chu kỳ sai.
Theo chuyên gia phân tích FIDT, Việt Nam hiện đang ở chu kỳ phục hồi ban đầu. Dấu hiệu nhận biết là lãi suất chạm đáy, đang bắt đầu nhích nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp trong nhiều năm.
Ở mặt vĩ mô, GDP tăng vượt mục tiêu với mức 7,09% năm 2024, sản xuất công nghiệp cũng hồi phục. Doanh số bán hàng của doanh nghiệp tăng trưởng nhưng tồn kho ở mức thấp. Nhu cầu tín dụng được đáp ứng dễ dàng hơn. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu bắt đầu tăng.
Với việc nhận định kinh tế đang trong chu kỳ phục hồi ban đầu, FIDT gợi ý kênh đầu tư phù hợp sẽ gồm bất động sản, chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) và vàng.
"Năm nay là vùng mua tốt với bất động sản. Nếu cần tăng trưởng tài sản, có thể mua cổ phiếu và trái phiếu. Còn với vàng, nhà đầu tư không nên mua thêm nhưng vẫn chưa cần bán sớm", ông Huấn nói thêm.
Theo ông Lê Bảo Long - Giám đốc marketing nền tảng Batdongsan, thị trường bất động sản đã trải qua điểm đảo chiều từ đầu năm 2024 và tiến tới giai đoạn thăm dò những tháng cuối năm. Sang năm nay, dự báo bất động sản có thể bước sang giai đoạn củng cố.
Hiện giao dịch trên thị trường đang cải thiện, sôi động nhất là khu vực phía Bắc. Song song đó, bộ ba Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản sửa đổi có hiệu lực sẽ tạo hành lang pháp lý minh bạch, giúp thị trường phát triển bền vững. Ngoài ra, chính sách tiền tệ cũng được dự báo vẫn kiên định nới lỏng, lãi suất có thể tăng nhưng chỉ nhích nhẹ.
Thời gian tới, Batdongsan cho rằng, địa ốc có thể dần khởi sắc. Các kỳ vọng hỗ trợ dự báo trên gồm tiềm năng phát triển kinh tế và đầu tư, thị trường khôi phục nguồn cung và tăng trưởng giá.
Trong khi đó, đối với thị trường chứng khoán, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc khối Nghiên cứu đầu tư FIDT cho rằng, VN-Index đang đi ngang theo chiều hướng giảm nhưng cuối năm nay có thể đóng cửa trên 1.300 điểm với phổ giá dự báo 1.320-1.540 điểm. Định giá thị trường vẫn hấp dẫn khi P/E (giá thị trường trên thu nhập mỗi cổ phiếu) chỉ quanh 13 lần hay P/B (giá thị trường trên giá trị sổ sách) khoảng 1,7 lần. Lợi nhuận doanh nghiệp toàn thị trường dự báo tăng 16% với tiềm năng lớn đến từ ngành ngân hàng, công nghệ, bất động sản. Cơ hội lớn từ nâng hạng thị trường đến gần.
"Nếu quên đi nỗi đau ngắn hạn hiện tại, cơ hội dài hạn rất lớn", ông Huy nêu quan điểm.
Ở kênh trái phiếu, chuyên gia FIDT cho rằng, trải qua đợt khủng hoảng niềm tin từ năm 2022 đến nay, thị trường đã dần phục hồi nhờ pháp lý hoàn thiện. Với Luật Chứng khoán sửa đổi, rủi ro sẽ giảm thiểu, gia tăng quyền lợi của trái chủ. Xu hướng năm nay được cho là các doanh nghiệp sẽ tăng phát hành mới với lãi suất cao hơn, trong khi tình trạng chậm trả gốc và lãi hạ bớt. Thanh khoản giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp cũng dự kiến được phục hồi./.
- Vượt sóng, App TPBank vẫn là ứng dụng được yêu thích nhất tại We Choice 2024
- Dự án ứng dụng AI đột phá trong giáo dục lần đầu tiên tại Việt Nam
- Công bố Dự án “Khỏe - Đẹp - Khoa học”