ISSN-2815-5823

Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm tăng trưởng ổn định

(KDPT) - Sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong đảm bảo song hành 2 mục tiêu tăng trưởng và giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Liên tiếp các tỉnh, thành trong cả nước công bố tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt mức ấn tượng, có tỉnh tới trên 14% đã góp phần đưa tăng trưởng GDP cả nước 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 6,5%; trong bối cảnh thế giới và trong nước khó khăn nhiều hơn thuận lợi đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt hơn nữa của toàn hệ thống chính trị.

Toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng mạnh mẽ

Theo Tổng cục Thống kê, trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%. Như vậy, cả 3 khu vực đều tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp duy trì đà tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thu hút FDI tiếp tục khởi sắc với số dự án mới và số vốn mới đăng ký rất cao. Trong 6 tháng đầu năm 2024 có 1.538 dự án được cấp phép, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước; với số vốn đăng ký đạt 9,54 tỷ USD, tăng 46,9%.

Lĩnh vực nông nghiệp, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, nông nghiệp vẫn khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của cả nước.

Đánh giá về tình hình kinh tế 6 tháng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, nền kinh tế đã thể hiện rõ xu hướng phục hồi quý sau tốt hơn quý trước; các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo. Kết quả này đã phản ánh kết quả Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra.

Nền kinh tế với phương châm  “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm”, “5 đẩy mạnh”

Tại Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các cấp không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả bước đầu đạt được; nhưng cũng không bi quan, lo sợ nếu tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức hơn.

Chính phủ đã quán triệt phương châm chỉ đạo, điều hành với “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm”, “5 đẩy mạnh” kiên quyết không lùi bước trước khó khăn; giữ vững bản lĩnh, kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội; tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh; phấn đấu hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024.

Với những quyết tâm trên, tăng trưởng kinh tế quý II/2024 đạt 6,93%. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dần phục hồi sau nhiều tháng gặp khó khăn, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng 8,32% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024. Kinh tế tăng trưởng khởi sắc đã tác động tích cực đến thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.020,6 nghìn tỷ đồng, bằng 60% dự toán năm và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước…

Ưu tiên phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF Đại Liên) tại Đại Liên - Trung Quốc diễn ra những ngày cuối cùng của tháng 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng của Việt Nam về Đổi mới, hội nhập và phát triển, khẳng định Việt Nam tiếp tục lựa chọn ưu tiên cho tăng trưởng và có chính sách linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và tình hình, xu thế thế giới.

Cụ thể, Việt Nam tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, với các lĩnh vực ưu tiên là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Trong đó, một giải pháp quan trọng là huy động nguồn lực thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho tăng trưởng và phát triển.

Theo ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngay trong khoản vượt thu ngân sách trung ương năm 2023 khoảng 27.000 tỷ đồng, Chính phủ đã đề xuất dành khoảng 20.000 tỷ đồng cho các dự án trọng điểm, liên vùng; đồng thời chỉ đạo nghiên cứu để phát hành thêm 100 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia.

Trong suốt thời kỳ ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, các tác động của căng thẳng địa chính trị trên thế giới, Việt Nam vẫn tự lực tự cường vượt qua thách thức bằng sức mạnh nội sinh. Khu vực doanh nghiệp đã thể hiện bản lĩnh, sự dẻo dai, bền bỉ cùng sự hỗ trợ thiết thực, nhất quán của toàn hệ thống chính trị thông qua các chính sách hỗ trợ trực tiếp cũng như tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cũng bày tỏ về khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm từ 6-6,5% nếu tiếp tục kiểm soát tốt lạm phát; thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu; đồng thời, tiếp tục rà soát, thực hiện quyết liệt các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động, sản xuất kinh doanh đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp chủ lực như: dệt may, da giày, điện tử...

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng…, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần ưu tiên kích cầu tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, đầu tư công vẫn là động lực quan trọng để kích thích tăng trưởng về phía tổng cầu, đồng thời gia tăng được nội lực của nền kinh tế./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 24/11/2024