"Kinh tế tuần hoàn là dấu mốc quan trọng, nổi bật cho sự phát triển của đất nước"
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, việc lựa chọn kinh tế tuần hoàn là dấu mốc, thời điểm hết sức cần thiết, quan trọng, khẳng định yêu cầu giải quyết những vấn đề toàn cầu về mô hình phát triển dựa vào kinh tế tri thức, trên nguyên tắc các nước phát triển, đang phát triển đi cùng nhau, lựa chọn những phải pháp, công nghệ mang tính toàn cầu, để phát triển bền vững, không để ai ở lại phía sau.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023. (Ảnh: VGP/MK) |
Đánh giá cao chủ đề của Diễn đàn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu “phải hành động” từ phạm vi quốc tế đến trong nước với mục tiêu rõ ràng: Kinh tế tuần hoàn là dấu mốc quan trọng, nổi bật cho sự phát triển của đất nước, kết nối người dân, doanh nghiệp, Chính phủ. Đồng thời, cần đặt ra mục tiêu rõ ràng cho kinh tế tuần hoàn trong toàn bộ chuỗi khai thác, quản lý, sử dụng tài nguyên tái tạo, tài nguyên tri thức, từ lý luận đến thực tiễn, những chính sách, khuôn khổ pháp lý, hiệu quả kinh tế, lợi ích giữa doanh nghiệp và xã hội.
"Chúng ta cần phải có một hành lang pháp lý cho việc hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với trách nhiệm của các thành phần trong nền kinh tế. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, doanh nghiệp là động lực trung tâm, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện. Những chính sách cụ thể sẽ là bệ đỡ, bệ phóng cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp thực hành kinh doanh tuần hoàn một cách hiệu quả nhất," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thủ tướng, chúng ta cần xây dựng các quy chuẩn kinh tế, tiêu chuẩn, giá trị đạo đức, văn hoá mới; có cơ chế chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, bản quyền công nghệ đột phá, cốt lõi từ các nước phát triển cho các nước đang phát triển.
Kinh tế tuần hoàn phải là suy nghĩ, tư duy thường trực, trong đó, Chính phủ đóng vai trò tiên phong, lãnh đạo, cộng đồng doanh nghiệp tham gia chủ động, trong tầm nhìn tổng thể, đồng bộ, có kế hoạch định hướng, phối hợp, phân công cụ thể.
Tại Diễn đàn, các đối tác trong nước và quốc tế cũng đã thảo luận về Dự thảo của kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn cũng như lộ trình triển khai.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường) |
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh chia sẻ, đây là cơ sở quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Để chuẩn bị tốt cho việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, Bộ trưởng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương lồng ghép kinh tế tuần hoàn trong quá trình xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với Kế hoạch quốc gia và đặc điểm của ngành, lĩnh vực và địa phương. Trong quá trình thực hiện, thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin với Bộ Tài nguyên và Môi trường để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
"Cộng đồng doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và áp dụng các biện pháp để khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải, nâng cao mức độ tái chế, tái sử dụng chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế đến giai đoạn sản xuất, phân phối sản phẩm, hàng hóa", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh./.